Forbes vừa công bố danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới năm 2020. Tạp chí danh tiếng toàn cầu đã vinh danh 4 tỉ phú Việt Nam có tài sản trên 1 tỉ USD, gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.
Với dánh sách này, Chủ tịch Tập đoàn Masan - ông Nguyễn Đăng Quang, đã rớt khỏi bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.
Năm nay, thời điểm Forbes công bố danh sách tỉ phú thế giới chậm hơn 1 tháng so với các năm trước. Thông thường, tạp chí này sẽ tổng hợp số liệu về tài sản của các đại gia, doanh nhân trên thế giới từ cuối năm trước, và công bố vào đầu tháng 3.
Forbes từng cho biết phương pháp được lựa chọn để đánh giá quy mô tài sản của các doanh nhân là dựa vào giá cổ phiếu và tỉ giá hối đoái.
Theo Forbes, ngoài các tài sản như bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị, thống kê của họ cũng tính tới giá trị cổ phiếu của các tỉ phú trên sàn chứng khoán. Đây là lí do khiến khối tài sản của các tỉ phú không ngừng biến động, và trường hợp này cũng xảy ra tương tự với Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Thống kê hồi tháng 3/2019, Forbes ghi nhận tổng tài sản của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang là 1,3 tỉ USD. Thời điểm đó, thị giá cổ phiếu của Masan trên sàn chứng khoán đang ở mức rất cao, giao dịch gần 90.000 đồng/cổ phiếu.
Lúc đó, Tập đoàn Masan đang là cổ đông lớn nhất của Techcombank, nơi tỉ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT, với tỉ lệ sở hữu lên đến 15%. Thị giá cổ phiếu Techcombank giai đoạn này cũng ở vùng 27.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau 1 năm, tại thời điểm cuối tháng 3/2020, hai mã cổ phiếu này đã bốc hơi hàng trăm triệu USD khiến tổng tài sản của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang rơi xuống dưới mốc 1 tỉ USD.
Cụ thể, những ngày cuối tháng 3, cổ phiếu MSN của Công ty CP Tập đoàn Masan giao dịch ở vùng 49.000 đồng/cổ phiếu, mất gần một nửa so với năm ngoái. Cổ phiếu của Techcombank cũng chỉ còn chưa đến 15.000 đồng/cổ phiếu.
Đây là lí do chính khiến tài sản của Chủ tịch doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam sụt giảm, bốc hơi ít nhất 300 triệu USD và rớt khỏi danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2020.
Thực tế, sau khi lên đỉnh gần 90.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm Forbes thống kê danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2019, sau đó, thị giá cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Masan đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đến giữa tháng 7/2019, cổ phiếu MSN bắt đầu rơi về vùng 70.000 đồng/cổ phiếu, và đứng ở mức này cho đến khi giảm sau sau cái bắt tay lịch sử với Tập đoàn Vingroup.
Ngày 3/12, Masan công bố thương vụ nhận chuyển nhượng mảng bán lẻ Vincommerce gồm 2.600 siêu thị VinMart, VinMart+ và mảng nông nghiệp VinEco từ Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Thương vụ được Masan và Vingroup kì vọng sẽ tạo nên tập đoàn hàng tiêu dùng, bán lẻ tầm cỡ, vượt ra khỏi phạm vi trong nước.
Tuy nhiên, ngay trong ngày công bố thông tin, giá cổ phiếu Masan mất 4.800 đồng/cổ phiếu so với ngày liền trước, còn 64.200 đồng/cổ phiếu. Chỉ chưa đầy một tuần sau, cổ phiếu MSN rơi xuống vùng 50.000 đồng/cổ phiếu, và cuối tháng 3/2020 đến nay, mã này luôn nằm ở vùng thấp hơn 50.000 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, từ sau khi nhận chuyển nhưỡng Vinmat, Vinmart+ và VinEco, tài sản của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đã rớt xuống dưới 1 tỉ USD, và không còn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Dù không lên tiếng nhiều về thương vụ sáp nhập, nhưng ông Nguyễn Đăng Quang đã có lần thổ lộ: "Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan".
Chủ tịch Masan kì vọng sự kết hợp này sẽ tạo ra lợi thế vượt trội, để xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, một hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp, phục vụ người tiêu dùng tốt nhất.
Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, nhưng được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm tiêu dùng như nước mắm, nước tương, mì gói…
Ngoài ra, hệ sinh thái của doanh nghiệp này còn có các lĩnh vực khác như chăn nuôi, thịt mát, khoáng sản (mỏ Núi Pháo), ngân hàng (Techcombank).
Ông Nguyễn Đăng Quang quê tại Quảng Trị, lấy bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh và tiến sĩ Vật lí hạt nhân tại Đông Âu và khởi nghiệp với mì gói tại Nga. Những năm 1990 nhưng ông Quang đã sớm thành công và bắt đầu đưa các sản phẩm tiêu dùng như nước tương, nước mắm, mì gói… về Việt Nam từ năm 2000.
Theo số liệu trên sàn chứng khoán, dù là Chủ tịch Tập đoàn Masan nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu tại doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, thông qua Công ty CP Masan - doanh nghiệp đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Tập đoàn Masan, thì ông Quang được xem là cổ đông chính và có khối tài sản khổng lồ.
Ông Quang cũng nắm giữ khoảng 9,5 triệu cổ phiếu Techcombank, và trên cương vị đại diện cho Masan sở hữu 524,3 triệu cổ phiếu nhà băng này. Tại Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang đang giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng.