Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan Group - MCK: MSN) tổ chức sáng nay, 24/4, HĐQT Masan đã cho biết một trong những điểm nhấn của Masan trong năm hoạt động 2019, mục tiêu đến năm 2020 là làm nên một cuộc cách mạng về thịt mát.
Masan muốn làm một cuộc cách mạng thịt mát với thị phần chiếm 10% vào khoảng năm 2020. (Ảnh: P.H).
Ông Danny Le - Giám đốc cấp cao chiến lược và phát triển của Masan Group, cho rằng ai cũng nghĩ hoạt động Masan Nutri-Source gồm 3 mảng kinh doanh riêng biệt, gồm thức ăn chăn nuôi, trang trại và thịt. Tuy nhiên, đại diện Masan cho rằng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là thị phần thịt mát chứ không phải đơn thuần chỉ tập trung vào thức ăn chăn nuôi và nông trại.
"Chúng tôi muốn chiếm 10% thị phần tiêu dùng thịt trong nước vào năm 2022, tương đương 1 tỉ USD doanh thu từ thịt mát có thương hiệu. Để thực hiện được mục tiêu này, buộc phải có 4-6 triệu heo thịt để cung ứng ra thị trường vào năm 2020. Trong năm ngoái, Masan đã chiếm được 4% thị phần với 1,4 triệu heo thịt, và mục tiêu năm nay là gấp đôi thị phần có được trong năm 2018", ông Danny Le cho biết.
Theo ông, ngành hàng thịt có quy mô rất lớn rất lớn, khoảng 10,2 tỉ USD, biên lợi nhuận ổn định mức 35% hàng năm và chiếm tỉ trọng cao nhất trong ngành hàng thực phẩm tươi sống. Trong khi đó, hiện thị trường này lại khá manh mún, giá cao, không đạt tiêu chuẩn và phát triển.
"Nói đến thịt chế biến, hiện chưa có nhiều nguồn thịt chất lượng, đa số vẫn mua thịt tươi rồi về chế biến. Tỉ lệ người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm thịt an toàn được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh. Khi tập trung vào làm thịt mát, Masan sẽ làm nên một cuộc cách mạng", ông Danny khẳng định.
Báo cáo thường niên năm 2018 của Masan Group cũng tiết lộ về định hướng ngành thịt mát mà doanh nghiệp sẽ triển khai.
Masan muốn làm một cuộc cách mạng về thịt mát, chiếm 10% thị phần thịt vào năm 2022, tương đương 1 tỉ USD doanh thu.
Doanh nghiệp của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cũng thể hiện tham vọng ngành thịt mát sẽ thay đổi thị trường.
Hướng đi của Masan với thịt là xây dựng các cửa hàng chỉ kinh doanh thịt mát, đối tượng nhắm đến là người đi chợ truyền thống. Ngoài ra, cũng sẽ bao phủ kênh hiện đại tại siêu thị, đây được xem là cách xây dựng thương hiệu. Cuối cùng, Masan cũng muốn xây dựng kênh đại lí thịt mát. Kế hoạch đến năm 2020, Masan sẽ có 5.000 điểm bán thịt, tấn công vào thị trường được đánh giá rất tiềm năng này.
"Hiện đã có 24 triệu người dùng Việt sử dụng sản phẩm Masan. Chỉ cần 10% số người tiêu dùng này chuyển sang sử dụng thịt của chúng tôi thì hiệu quả đã rất lớn rồi. Chúng tôi cũng không tập trung vào làm xúc xích theo kiểu Mỹ hay châu Âu mà chỉ tập trung vào thịt và các sản phẩm thịt phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng Việt", ông Danny khẳng định.
Ngoài ra, nhìn nhận về thị trường thịt mát thời gian qua, nhất là khi dịch tả heo châu Phi đang hoành hành tại các tỉnh phía Băc và miền Trung, Giám đốc cấp cao chiến lược và phát triển của Masan, cho rằng điều này cũng rất rủi ro và ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh ngắn hạn.
Theo ông, nếu chỉ nhìn ngắn hạn thì sẽ ảnh hưởng tiến độ chung về mục tiêu kinh doanh. Ông khẳng định điều đó sẽ không ảnh hưởng khi Masan đã có chuỗi cung ứng, đặc biệt trong các trường hợp dịch bệnh này, người tiêu dùng lại quan tâm nhiều hơn đến thịt an toàn. Điều này được thể hiện khi đầu năm nay, 2 trong số 5 cửa hàng kinh doanh thịt của Masan đã đạt điểm hòa vốn dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh ngành hàng thịt mát, năm 2019, Masan muốn xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng độc đáo tích hợp tất cả ngành hàng từ hàng tiêu dùng, thịt, tài chính và đang nghĩ đến công nghệ, y tế. Báo cáo cổ đông, HĐQT cho rằng hình này giúp tiết kiệm 5% chi phí tiêu dùng của người Việt Nam, thu hút được nhiều người hơn.
Năm 2019, Masan đặt mục tiêu tăng doanh thu thuần đạt mức từ 45.000 - 50.000 tỉ đồng, tăng từ 20-30%. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty đạt 5.000 - 5.500 tỉ đồng, tăng 40-60% so với năm 2018.
Kết thúc quý I/2019, Tập đoàn Masan đạt 8.200 tỉ đồng doanh thu, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, mảng tiêu dùng Masan Consumer đóng góp 3.800 tỉ doanh thu (tăng 5% so với cùng kì), trong khi nguồn thu từ chuỗi giá trị thịt Masan Nutri-Science đi ngang ở mức 3.200 tỉ đồng.
Đáng chú ý, lĩnh vực khoáng sản với Masan Resources giảm đến 20% doanh số, về mức 1.200 tỉ đồng.
Masan cho biết, quý đầu năm, sự tăng trưởng của Masan Consumer đã bù đắp cho kết quả hoạt động của Tập đoàn, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo Châu Phi ("ASF") cùng với với sự sụt giảm của giá Vonfram. Hai tác động này được đánh giá có ảnh hưởng trong ngắn hạn.