Kèm với báo cáo thường niên 2018 vừa công bố, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan - ông Nguyễn Đăng Quang, có tâm thư gửi đến cổ đông, khẳng định về mục tiêu, tầm nhìn kinh doanh của tập đoàn. Tâm thư của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang xuất hiện giữa lùm xùm vụ chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su do Masan sản xuất, bởi sản phẩm có chứa acid benzoic.
Tại Nhật Bản, phụ gia acid benzoic vẫn được dùng trong liều lượng cho phép, nhưng cấm với tương ớt.
"Masan được thành lập không phải với mục tiêu để trở thành một tập đoàn kinh doanh tỉ USD, và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận", ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định.
Theo ông, mục tiêu chính và xuyên suốt của Masan là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người Việt, thông qua các sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất.
Ông Nguyễn Đăng Quang gửi tâm thư khẳng định Masan được thành lập không phải với mục tiêu tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.
Ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng kể từ khi thành lập, mục tiêu nâng cao đời sống của người tiêu dùng đã thành hiện thực, qua một số sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một số sản phẩm khác của doanh nghiệp chưa đạt được mục tiêu.
Ông nói để các sản phẩm tung ra thị trường đạt được tỉ lệ thành công lớn thì cần có sự phối hợp của các thành viên trong công ty, khi không ngừng sáng tạo.
"Những gì tôi vừa chia sẻ thì nghe có vẻ hoa mĩ, nhưng đó là sự thật. Vì chỉ với tư duy như vậy, chúng ta mới có thể tiếp tục mang lại cho người tiêu dùng những giá trị lớn", ông Nguyễn Đăng Quang viết trong tâm thư.
Dù khẳng định mục tiêu không phải là tập đoàn tỉ đô, tìm kiếm tăng trưởng và lợi nhuận, nhưng ông chủ Masan lại khẳng định hoạt động kinh doanh cần phải đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững, để tạo ra giá trị cao cho cổ đông. Song song đó ông lại khẳng định "thành quả tự nhiên" sẽ đến khi doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi lí tưởng ban đầu, tức không "tranh thủ mọi cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận".
Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cho rằng hiện nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, do đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập ngày càng tăng. Đây được xem là cơ hội cho Masan.
"Hãy tin tôi, khi nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng nhanh thì cơ hội đó không chờ một ai", ông Nguyễn Đăng Quang nhắn với cổ đông.
Ông Quang cho rằng một số sản phẩm của Masan đã giúp nâng cao đời sống người tiêu dùng Việt nhưng một số vẫn chưa. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Theo người sáng lập Masan, việc bám theo thời cơ này như đang đặt cược vào nhóm khách hàng tiềm năng tương lai, và nắm bắt các xu hướng của ngành. Vì vậy, đòi hỏi phải đầu tư các sản phẩm và có được dịch vụ đột phá.
Ông Quang cho rằng nếu quá an toàn, chấp nhận kinh doanh ít rủi ro, việc hoàn thành kế hoạch có thể dễ dàng, nhưng dần dần sẽ chậm lại và lạc hậu so với xu hướng của thị trường.
"Tôi nói tất cả những điều này và mong quý cổ đông hiểu lí do vì sao chúng ta cần tiếp tục vượt qua các giới hạn, và luôn luôn trong quá trình chuyển đổi", Chủ tịch Masan nói.
Tương ứng với tham vọng tạo ra sự đột phá này, Tập đoàn Masan đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ đạt doanh thu 5 tỉ USD, biên lợi nhuận thuần từ 12-15%. Việc doanh thu đạt đến 5 tỉ USD cũng cho thấy Masan kì vọng nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng Việt ở giai đoạn này đã tăng lên gấp đôi so với hiện nay, đạt 10,2%.
Báo cái tài chính hợp nhất 2018 của Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 38.187 tỉ đồng, tăng gần 570 tỉ đồng so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế 5.622 tỉ đồng, trong đó, có 3.478 tỉ đồng là lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty.
Ngày 2/4 chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) thông báo thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su do Masan sản xuất, bởi sản phẩm có chứa acid benzoic. Tại Nhật Bản, phụ gia acid benzoic vẫn được phép dùng trong liều lượng cho phép nhưng qui định cấm với tương ớt.
Phía Masan cho hay doanh nghiệp không xuất trực tiếp hay gián tiếp tương ớt Chin-su cho hai đơn vị bị phát hiện và thu hồi sản phẩm tại Nhật, gồm Công ty Javis Co., Ltd có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka - là đơn vị nhập khẩu và Công ty TNHH Công nghiệp ISC là đơn vị phân phối ra thị trường.
Masan cho biết nhiều khả năng tương ớt bị thu hồi là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, hoặc sản phẩm không rõ xuất xứ. Bởi các sản phẩm bị thu hồi tại Nhật còn có nhãn phụ ghi không đầy đủ.
Chính quyền Osaka cũng dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết với hàm lượng trong tương ớt Chinsu vẫn trong mức an toàn với người sử dụng.