Masan tự tin doanh thu năm 2020 sẽ tăng trưởng hai con số nhờ mì gói, thịt mát tiêu thụ mạnh do dịch Covid-19

Tuy nhiên, Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang vẫn lo ngại nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, Masan Resources sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là Techcombank.

Tập đoàn Masan vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019. Tại báo cáo này, lãnh đạo Masan một lần nữa tái khẳng định sứ mệnh xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng, nhất là khi năm 2019, doanh nghiệp vừa bắt tay với Vingroup trong thương vụ lịch sử mua lại Vincommerce.

Đáng chú ý, báo cáo cũng đề cập đến dự báo tình hình kinh doanh năm nay dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực mà Masan đang kinh doanh.

"Giá trị thị trường chúng tôi có thể tiếp cận hiện nay tại Việt Nam là trên 60 tỉ USD mỗi năm"

Mở đầu báo cáo thường niên, lãnh đạo Masan nhắc đến sự kiện năm 2019, tập đoàn đã tham gia vào thị trường bán lẻ, bởi trước đó, Masan được biết đến nhiều nhất là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm tiêu dùng với các sản phẩm nổi trội như nước mắm, nước tương, mì gói... 

Masan tin rằng doanh thu năm 2020 sẽ tăng trưởng hai con số nhờ mì gói, thịt mát được dùng nhiều do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Masan tin rằng thương vụ nhận chuyển nhượng chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ của Vingroup là cách để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. (Ảnh: Phúc Minh).

Masan nhấn mạnh sứ mệnh từ trước đến nay của tập đoàn là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho gần 100 triệu người Việt Nam, đồng thời giúp họ chi trả ít hơn cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng luôn phát triển không ngừng. Vì vậy, việc gia nhập mảng bán lẻ sẽ giúp phục vụ người tiêu dùng theo một cách tốt hơn.

"Hành trình của chúng tôi là hành trình của người tiêu dùng". Lãnh đạo Masan khẳng định và nhấn mạnh: "Chúng tôi không giành chiến thắng bằng cách sao chép việc người khác đang làm, hoặc chỉ làm tốt hơn, mà chúng tôi muốn giành chiến thắng bằng cách thay đổi các quy tắc của cuộc chơi".

Dẫn chứng về thành công đã đạt được qua triết lí kinh doanh này, Masan cho biết các nhóm ngành thực phẩm và đồ uống đóng gói; thực phẩm và thịt tươi sống; sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình; dịch vụ tài chính mà tập đoàn cung cấp đã lần lượt chiếm lĩnh 13%, 14%, 2% và 22% chi tiêu của người tiêu dùng hiện nay.

"Xuyên suốt lịch sử của tập đoàn, chúng tôi đã tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng có quy mô thị trường lớn, không ngừng tái định nghĩa chúng để mở rộng thị trường. Giá trị thị trường chúng tôi có thể tiếp cận hiện nay tại Việt Nam là trên 60 tỉ USD mỗi năm", lãnh đạo Masan cho biết.

Đơn cử, theo Masan cuộc cách mạng thịt mát là một ví dụ mới nhất mà Masan đã thực hiện và đang từng bước thành công. Doanh nghiệp của ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng thật phi lí khi người tiêu dùng Việt Nam có thu nhập chỉ bằng 1/10 Mỹ nhưng lại trả gần gấp đôi cho sản phẩm thịt. 

Masan đã nắm bắt nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn này để ra mắt thịt mát MEATDeli, và hiện nhóm thực phẩm và thịt tươi sống này đã chiếm đến 14% chi tiêu của người tiêu dùng Việt.

Masan Resources, Techcombank sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu dịch Covid-19 kéo dài

Đánh giá về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động kinh doanh, Masan cho biết xét về triển vọng năm 2020, sự bùng phát dịch Covid-19 và giá dầu giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến những chỉ số chính trong kết quả kinh doanh, nhưng dự kiến sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020. 

