Masan lên tiếng về 18.000 chai tương ớt Chin-su vừa bị thu hồi tại Nhật

Masan khẳng định chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho hai doanh nghiệp liên quan tại Nhật Bản. Theo hãng, rất có thể hơn 18.000 chai tương ớt bị thu hồi là sản phẩm chỉ dành cho thị trường Việt Nam.

Liên quan thông tin Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (Nhật Bản) thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt hiệu Chin-su, có xuất xứ từ Masan Việt Nam sản xuất, chiều 6/4, phía Masan đã lên tiếng phản hồi về vụ việc.

"Sau khi kiểm tra thông tin nội bộ, chúng tôi khẳng định công ty chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản", thông báo của Masan cho biết.

Cũng theo thông tin từ Masan, Công ty Javis Co., Ltd có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka, người đại diện pháp lí là ông Yasuhiro Naka, là đơn vị nhập khẩu 3 lô hàng (757 thùng -18.168 chai) tương ớt Chin-su có hạn sử dụng đến ngày 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019. 

Công ty TNHH Công nghiệp ISC là đơn vị phân phối ra thị trường.

Masan lên tiếng về 18.000 chai tương ớt Chin-su vừa bị thu hồi tại Nhật - Ảnh 1.

Masan khẳng định chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho hai doanh nghiệp liên quan tại Nhật Bản.

Doanh nghiệp thông tin thêm, theo công bố của chính quyền Osaka, nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong việc ghi nhãn. Và rất có thể đơn vị nhập khẩu đã nhập khẩu nhầm sản phẩm lưu hành nội địa, tức tương ớt dành cho thị trường Việt Nam hoặc hàng hoá có lỗi ghi nhãn phụ không đầy đủ.

"Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra", đại diện Masan  cho hay.

Trước đó, theo thông tin được công bố trên Cổng thông tin điện tử của thành phố Osaka - www.city.osaka.lg.jp, nguyên nhân Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su là do sản phẩm có chứa thành phần acid benzoic với hàm lượng từ 0,41 – 0,45g/kg (tại Nhật Bản axid benzoic không được chấp thuận sử dụng trong tương ớt), ngoài ra sản phẩm này còn vi phạm về nhãn phụ do nhà nhập khẩu dán.

Tuy nhiên, cổng thông tin điện tử của Osaka cũng cho rằng, hàm lượng nói trên không ảnh hưởng không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, ngay cả một người nặng 50kg ăn liên tục 560g sản phẩm này hàng ngày.

Chính quyền Osaka cũng dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết với hàm lượng trong tương ớt Chinsu vẫn trong mức an toàn với người sử dụng.

 Masan cho biết hiện hãng chỉ xuất khẩu trực tiếp tương ớt Chin-su sang các thị trường Mĩ, Canada, Australia, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc và Đài Loan. Các sản phẩm do công ty sản xuất và phân phối đều tuân thủ qui định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.

Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT về quản lí phụ gia thực phẩm, benzoic acid được cho phép sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.