Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang: Bạn bè thường hỏi tại sao tôi học vật lí hạt nhân lại đi làm mì gói

Theo Chủ tịch HĐQT Masan Group Nguyễn Đăng Quang, chính bối cảnh xã hội khiến ông khởi nghiệp ngành mì ăn liền, dù học vật lí hạt nhân.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Masan - ông Nguyễn Đăng Quang, đã dành nhiều thời gian chia sẻ với cổ đông về câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. Lần đầu tiên ông Quang lí giải với cổ đông chuyên ngành "tréo nghoe" mình được đào tạo là vật lí hạt nhân nhưng cuối cùng lại đi buôn mì gói. Tỉ phú "mì gói" cũng nói nhiều về sự sứ mệnh của Masan trên "con đường nhiều chông gai" để các cổ đông chia sẻ.

Bạn bè cứ hỏi tôi học vật lí hạt nhân sao đi buôn mì gói?

Chủ tịch HĐQT Masan Nguyễn Đăng Quang kể nhiều bạn bè ông cứ thắc mắc mãi câu chuyện ông được đào tạo bài bản chuyên ngành học vật lí hạt nhân nhưng lại chọn buôn mì gói mà không trở thành một nhà khoa học.

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang: Bạn bè thường hỏi tại sao tôi học vật lí hạt nhân lại đi làm mì gói - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ với cổ đông chuyện học vật lí hạt nhân đi buôn mì gói. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Nguyên nhân là ông Quang từng theo đuổi lĩnh vực Toán học và Vật lí hạt nhân tại Đại học Vật lí Ứng dụng - Viện Hàn lâm Khoa học Belarus. Năm 1990, ông bắt đầu khởi nghiệp với mì ăn liền tại Nga và về nước đầu năm 2001, ông Quang tiếp tục làm nên một cơn sốt với sản phẩm này và ngành hàng gia vị.

"Thực sự tôi không chọn mì gói mà ngược lại bối cảnh lúc đó đã làm cho chúng tôi chọn mì gói.  20 năm trước, Việt Nam vẫn còn rất khó khăn. Ở thời điểm mà nhiều người dân còn cần được ăn món gì đó ấm ấm, lưng lửng bụng thì chúng tôi làm mì gói", ông Quang nói.

Chủ tịch HĐQT Masan cũng cho biết thêm sau một thời gian khởi nghiệp ngành mì ăn liền dành cho người Việt tại Nga, đến một ngày, ông phát hiện rằng không chỉ người Việt Nam lúc đói thì cần có mì gói, mà hơn 100 triệu người Nga không đủ khoai tây cũng cần mì gói để giải quyết đói.

"Đó là cách Masan bắt đầu sự nghiệp của mình, cách tôi bắt đầu đi buôn mì gói. Hãy nghĩ rằng chính bản thân bạn muốn điều đó, khi bạn muốn thì bạn mới làm. Khi bạn làm điều gì đó mà tốt bản thân bạn, gia đình và xã hội thì bao giờ bạn cũng sẽ làm tốt hơn, bản thân cũng tốt hơn. Tinh thần này luôn là kim chỉ nam cho hoạt động kinh doanh của Masan", ông Quang nói với cổ đông.

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng cho rằng mỗi sản phẩm do Masan sản xuất ra bao giờ cũng phải đáp ứng tiêu chí phục vụ tốt cho bản thân, gia đình và xã hội.

"Chúng tôi muốn làm sản phẩm nó ngon, an toàn, tuyệt vời cho mọi người như cho chính gia đình tôi. Đó là cách Masan vẫn nói và làm. Chúng ta kinh doanh cho đại đa số xã hội. Một việc chỉ tốt, không quá vĩ đại nhưng mà nó sẽ vĩ đại khi việc tốt đó mang ý nghĩa cho mọi người", ông Quang khẳng định.

Ông đồng thời cho rằng Masan phục vụ người tiêu dùng nhưng cũng rất chia sẻ và đồng hành với các cổ đông. Vì vậy, doanh nghiệp luôn không ngừng cải tiến để mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Cụ thể, ba năm trước, Masan đi theo mô hình năng suất lao động và nhãn hiệu mạnh, tương tự các công ty của Singapore thực hiện. Tuy nhiên, sau đó một năm, nhóm hàng tiêu dùng của doanh nghiệp lại theo hướng tập trung quảng bá nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn của khách hàng.

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang: Bạn bè thường hỏi tại sao tôi học vật lí hạt nhân lại đi làm mì gói - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Masan cho rằng cách tốt nhất là phải xây dựng Masan là làm sao để nhận được sự tin dùng của khách hàng. (Ảnh: TL).

Năm ngoái, Masan Consumer đã tái cấu trúc giúp doanh thu và lợi nhuận trong năm đầu tiên thực hiện chiến lược này tăng mạnh mẽ.

