Triển vọng của Masan khó đoán sau thương vụ lịch sử với Vingroup

Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định Masan vừa có lợi thế vừa có thách thức, khi nhận chuyển nhượng mảng bán lẻ 2.600 siêu thị, cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu VinMart và VinMart+ của tập đoàn Vingroup.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Masan trở nên khó đoán hơn, sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với công ty bán lẻ Vincommerce của Tập đoàn Vingroup hồi tháng 12/2019.

Mới đây, Masan vừa thông qua nghị quyết hoán đổi cổ phần 2 công ty VinCommerce (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp) của Tập đoàn Vingroup với Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan, để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng bán lẻ mới, Masan giữ tỉ lệ 83,74%.

Triển vọng Masan tỉ phú Nguyễn Đăng Quang khó đoán sau thương vụ lịch sử với Vingroup - Ảnh 1.

VCSC nhận định Masan vừa có lợi thế vừa có thách thức khi nhận chuyển nhượng công ty bán lẻ Vincommerce của tập đoàn Vingroup. (Ảnh: Phúc Minh).

Chuyên gia của VCSC cho rằng việc tiếp nhận mảng bán lẻ của Vingroup bước đầu giúp Masan sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ rộng khắp, thông qua đó phân phối các sản phẩm tiêu dùng của chính công ty.

Nguyên nhân được chỉ ra là các công ty hàng tiêu dùng nhanh thường phụ thuộc vào các hệ thống bán lẻ để tiếp cận người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện ngành bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang phát triển rất tốt, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đều trên 2 con số.

Tuy nhiên, một thách thức khác, là Masan vốn chưa nhiều kinh nghiệm triển khai bán lẻ, trong khi mảng kinh doanh bán lẻ của Vingroup dù sở hữu chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi khủng nhất hiện nay, nhưng vẫn đang lỗ lũy kế hàng nghìn tỉ mỗi năm.

"Thương vụ sáp nhập với Vincommerce mang tính dài hạn hơn, trong khi động lực tăng trưởng lớn nhất đối với Masan hiện ở mảng thịt, sau khi đưa công ty này lên UPCoM cuối năm 2019", báo cáo cho biết.

Chuyên gia của công ty chứng khoán này nhận định "mảnh ghép" thịt mát MEATDeli của Masan rất nhiều triển vọng, có thể sẽ trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường thịt heo quy mô 10 tỉ USD trong nước. Mới đây, tập đoàn đã tung sản phẩm thịt mát bán tại TP HCM, sau khi có mặt tại nhiều siêu thị tại Hà Nội từ năm ngoái.

Theo VCSC, doanh thu từ thịt của CTCP Masan MeatLife sẽ đạt khoảng 460 triệu USD vào năm 2021, chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của công ty.

Song song đó, mới đây, Masan cũng công khai tham vọng nhảy vào ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình, khi chào mua 60% vốn tại Công ty CP Bột giặt Net.

Chuyên gia của VCSC cho rằng nếu thành công, Masan sẽ chính thức gia nhập thị trường hàng chăm sóc cá nhân và gia đình, có quy mô ước 3 tỉ USD. Trong đó, NET kì vọng sẽ góp khoảng 7% doanh thu cho Masan Consumer đến năm 2022, nhờ vào vị thế của hãng sản xuất bột giặt hơn 50 năm tuổi.

Triển vọng Masan tỉ phú Nguyễn Đăng Quang khó đoán sau thương vụ lịch sử với Vingroup - Ảnh 2.

Ngoài hàng thực phẩm tiêu dùng, Masan công khai kế hoạch tấn công hàng chăm sóc cá nhân và gia đình. (Ảnh: Phúc Minh).

Chốt phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2020, giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đứng ở mức 57.500 đồng/cổ phiếu, giảm gần 20% so với trước thời điểm công bố thương vụ nhận chuyển nhượng công ty bán lẻ Vincommerce và VinEco của Tập đoàn Vingroup.

Sau thương vụ, Tập đoàn Masan công bố phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu, dự kiến chào bán ra công chúng 4 đợt trong thời gian từ quý I-II/2020, nhằm tăng quy mô hoạt động của tập đoàn lẫn các công ty con.

Masan dự kiến sẽ rót 5.000 tỉ đồng vào vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm nhìn Masan, cho Công ty TNHH Masan Consumer Holdings và Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam vay lần lượt 3.000 tỉ và 1.000 tỉ đồng. 

Số tiền còn lại từ huy động trái phiếu, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang có kế hoạch thanh toán nợ vay nội bộ tại Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo. 

Tag:
chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.