Masan muốn lãi 4.200 tỉ năm 2019 nhờ bán nước mắm, tương ớt, mì gói…

Nước mắm, nước tương, tương ớt và mì gói được Masan Consumer đặt kì vọng chiếm phần lớn mục tiêu doanh thu 22.300 tỉ và 4.200 tỉ đồng lợi nhuận trong năm 2019.

Từ quả ngọt của năm đầu thực hiện tái cấu trúc mô hình kinh doanh "bán hàng hóa" sang "xây dựng thương hiệu", Masan Consumer tiếp tục "thừa thắng xông lên" trong bối cảnh ngành hàng tiêu dùng được dự báo có nhiều thuận lợi.

Kì vọng lãi lớn từ nước mắm, mì gói

Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Comsummer) - thuộc Tập đoàn Masan, đặt mục tiêu doanh thu thuần 2019 dao động 20.400 - 22.300 tỉ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 20-31% so với doanh thu năm 2018.

Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ đạt khoảng 4.050 - 4.200 tỉ đồng, tăng trưởng tương ứng 20-25% so với lợi nhuận năm 2018. Các mục tiêu kinh doanh này ban điều hành doanh nghiệp sẽ trình đại hội cổ đông thông qua ngày hôm nay, 24/4

Masan muốn lãi 4.200 tỉ năm 2019 nhờ bán nước mắm, tương ớt, mì gói… - Ảnh 1.

Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu thuần và LNST cao nhất năm 2019 đạt lần lượt 22.300 tỉ và 4.200 tỉ đồng. (Đồ họa: Phúc Huy).

Masan Consumer đánh giá nền kinh tế của Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ tiếp tục tăng trường do thu nhập khả dụng ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đông hơn, tốc độ đô thị hóa cao và hệ thống ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn.

Điều này tác động đến sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đặc điểm nhân khẩu học Việt Nam cũng khiến xu hướng tiêu dùng có sự thay đổi, như nhu cầu cao về thực phẩm tiện lợi, sản phẩm chất lượng, an toàn, sản phẩm có thương hiệu và sự đa dạng, mới lạ của các nhãn hàng.

Công ty con thuộc tập đoàn Masan cho biết sẽ tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình kinh doanh và cách thức hoạt động, với nhiệm vụ tăng trưởng doanh số và xây dựng các mối quan hệ "win-win" với các nhà cung cấp và phân phối.

Theo đó, công ty sẽ tập trung vào việc cao cấp hóa ngành hàng chủ lực như gia vị và thực phẩm tiện lợi, đồng thời nhắm tới tăng trưởng liên tục mảng kinh doanh thức uống thông qua nhóm sản phẩm nước uống tăng lực. Công ty cũng cho biết rất kì vọng phát triển mảng kinh doanh sản phẩm thịt chế biến sau khi liên doanh với đối tác Jinju Ham Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo Masan Consumer, một trong những thách thức có thể khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm trong năm 2019, đặc biệt mức giảm này đánh vào những ngành chủ chốt là do giá nguyên vật liệu đầu vào có thể sẽ tăng, khả năng lạm phát tăng cao. Điều này khiến mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, HĐQT Masan Comsumer cho rằng doanh nghiệp có thể giúp "gia tăng biên lợi nhuận trước thuế", nhờ giảm chi phí chuyển đổi, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển cũng như tập trung chiến lược gia tăng giá trị các ngành hàng chính gồm nước chấm, mì gói… và các ngành hàng trụ cột mới.

Nước mắm, nước tương, mì gói chiếm gần 70% doanh thu

Năm 2018, doanh thu thuần của Masan Consumer đạt 17.006 tỉ đồng, tăng trưởng 28,7% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.400 tỉ đồng, tăng 51% so với lợi nhuận đạt được trong năm 2017.

Hầu hết mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan đều tăng trưởng tốt. Trong đó, mảng kinh doanh gia vị và mì ăn liền chiếm gần 70% doanh thu.

Masan muốn lãi 4.200 tỉ năm 2019 nhờ bán nước mắm, tương ớt, mì gói… - Ảnh 2.

mảng kinh doanh gia vị và mì ăn liền chiếm gần 70% cơ cấu doanh thu Masan Consumer năm 2018. (Đồ họa: Phúc Huy).

Cụ thể, ở mảng thực phẩm tiện lợi, chủ yếu là các sản phầm mì ăn liền, đã đem đến cho Masan Consumer số tiền doanh thu 4.636 tỉ đồng, chiếm hơn 27% cơ cấu doanh thu. Theo thống kê của Nielsen, năm 2018, giữ vị trí thứ hai trong ngành mì ăn liền là Masan. Các sản phẩm chính đều đạt tăng trưởng 2 chữ số do tăng giá thành và đưa ra các phát kiến mới.

Mảng gia vị, năm 2018, Masan Consumer tiếp tục dẫn đầu ngành nước mắm, nước tương và tương ớt. Doanh thu thuần của nhóm hàng này tăng 35% so với năm 2017, đạt 6.958 tỉ đồng, đóng góp gần 41% cơ cấu doanh của Masan Consumer. Các thương hiệu chủ chốt như Chin-Su và Nam Ngư tiếp tục đạt doanh thu cao do sản lượng tăng 26% và là trụ cột chính thúc đẩy doanh thu cho ngành gia vị.

Với ngành hàng cà phê, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần là 1.708 tỉ đồng, tăng 11% so với mức 1.532 tỉ đồng của năm 2017. Cà phê được dự báo là tiềm năng, đặc biệt tại các thành phố hiện đại tuy nhiên, theo Masan, sự cạnh tranh là rất lớn do có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia.

Trong khi đó, ngành hàng đồ uống đóng chai và thịt chế biến lần lượt đóng góp vào doanh thu thuần 1.947 tỉ đồng và 210 tỉ đồng, tương đương 16,4 và 1,23%.

Masan muốn lãi 4.200 tỉ năm 2019 nhờ bán nước mắm, tương ớt, mì gói… - Ảnh 3.

Năm 2018, doanh thu thuần của Masan Consumer đạt 17.006 tỉ đồng, tăng trưởng 28,7% so với năm 2017.

Ban lãnh đạo Masan Consumer cho rằng năm 2018 được xem là năm đầu trong quá trình tái cấu trúc kể từ khi cuối năm 2017, bắt đầu chuyển từ mô hình kinh doanh "bán hàng hóa" sang "xây dựng thương hiệu".

Để thực hiện mô hình tái cấu trúc này, Masan đã giảm bớt hàng tồn kho tại nhà phân phối, đặc biệt, giảm sự phụ thuộc vào các hoạt động khuyến mãi, giải phóng nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động xây dựng thương hiệu.

Các thị trường xuất khẩu chính của Masan Consumer cũng ghi nhận bước tăng trưởng vượt trội. Masan Consumer đã thiết lập hệ thống các nhà phân phối chủ chốt ở thị trường Bắc Mỹ gồm Hoa Kì và Canada, đẩy mạnh xuất khẩu hai ngành hàng chính là gia vị và cà phê với hai nhãn hàng chủ lực là nước mắm Chin-Su và Vinacafé.

Riêng tại Trung Quốc, công ty đầu tư và khai thác thị trường cà phê hòa tan với hai thương hiệu chủ lục là Vinacafé và Wake-Up Café.

Masan Consumer cho rằng năm đầu tiên sau tái cấu trúc được xem là thành công khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng mạnh so với năm 2017.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.