Masan muốn mỗi người Việt chi 100 USD hàng năm mua sản phẩm của mình

Tập đoàn Masan đặt kì vọng đến năm 2020, mỗi người dùng Việt Nam sẽ chi khoảng 100 USD để sử dụng các sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm dinh dưỡng, dịch vụ tài chính… do tập đoàn mang lại.

Con số tập đoàn này đưa ra là trung bình mỗi người tiêu dùng Việt Nam chi gần 20 USD để sử dụng các sản phẩm của Masan trong năm 2018. Masan kì vọng khoảng năm 2020, chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng dành cho các sản phẩm của hãng sẽ đạt mốc hơn 100 USD. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở hàng tiêu dùng và thịt mát, tài chính.

Mỗi người dùng ở Việt Nam sẽ chi 100 USD cho Masan

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan Group - MCK: MSN) tổ chức ngày 24/4, Masan cho biết doanh thu thuần năm 2018 đạt 38.188 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ đạt 3.478 tỉ đồng, tăng 57% so với năm 2017.

Masan muốn mỗi người Việt chi 100 USD hàng năm mua sản phẩm của mình - Ảnh 1.

Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang khẳng định Masan chưa bao giờ dừng lại với mục tiêu của mình. (Ảnh: P.H),

Ông Danny Le - Giám đốc cấp cao chiến lược và phát triển của Masan Group, cho biết trong năm 2018, trung bình mỗi người tiêu dùng Việt Nam chi khoảng 18 USD cho các sản phẩm của Masan. Ông Danny Le cho rằng mục tiêu trong những năm tới, người tiêu dùng sẽ ngày càng "móc hầu bao" của mình nhiều hơn cho các sản phẩm của Masan.

Cụ thể, đến năm 2020, mỗi người tiêu dùng Việt Nam sẽ chi khoảng 100 USD/năm cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Trong đó, theo tính toán của Masan, tỉ lệ phân chia của từng nhóm hàng là Masan Consumer chiếm hơn 30 USD, Masan Nutri-Source chiếm gần 40 USD và dịch vụ tài chính của Techcombank chiếm gần 30 USD/người/năm. 

Tương đương mức chi tiêu này, doanh thu của Masan có thể đạt được khoảng 9-10 tỉ USD doanh thu.

Như vậy, Masan đã đặt mục tiêu trung bình hàng tháng, mỗi người tiêu dùng sẽ dành khoảng 10 USD cho các sản phẩm của hãng.

"Nhiều ý kiến nói mục tiêu của Masan là điên rồ"

Ông Danny Le cho biết thêm có nhiều ý kiến nói rằng mục tiêu của Masan đến năm 2022 là điên rồ, bởi thị trường hàng tiêu dùng đang bước vào giai đoạn bão hòa. Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao chiến lược và phát triển của Masan Group khẳng định kết quả kinh doanh năm 2018 cho thấy Masan đang đi đúng lộ trình, doanh nghiệp có chiến lược tăng trưởng cụ thể ở từng mảng kinh doanh trụ cột.

"Tôi tin rằng phân khúc cao cấp đang ngày càng phát triển. Năm 2018, nhóm hàng gia vị đã có đà tốt, 2019 được kì vọng tăng trưởng 10%, khi có những sản phẩm gia vị cao cấp mới. Nhóm hàng thực phẩm tiện lợi như mì gói được kì vọng tăng 20%. Đặc biệt, khi Masan có ba ngành hàng về gia vị, thực phẩm tiện lợi, thịt chúng tôi muốn tạo ra những bữa dinh dưỡng và tập trung vào phân khúc trung, cao cấp", ông Danny Le khẳng định.

Masan muốn mở ra và dẫn đầu nhiều ngành hàng mới

Tiếp tục đặt kì vọng vào những ngành trụ cột, mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt, doanh nghiệp của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang vẫn mong muốn mở ra và dẫn đầu một số ngành hàng khác. Cụ thể, Masan tiết lộ hai mảnh ghép chiến lược tiếp theo sẽ nhảy vào nhằm chiếm thị phần, là các sản phẩm chăm sóc cá nhân và bán lẻ.

"Việt Nam không phải là nước người dân có thu nhập trung bình cao nhất khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, người dân đang có mức chi tiêu nhiều nhất khu vực này đối với ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình. Trong khi đó, hiện thị trường khá phân mảnh, tôi tìn rằng cần có một thương hiệu nội địa ở nhóm sản phẩm này", ông Danny Le nói.

Masan muốn mỗi người Việt chi 100 USD hàng năm mua sản phẩm của mình - Ảnh 2.

Hàng tiêu dùng cá nhân và bán lẻ là hai mảnh ghép tiếp theo Masan nhảy vào. (Phúc Huy).