Trong đó, đáng chú ý là nhóm hàng mì ăn liền mà ông Quang từng khởi nghiệp, đã đem đến cho Masan Comsumer doanh thu 4.636 tỉ đồng, chiếm hơn 27% cơ cấu doanh thu, tăng gần 30% so với năm 2017.

"Masan hết sáng tạo rồi hay sao mà không có cái mới"

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng thẳng thắn chia sẻ với cổ đông khi nhiều người cho rằng "Masan đã hết sáng tạo rồi hay sao mà không thấy cái mới". Ông nói thực tế Masan chưa bao giờ dừng lại trước thành công của mình mà luôn sáng tạo không ngừng. Tuy nhiên, Masan cần đi theo đúng định hướng ban đầu thì mới tiếp tục chinh phục con đường thành công ở phía trước tốt hơn."Khi bạn thấy con đường nhiều chông gai và phải đi mỗi ngày thì điều tốt nhất, có ý nghĩa nhất để thành công và còn được tiếp tục đi theo con đường đã chọn. Con đường Masan đã chọn không chỉ ý nghĩa với doanh nghiệp mà phải ý nghĩa với xã hội. Dần dần mọi người sẽ hiểu sứ mệnh của Masan", ông chủ Masan Group khẳng định.

Ông cho rằng khi vượt qua con đường "nhiều chông gai" này, được nhiều người hiểu và chia sẻ, Masan sẽ có thêm nhiều tài năng đồng hành hơn và mục tiêu của doanh nghiệp sẽ thành công.

Song song đó, Chủ tịch HĐQT Masan cho rằng cách tốt nhất là phải xây dựng Masan là làm sao để nhận được sự tin dùng của khách hàng. Masan sẽ học cách ngày càng làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chứ không phải chỉ có làm ra thật nhiều sản phẩm mới.

"Ngày hôm nay chúng ta phải cố gắng làm tốt hơn những gì chúng ta làm, để người tiêu dùng tin vào sản phẩm chúng ta làm ra chất lượng tốt. Và chúng ta tin là chúng ta sẽ làm được tốt hơn. Tôi nghĩ kết quả kinh doanh không quyết định tất cả, mà cách chúng ta ứng xử với thị trường và giúp người tiêu dùng tin vào sản phẩm của chúng ta mới quan trọng", Chủ tịch Masan nói.


Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang: Bạn bè thường hỏi tại sao tôi học vật lí hạt nhân lại đi làm mì gói - Ảnh 3.

Thành công từ mì ăn liền, nhưng khi về Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang lại bắt đầu với nước mắm, nước chấm trước khi tấn công thị trường mì ăn liền dù đây là sản phẩm đóng góp doanh thu lớn cho Masan. (Ảnh: TL)

Trong báo cáo thường niên năm 2018, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang khẳng định: "Masan được thành lập không phải với mục tiêu để trở thành một tập đoàn kinh doanh tỉ USD và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận".

Theo ông, mục tiêu chính và xuyên suốt của Masan là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người Việt, thông qua các sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất. Song song đó, Masan cũng phải tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững, để tạo ra giá trị cao cho cổ đông.

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cho rằng hiện nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, do đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập ngày càng tăng. Đây được xem là cơ hội cho Masan. Ông khẳng định cơ hội này hiện "không chờ một ai".

Dù khẳng định mục tiêu không phải là tập đoàn tỉ đô, tìm kiếm tăng trưởng và lợi nhuận, nhưng mục tiêu đến năm 2022, doanh thu của Masan sẽ cán mốc 5 tỉ USD.

Tỉ phú USD chỉ nắm 15 cổ phiếu Masan

Trong danh sách 5 tỉ phú Việt Nam có tên tại bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới năm 2019 do Tạp chí Forbes bình chọn, ông Nguyễn Đăng Quang (sinh năm 1963) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan, xếp ở vị trí thứ 5, với tài sản 1,3 tỉ USD.
Với khối tài sản này, ông chủ Masan xếp thứ 1.117 trong bảng xếp hàng người giàu của thế giới. Forbes giới thiệu ngắn gọn: "Ông Nguyễn Đăng Quang là doanh nhân tự thân, làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng".

Ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan, ông Quang còn là Phó chủ tịch HĐQT Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Masan Group của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt, với vốn hóa đạt gần 100.000 tỷ đồng.

Từ tháng 1/2018, ông Nguyễn Đăng Quang đã được Bloomberg khẳng định là tỉ phú USD của Việt Nam. Tài sản của ông khi đó khoảng 1,2 tỷ USD, dù theo số liệu trên sàn chứng khoán, tỉ lệ sở hữu trực tiếp ở Masan của ông Quang chỉ vẻn vẹn 15 cổ phiếu.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.