CEO Vingroup: Thị trường sẽ có một tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam khi Vinmart , Vinmart+ chuyển giao về Masan

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang không tiết lộ tỉ lệ sở hữu cụ thể của Vingroup tại công ty mới, nhưng ông cho rằng sau sáp nhập, thị trường sẽ có một tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Sáng 3/12, Tập đoàn Vingroup gây bất ngờ khi công bố thông tin hoán đổi cổ phần công ty bán lẻ VinCommerce và VinEco với công ty con chuyên về hàng tiêu dùng của Masan. 

Phó Chủ tịch kiêm CEO Vingroup - ông Nguyễn Việt Quang ngay trong chiều cùng ngày đã có những chia sẻ xung quanh thương vụ này. Ông Quang khẳng định việc hoán đổi này được thực hiện khi mảng bán lẻ đã "hoàn thành sứ mệnh".

Tỉ lệ của Vingroup sở hữu tại công ty mới ít hơn Masan

CEO Nguyễn Việt Quang cho biết bản chất của giao dịch là Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+, thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. 

Điều này có nghĩa là công ty mới sau sáp nhập sẽ gồm VinCommerce của Vingroup và công ty chuyên về hàng tiêu dùng Masan Consumer của Tập đoàn Masan.

hanoi_zing_19-crop

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang (người thứ 2 bên phải) cho biết tỉ lệ sở hữu của Vingroup trong công ty mới nhỏ hơn nên Masan sẽ là bên nắm quyền kiểm soát. (Ảnh: Zing).

"Do tỉ lệ sở hữu của Vingroup trong công ty mới chiếm tỉ lệ nhỏ hơn nên Masan sẽ là bên nắm quyền kiểm soát", CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết. Nhưng ông không tiết lộ tỉ lệ sở hữu cụ thể của Vingroup tại công ty mới.

"Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xác định tỉ lệ hoán đổi giữa 2 bên. Sau sáp nhập, thị trường sẽ có một tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam", ông Quang nói.

Tuy nhiên, sau thương vụ, quyền điều hành Công ty VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, chuỗi cửa hàng VinMart+ và VinEco) sẽ được chuyển từ Vingroup cho Masan. 

CEO Vingroup khẳng định: "Ngay từ đầu chúng tôi đã quyết chí chỉ chọn doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước. Yếu tố quan trọng thứ hai là doanh nghiệp được chọn phải có năng lực và nền tảng tốt để tiếp quản, phát triển VinCommerce và VinEco lên một tầm cao mới".

Trong thông cáo phát đi trưa 3/12, Vingroup dẫn lời của tỉ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định tập đoàn không lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Bởi trước đó, câu chuyện Big C về tay người Thái đã dấy lên nỗi lo hàng Thái đẩy hàng Việt ra khỏi siêu thị.

Hay tại Lotte, chủ yếu hàng của Hàn Quốc, Parkson cũng là các thương hiệu Malaysia. 

IMG_8477

Hiện Vingroup có khoảng 120 siêu thị VinMart, chủ yếu đặt tại hệ thống Vincom. (Ảnh: Phúc Minh).

Thực tế, Vingroup cho biết nhiều doanh nghiệp ngoại muốn đầu tư vào VinCommerce, nhưng tập đoàn vẫn chọn một doanh nghiệp trong nước để hợp tác, phát triển mảng bán lẻ. Trong khi đó, Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang với tầm nhìn và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng, nên quyết định bắt tay hợp tác.

"Đây là lựa phù hợp nhất để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam vươn ra thế giới như định hướng ban đầu của chúng tôi", CEO Vingroup Nguyễn Đăng Quang nói.

Tại sao lại chọn chuyển giao bán lẻ cho Masan mà không phải ngành nào khác của Vingroup?

CEO Nguyễn Việt Quang cũng chia sẻ lí do tại sao lại chọn mảng bán lẻ và nông nghiệp lại được tập đoàn chọn hoán đổi, mà không phải là một mảng kinh doanh nào khác đang có.

Ông Quang phủ nhận thông tin VinCommerce và VinEco không đạt kết quả kinh doanh như kì vọng, mới dẫn đến quyết định trên. Theo ông, VinCommerce hiện dẫn đầu thị trường với 2.600 điểm kinh doanh, thuộc hai hệ thống VinMart và VinMart+. 

