Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang nói gì với cổ đông về sự cố tương ớt Chin-su, lùm xùm nước mắm?

Chủ tịch HĐQT Masan Group Nguyễn Đăng Quang khẳng định những lùm xùm xung quanh nước mắm và nước chấm gần đây của doanh nghiệp là do chưa truyền thông rộng rãi ra bên ngoài để nhận sự chia sẻ. Với hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật, Masan khẳng định đó chỉ là sự cố.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Masan ngày 24/4, các cổ đông đã dành nhiều quan tâm đến những lùm xùm gần đây của doanh nghiệp về vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật, và những tranh cãi xung quanh sản phẩm nước mắm, nước chấm.

Cổ đông lo ngại những lùm xùm này có ảnh hưởng kết quả kinh doanh năm 2019.

Hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật là sự cố nhưng chúng tôi bị tấn công rất nhiều 

Ông Danny Le - Giám đốc cấp cao chiến lược và phát triển của Masan Group, cho biết việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su do Masan sản xuất bị thu hồi tại Nhật vào đầu tháng 4 vừa qua chỉ là sự cố. Theo ông Danny Le, bất kì thị trường nào cũng có những chuyện không thể lường trước.

"Nó chỉ là sự cố. Chúng tôi bị tấn công rất nhiều trên báo chí dù có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và truyền thông để các thông tin chính thức nhất tiếp tục đến với người tiêu dùng. Sản phẩm Masan từ trước đến nay đều an toàn đến người tiêu dùng", ông Danny Lê khẳng định.

 Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang nói gì với cổ đông về sự cố tương ớt Chin-su, lùm xùm nước mắm? - Ảnh 1.

Ông Danny Le cho biết việc các sản phẩm tương ớt Chin-su của Masan bị thu hồi tại Nhật thời gian qua chỉ là sự cố.

Trước đó, đầu tháng 4, chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) phát thông tin thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt nhãn Chin-su do Masan sản xuất được công bố trên Cổng thông tin điện tử của thành phố Osaka.

Nguyên nhân là sản phẩm có chứa thành phần acid benzoic với hàm lượng từ 0,41 - 0,45g/kg (tại Nhật Bản axid benzoic không được chấp thuận sử dụng trong tương ớt). Ngoài ra sản phẩm này còn vi phạm về nhãn phụ do nhà nhập khẩu dán. Tuy nhiên, cổng thông tin điện tử của Osaka cũng cho rằng hàm lượng nói trên không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, ngay cả trường hợp một người nặng 50 kg ăn liên tục 560 g sản phẩm này hàng ngày.

Sau đó, Masan đã công bố nhiều thông tin liên quan về tiêu chuẩn sản xuất tương ớt của Bộ Y tế và tổ chức thế giới để khẳng định sản phẩm Chin-su do hãng sản xuất là an toàn với người tiêu dùng.

Ngày 12/4, Cục An toàn thực phẩm (thuộc Bộ Y Tế) đã có văn bản chính thức trả lời những thông tin liên quan về vụ hơn 18.000 chai tương ớt hiệu Chin-su do Masan sản xuất bị hồi tại Nhật. Bộ Y Tế cho rằng chiếu theo các quy định của Bộ Y Tế và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex, sản phẩm tương ớt Chin-su an toàn cho người sử dụng.

Lùm xùm nước mắm: Phải thừa nhận do Masan chưa chủ động truyền thông 

Về lùm xùm xung quanh tiêu chuẩn nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group, cho biết trong sự việc này, phải thừa nhận Masan đã chưa chủ động trong việc truyền thông.

 Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang nói gì với cổ đông về sự cố tương ớt Chin-su, lùm xùm nước mắm? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng lùm xùm vụ nước mắm thời gian qua do Masan chưa chia sẻ nhiều thông tin với truyền thông.

"Thẳng thắn mà nói chúng tôi chưa chủ động, ít chia sẻ thông tin với truyền thông. Chúng tôi từng nghĩ mình cứ làm tốt rồi mọi người sẽ hiểu. Nhưng có lẽ phải làm nhiều công tác truyền thông với xã hội theo cách cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn để thị trường hiểu và chia sẻ hơn với doanh nghiệp", ông Nguyễn Đăng Quang nói.

Song song đó, Chủ tịch HĐQT Masan cho rằng cách tốt nhất là phải xây dựng Masan là làm sao để nhận được sự tin dùng của khách hàng. Masan sẽ học cách ngày càng làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

"Ngày hôm nay chúng ta phải cố gắng làm tốt hơn những gì chúng ta làm, để người tiêu dùng tin vào sản phẩm chúng ta làm ra chất lượng tốt. Và chúng ta tin là chúng ta sẽ làm được tốt hơn. Tôi nghĩ kết quả kinh doanh không quyết định tất cả, mà cách chúng ta ứng xử với thị trường và giúp người tiêu dùng tin vào sản phẩm của chúng ta mới quan trọng", Chủ tịch Masan nói.

 Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang nói gì với cổ đông về sự cố tương ớt Chin-su, lùm xùm nước mắm? - Ảnh 3.

Nói về những lùm xùm nước mắm thời gian qua, Chủ tịch Masan cho rằng cách tốt nhất là phải xây dựng Masan là làm sao để nhận được sự tin dùng của khách hàng.

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng dành nhiều thời gian để nói về ngành hàng nước mắm mà Masan đang theo đuổi, vốn tạo ra doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho nhóm hàng tiêu dùng.

Theo ông Quang, những lùm xùm gần đây sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Masan. Nguyên nhân là sản phẩm của Masan đạt chất lượng tốt và có đủ các mặt hàng thuộc nhiều phân khúc khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Quang khẳng định, thậm chí hiện nay, Masan chưa thể đáp ứng hết các nhu cầu đó.

"Chỉ cần ra khỏi trung tâm TP HCM 50 km, sẽ thấy rõ nhiều người dân mình rất khó khăn, tính thu nhập theo ngày, tức làm ngày nào ăn ngày đó. Nhưng điều đó không có nghĩa người tiêu dùng không được quyền thưởng thức những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Ngành nước mắm, có những phân khúc khác nhau và đây là hương vị không thể thiếu trong các bữa ăn của người Việt", ông Quang nói.

Ông chủ Masan cũng khẳng định với người Việt Nam, nước mắm là quốc hồn quốc túy. Nhất là với người Việt xa quê hương thì nước mắm chính là một sự nhớ nhung. Do vậy, Masan luôn kiên định con đường của mình là tạo ra sản phẩm nước mắm nói riêng và ngành hàng gia vị, thực phẩm nói chung đảm bảo chất lượng, đảm bảo sức khỏe, nhu cầu tiêu dùng và phù hợp với thu nhập của người dân.

"Khi chúng tôi làm ra sản phẩm nào, chúng tôi luôn phải nghĩ như làm cho cha mẹ, cho con, cho anh chị em chúng tôi sử dụng. Với phương châm này thì không có lí do gi Masan không làm ra nhưng sản phẩm chất lượng nhất", ông Quang nói với cổ đông.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.