Masan tin rằng doanh thu năm 2020 sẽ tăng trưởng hai con số nhờ mì gói, thịt mát được dùng nhiều do dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Masan tin rằng thực phẩm tiện lợi sẽ giúp doanh thu của tập đoàn tăng trưởng trên 2 con số trong năm nay. (Ảnh: Phúc Minh).

"Nhìn chung, trong vai trò doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với danh mục các thương hiệu hàng tiêu dùng, bao gồm thực phẩm, đồ uống, thịt, bán lẻ hiện đại và tài chính tiêu dùng (thông qua phần lợi ích kinh tế nắm giữ trong Techcombank), Masan đang hội tụ đủ các yếu tố để hưởng lợi từ triển vọng kinh tế vĩ mô đang dần được cải thiện tại Việt Nam, đặc biệt là từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao", Masan nhận định.

Tuy nhiên, không phải tất cả các mảnh ghép trong hệ sinh thái của Masan đều được "hưởng lợi" trong dịch bệnh. Tập đoàn này cho rằng nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, Masan Resources dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến động giá cả hàng hóa và mức độ hoạt động công nghiệp toàn cầu.

Năm 2019, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã tác động lên thị trường vonfram. Cuối năm 2019, giá vonfram đã trở lại mức 230-240 USD/MTU, nhưng triển vọng trong năm 2020 vẫn không chắc chắn do giá dầu giảm mạnh  và dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu vonfram từ những nơi tiêu thụ cuối vốn có quy mô lớn nhất.

Sau Masan Resources, Tập đoàn cho rằng Techcombank sẽ nằm trong nhóm những ngành bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

"Người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn, doanh số bán lẻ và nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng của chúng tôi dự kiến sẽ tăng cao. Tuy nhiên, tác động trong dài hạn nếu đại dịch kéo dài vẫn cần được tiếp tục xem xét, đánh giá do thu nhập khả dụng của người tiêu dùng bị sụt giảm, do đó ảnh hưởng đến doanh số", Masan nhận định.

Mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2020 trên hai con số

Báo cáo thường niên của Masan cũng đưa ra nhiều triển vọng tài chính trong năm 2020 dựa trên hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Masan không cập nhật các chỉ số tài chính quý I/2020.

"Chúng tôi kì vọng doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group năm 2020 tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm. Nhìn chung, chúng tôi tin rằng tác động của đại dịch sẽ ở mức tối thiểu đối với công ty, vì phần lớn hoạt động kinh doanh của Masan hướng đến những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng", Masan nhận định.

Masan tin rằng doanh thu năm 2020 sẽ tăng trưởng hai con số nhờ mì gói, thịt mát được dùng nhiều do dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Kết quả lãi ròng giai đoạn 2015-2019 của Masan. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Cụ thể, với VCM, Masan đặt mục tiêu đạt hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020. Ưu tiên hàng đầu là hợp lí hóa hiệu quả hoạt động, bao gồm giá vốn hàng bán, kho vận và chi phí phi thương mại. Mở cửa hàng mới một cách chọn lọc và đóng cửa các cửa hàng không đạt chỉ tiêu về lợi nhuận.

Với Masan Consumer Holdings, dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số, nhờ sự đóng góp của các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, đồ uống.

Đáng chú ý, Masan nhận định ngành hàng thực phẩm tiện lợi, bao gồm thịt chế biến sẽ có nhiều triển vọng bởi doanh nghiệp tin rằng sau khi dịch Covid-19 qua đi, người tiêu dùng sẽ tiếp tục chuyển sang sử dụng các sản phẩm đóng gói chế biến sẵn, và ăn tại hàng quán ít hơn trước khi có dịch.

Doanh thu Masan MEATLife dự kiến đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất, và dẫn đầu trong danh mục sản phẩm thịt chế biến.

Về Masan Resource, Masan cho biết sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp sau khi mua lại HCS để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá cả hàng hóa theo chu kì.

Riêng mảng kinh doanh của Masan Resource, Masan nhấn mạnh rằng hiệu quả hoạt động sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa của nền kinh tế toàn cầu và tốc độ phục hồi sau khi dịch Covia-19 được kiểm soát.