Riêng quý III/2019, doanh thu từ mảng bán lẻ đạt 7.870 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kì và chiếm tới 25% tổng doanh thu của tập đoàn, chỉ đứng sau mảng bất động sản. Lũy kế 9 tháng năm nay, doanh thu bán lẻ đạt đến 21.910 tỉ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu, tiếp tục đứng thứ hai về đóng góp doanh thu cho tập đoàn.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-03 lúc 11

Hệ thống bán lẻ của Vingroup phát triển vượt bậc qua các năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tương tự VinEco đã phát triển được 14 nông trường công nghệ cao và đã xác lập được uy tín, vị thế lớn trên thị trường. 

Ông cho rằng bán lẻ và nông nghiệp, về cơ bản, Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra ban đầu, khi xây dựng thành công hệ thống bán lẻ quy mô số 1 thị trường, đối trọng với doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua kênh phân phối, VinCommerce cũng hỗ trợ được nhiều nhà sản xuất nội cùng phát triển.

"Nguyên nhân thực sự là Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào công nghệ - công nghiệp. Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế", ông Nguyễn Việt Quang khẳng định.

Trong khi đó, theo ông, y tế và giáo dục là lĩnh vực hoạt động phi lợi nhuận đóng góp cho xã hội, nên tập đoàn sẽ tiếp tục theo đuổi.

Hàng triệu người tiêu dùng và nhân viên sẽ ra sao?

Sáp nhập thành một công ty mới, với tỉ lệ sở hữu trong công ty nhỏ hơn Masan, CEO Nguyễn Việt Quang khẳng định quyền lợi của nhà đầu tư, đối tác cũng như người tiêu dùng sẽ không có gì thay đổi. 

6-1479-15595413786831670231634-1566293641603810581350-2

Cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống bán lẻ VinCommerce vừa tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup, vừa hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan. (Ảnh: Phúc Minh).

"Thậm chí chỉ có tốt hơn khi Masan đưa kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực tiêu dùng vào. Sau khi tiếp quản, Masan sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại cũng như chính sách đối với nhà đầu tư và nhà cung cấp", ông Quang nói.

Riêng toàn bộ khách hàng của VinCommerce, ông khẳng định sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. 

CEO Vingroup cho biết thêm, cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống bán lẻ VinCommerce sẽ không phải lo lắng khi vừa được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và vừa hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan. 

Vốn hoá Masan bay mất 5.600 tỉ đồng sau thông tin sáp nhập

Ngay sau khi Vingroup công bố thông tin hoán đổi cổ phần công ty bán lẻ VinCommerce và VinEco với công ty con chuyên về hàng tiêu dùng của Masan, hôm nay, thị giá cổ phiếu Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN), Công ty Masan Consumer (mã chứng khoán: MCH) và Tập đoàn Vingroup (VIC) diễn biến trái chiều.

Đáng chú ý nhất trên sàn chứng khoán là mã cổ phiếu MSN đã bị tác động mạnh. Chốt phiên giao dịch 3/12, thị giá cổ phiếu MSN giảm 7%, xuống chỉ còn 64.200 đồng/cổ phiếu. So với phiên giao dịch hôm qua, mỗi cổ phiếu Tập đoàn Masan giảm 4.800 đồng, tương đương mức giảm 4,8%.

Với diễn biến này, giá trị vốn hóa của Masan trên sàn chứng khoán đã bốc hơi hơn 5.600 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại Masan Consumer, thị giá cổ phiếu MCH lại tăng giảm liên tục nhưng nhìn chung, tăng mạnh hơn so với giá mở cửa đầu ngày. Đóng phiên giao dịch, thị giá MCH chốt ở mức 77.000 đồng/cổ phiếu, tăng 2.600 đồng/cổ phiếu so với hôm qua.

Đáng chú ý, trong ngày, mức giá giao dịch tối đa của MCH đỉnh điểm lên đến gần 84.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng gần 10.000 đồng so với đầu ngày, sau thông báo mảng bán lẻ của Vingroup sẽ sáp nhập vào công ty hàng tiêu dùng này.

Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Vingroup chốt phiên giao dịch đã không thay đổi, đứng ở mức 115.000 đồng/cổ phiếu so với hôm qua.