Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang lần đầu nói về thương vụ lịch sử mua lại Vinmart giữa lúc doanh thu năm 2019 của Masan sụt giảm

"Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan", Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang tiết lộ.

Công bố kết quả kinh doanh năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Masan tiết lộ mức tăng doanh thu không nhiều thuận lợi so với năm 2018, khi chỉ có mảng hàng tiêu dùng tăng trưởng dương. 

Cũng tại báo cáo này, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang với vai trò là Chủ tịch HĐQT của Masan, đã lần đầu tiên chia sẻ về thương vụ lịch sử mua lại mảng bán lẻ Vinmart, Vinmart+ và VinEco của Tập đoàn Vingroup hồi cuối năm ngoái. Ông Quang cho rằng đây là một thương vụ mà "không phải ai cũng đồng tình".

Giảm doanh thu, Masan nói không thể hiện đúng động lực tăng trưởng của tập đoàn

Năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 37.354 tỉ đồng, giảm 2,2% so với mức 38.188 tỉ đồng trong năm 2018. Lãnh đạo Masan cho biết nguyên nhân là doanh thu thuần của Masan Resource và Masan MEAT Life trong năm qua sụt giảm.

Cụ thể, doanh thu thuần của Masan Resource giảm 31%, chỉ còn 4.706 tỉ đồng, vì giá vonfram giảm 22% và trì hoãn việc bán đồng, tuy nhiên được bù đắp một phần nhờ doanh số bán Florit cao hơn.

Masan sụt giảm doanh thu, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang lần đầu nói về thương vụ lịch sử mua lại Vincommerce - Ảnh 1.

Mảng thực phẩm tiêu dùng đóng góp một nửa doanh thu của Masan. (Ảnh: Phúc Minh).

Doanh thu của Masan Resource bị ảnh hưởng bởi các yếu tố giá bán vonfram thực tế thấp hơn dự kiến; vonfram tồn kho do giá thị trường giảm và lượng đồng tồn kho.

Đại diện Masan cho biết đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp xây dựng nhà máy tinh luyện để bán sản phẩm tại thị trường địa phương, và đợi sự chấp thuận của cơ quan chức năng về việc xuất khẩu.

Trong khi đó, mảng kinh doanh của Masan MEAT Life bị ảnh hưởng do dịch tả heo châu Phi. Doanh thu năm 2019 giảm 1,3% so với năm 2018, đạt 13.799 tỉ đồng.

"Sự sụt giảm của thức ăn gia súc được bù đắp nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản. Ngành thịt sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng năm 2020", đại diện Masan cho biết.

Masan Consumer Holdings tiếp tục là mảng kinh doanh đóng góp vào tăng trưởng chính của Masan. Năm 2019, doanh thu ngành hàng này tăng 8,6%, đạt 18.845 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhìn về mảng kinh doanh này, Masan đánh giá bia và cà phê vẫn chưa đạt kì vọng của ban điều hành, trong khi các "phát kiến" ra mắt năm 2019 đang trên đà tăng trưởng, chưa đóng góp vào doanh thu năm theo kế hoạch.

Tuy nhiên, Masan cho biết lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty tăng 13%, đạt 5.558 tỉ đồng.

Masan sụt giảm doanh thu, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang lần đầu nói về thương vụ lịch sử mua lại Vincommerce - Ảnh 2.

Lợi nhuận ròng của Masan giai đoạn 2015-2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Lãnh đạo Masan khẳng định doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn trong năm 2019 giảm, "tuy nhiên, việc này không thể hiện đúng động lực tăng trưởng của công ty". 

Theo Masan, riêng quý IV/2019, Masan Consumer Holdings tăng trưởng doanh thu lần lượt là 15% so với cùng kì, nhờ vào chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và tăng trưởng của ngành hàng đồ uống.

Trong khi đó, sản phẩm thịt mát MEATDeli đánh dấu cột mốc quan trọng; doanh thu tháng 12/2019 đạt 100 tỉ đồng, xấp xỉ bằng 60% doanh thu thịt tươi của Vissan, sau 1 năm kể từ khi MEATDeli ra mắt thị trường.

Trong khi đó, giá vonfram, sản phẩm chính của mỏ Núi Pháo phục hồi sau khi chạm đáy, tăng từ 180 USD/MTU lên 235-245 USD/MTU.

Ông Nguyễn Đăng Quang: "Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM"

Đáng chú ý, ngoài tóm tắt về kết quả kinh doanh năm 2019, Masan cũng chia sẻ nhiều thông tin liên quan thương vụ sáp nhập Masan Consumer Holdings và Vincommerce của Vingroup hồi cuối tháng 12/2019. 

Hiện Vincommerce đang vận hành 134 siêu thị VinMart và 2.888 cửa hàng tiện lợi VinMart+.

Masan sụt giảm doanh thu, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang lần đầu nói về thương vụ lịch sử mua lại Vincommerce - Ảnh 3.

"Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan", Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang tiết lộ. (Ảnh: Masan).

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng về thương vụ lịch sử trong ngành bán lẻ này. Tại thương vụ, công ty con của Masan đã sở hữu đa số cổ phần với 70% của công ty mới.

"Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan", Chủ tịch Masan tiết lộ.

Ông Quang cho rằng hệ thống phân phối và sự phổ biến của sản phẩm luôn là điều quan trọng đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới và khả năng phục vụ người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi đang trở thành những nhu cầu cơ bản. 

"Chính vì vậy, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VCM với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan tạo ra lợi thế vượt trội, để chúng tôi xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng", tỉ phú Nguyễn Đăng Quang khẳng định.

Masan sụt giảm doanh thu, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang lần đầu nói về thương vụ lịch sử mua lại Vincommerce - Ảnh 4.

Masan đã tiếp nhận chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ của Vingroup cuối năm 2019. (Ảnh: Phúc Minh).

Ông cũng cho biết thêm tập đoàn hiện chỉ tập trung vào các nhu cầu cơ bản hàng ngày, nhưng trong tương lai, đó phải là một hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp, phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Để làm được điều này, ông đặt mục tiêu Masan phải xây dựng một thương hiệu mạnh, thể hiện được giá trị xuyên suốt từ sản xuất đến tiêu dùng.

Ngoài thương vụ sáp nhập với Vincommerce, Masan cũng đã đưa ra đề nghị chào mua công khai đến 60% cổ phần Bột giặt NET với chi phí dự kiến khoảng 28 triệu USD, thực hiện mục tiêu cung cấp "hệ sinh thái" tiêu dùng tích hợp để phục vụ người tiêu dùng trong tương lai.