Trước băn khoăn của cổ đông về việc liệu Masan có thể đối đầu nổi các thương hiệu ngoài, ông Danny Le cho hay chiến lược của Masan cũng không khác so với các ngành hàng đã từng thành công trước đó, như nước mắm, tương ớt. Ông cho rằng thị trường chưa bao giờ hết khó, hết cạnh tranh, và Masan vẫn thắng được nhiều thương hiệu ngoại như Nesle, Unilever với các sản phẩm cà phê, nước mắm, nước chấm… bởi hiểu nhu cầu của người tiêu dùng. Doanh nghiệp sẽ "thừa thắng xông lên" với chiến lược tương tự áp dụng cho nhóm sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Bán lẻ là ngành thứ hai Masan muốn nhảy vào. Đại diện tập đoàn cho rằng hiện các kênh truyền thống chiếm rất lớn với khoảng 1,5 triệu tiệm tạp hóa nhưng chịu phí cao, tăng trưởng chậm và sẽ thu hẹp trong tương lai. Masan muốn xây dựng một mô hình bán lẻ kết hợp giữa các kênh truyền thống với hiện đại và cả thương mại điện tử. Đại diện tập đoàn cho rằng đây là mô hình các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu thế giới như Walmart, Whole Foods đang áp ụng và mô hình này rất hợp lí với Việt Nam.

Về sản phẩm mới, Masan cho rằng nước tăng lực chỉ là sự khởi đầu khi đạt 50% tăng trưởng năm 2018 và chiếm 7% thị phần. Năm 2019, Masan sẽ tiếp tục cho ra mắt sản phẩm nước uống truyền thống đặc trưng của Việt Nam và nước uống dinh dưỡng, với khoảng 1-2 thương hiệu, nhưng không tiết lộ cụ thể. Với sản phẩm mới này, Masan kì vọng tạo tăng trưởng trung hạn cho toàn tập đoàn và sẽ nắm 50% thị phần.

Tham vọng tạo một hệ sinh thái tiêu dùng gồm cả y tế, giáo dục

Masan cho biết trong  tương lai sẽ tạo một hệ sinh thái tiêu dùng độc đáo. Bên cạnh các mảng hiện nay là đồ ăn thức uống, thực phẩm tươi sống, tài chính, năng lượng, Masan dự kiến thành lập thêm những mảng khác như y tế, thông tin liên lạc, giáo dục và một số lĩnh vực khác. Trung bình mỗi lĩnh vực này sẽ lấy được từ vài đến gần 30% chi tiêu hàng ngày của người tiêu dùng.

Masan muốn mỗi người Việt chi 100 USD hàng năm mua sản phẩm của mình - Ảnh 3.

Năm 2018, trung bình mỗi người tiêu dùng Việt Nam chi khoảng 17 USD cho các sản phẩm của Masan.

"Mô hình hệ sinh thái tiêu dùng này sẽ giúp tiết kiệm 5% chi phí tiêu dùng của người Việt Nam", đại diện Masan cho biết.

Về ngắn hạn trong năm 2019, Masan đặt mục tiêu năm ngành hàng tiêu dùng vẫn đóng vai trò chủ dự kiến tăng trưởng doanh thu khoảng 21-35% so với năm trước dù mới gặp sự cố và đối mặt rủi ro các phát kiến mới thất bại, chậm chinh phục khách hàng.

Kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty năm nay lần lượt là 45.000-50.000 tỷ đồng và 5.000-5.500 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 18-31% và 44-58% so với năm trước.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan Group - MCK: MSN), sáng 24/4, đã bầu 6 thành viên thuộc HĐQT nhiệm kì năm 2019-2024. Trong danh sách thành viên đã vắng mặt Phó Chủ tịch HĐQT Masan nhiệm kì trước là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank và 2 thành viên HĐQT khác.

3 thành viên HĐQT mới của Masan Group nhiệm kì này là ông Nguyễn Đoan Hùng, ông David Tan WeiMing và ông Woncheal Park. Ông Nguyễn Đoan Hùng và ông David Tan WeiMing là TV HĐQT độc lập.

Ông Nguyễn Đoan Hùng sinh năm 1953, từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới và có 20 năm công tác tại Ngân hàng Nhà nước. Giai đoạn 2004-2013, ông Hùng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Hiện ông Hùng nắm giữ vị trí Thành viên HĐQT Chứng khoán Phú Hưng (PHS).

Ông David Tan WeiMing sinh năm 1980, quốc tịch Singapore. Năm 2008-2019, ông David Tan WeiMing nắm giữ ghế Giám đốc Công ty Kohlberg Kravis Roberts (KKR). Năm 2011, KKR lần đầu rót 159 triệu USD vào Masan Consumer, đến năm 2013, đơn vị này tiếp tục đầu tư 200 triệu USD để tăng sở hữu tại Masan Consumer, tăng cường quan hệ hợp tác với Masan Group. Năm 2017, KKR tiếp tục rót 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science.

Ông Woncheal Park, quốc tịch Hàn Quốc, đại diện cho quỹ SK, sở hữu 9,5% cổ phần của Masan.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.