Tuyên bố sẽ dẫn đầu thị trường bán lẻ Việt Nam cả về doanh thu lẫn số lượng cửa hàng, chỉ sau 5 năm có mặt, hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ của Vingroup mở rộng ồ ạt. Tuy nhiên, mới đây, tập đoàn này đã gây bất ngờ khi sáp nhập mảng bán lẻ với công ty hàng tiêu dùng của Masan.
Quyết định của Vingroup được đưa ra khi đã thực hiện được một phần tham vọng trong ngành bán lẻ, là dẫn đầu về điểm bán, tuy nhiên, hiện mảng kinh doanh này vẫn lỗ hàng năm lên đến nghìn tỉ đồng. Dù vậy, cái bắt tay lịch sử giữa Masan và Vingroup với tham vọng đưa ngành bán lẻ Việt phát triển sang trang mới một lần nữa cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam là một "miếng bánh" rất hấp dẫn dù chưa bao giờ dễ ăn.
Từ 15h, các con đường xung quanh khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM) bắt đầu nhộn nhịp bởi hàng trăm người không biết từ đâu kéo đến để họp chợ. Chợ này không có tên, người bán cứ bày la liệt hàng hoá, chủ yếu là thực phẩm và người mua chính là công nhân của khu công nghiệp.
Đúng 17h, hàng nghìn công nhân bắt đầu đổ ra, và họ bắt đầu kéo đến chợ. Hàng hoá mua sắm chủ yếu là rau, củ, quả, thậm chí là thịt cá để chuẩn bị cho bữa ăn tối.
Tiệm tạp hoá "bán cả thế giới" vẫn chiếm doanh thu cao nhất trong thị trường bán lẻ tại Việt Nam. (Ảnh: Phúc Minh).
"Công nhân chúng tôi hầu hết mua rau củ ở chợ này, hàng người ta chở từ chợ đầu mối Bình Điền về, giá cả hợp với mức sống của công nhân. Nếu mua nước mắm, nước tương… thì chúng tôi ghé cửa hàng tạp hoá xung quanh đây, không bao giờ sợ thiếu", chị Mỹ Duyên (36 tuổi, công nhân tại khu công nghiệp này hơn 7 năm qua) cho biết.
Đúng như chị Duyên nói, trong khi chợ chồm hổm chỉ bán đồ tươi sống thì các cửa hàng tạp hoá san sát tại khu vực này bán "tất tần tật" mọi thứ, miễn là người tiêu dùng có nhu cầu. Khách mua chỉ cần dừng xe, gọi với vào bên trong tên món đồ cần mua, là hàng ngay lập tức được treo tận xe.
Đó là chưa kể những "siêu thị mini" của các nhà bán lẻ 3 năm gần đây xuất hiện san sán tại khu chợ này, để "giành" khách của chợ chồm hổm và cửa hàng tạp hoá.
Đầu tiên nhất và ồ ạt nhất phải kể đến chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động. "Bao vay chợ", khu công nghiệp là ưu tiên số 1 của Bách Hóa Xanh kể từ khi nhảy vào lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi xung quanh các khu chợ nhỏ thường có đến 5-6 cửa hàng, chặn khắp các lối về của công nhân, người lao động.
Tính đến cuối tháng 10/2019, chuỗi Bách Hóa Xanh có tổng cộng 866 cửa hàng. Có thể nói tốc độ mở rộng chuỗi của Bách Hóa Xanh là thần tốc, đáng kinh ngạc và chỉ đứng sau người "khổng lồ" Vingroup.
Sau Bách Hóa Xanh, cửa hàng tiện lợi VinMart+ của Vingroup cũng có mặt tại khu công nghiệp Tân Tạo, với khoảng 3 cửa hàng.
Trước sáp nhập với Masan, tổng điểm kinh doanh VinMart và VinMart+ trên thị trưởng khoảng 2.600. (Ảnh: Phúc Minh).
Saigon Co.op và SATRA cũng không thể chịu thua. Tại khu công nghiệp Tân Tạo này , Saigon Co.op có 1 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food và SATRA cũng có 1 cửa hàng Satrafood.
Sở dĩ có số lượng ít hơn bởi cách đó không xa là một siêu thị Co.opmart - mô hình truyền thống và gần như kinh doanh hiệu quả nhất của Saigon Co.op hiện nay. Trong khi đó, mô hình của Satrafood là phân bổ rải rác tại nhiều khu vực, nhất là khu dân cư và thường cách chợ truyền thống khoảng 2-3 km.
Là "anh cả" trong ngành bán lẻ, tuy nhiên, Saigon Co.op và SATRA đều thể hiện sự thận trọng khi không quá ồ ạt mở rộng điểm bán. 2019 là năm kỉ niệm 30 năm thành lập, Saigon Co.op kì vọng đạt con số 1.000 điểm bán tính chung cho toàn hệ thống.
Trong khi đó, số siêu thị và cửa hàng thực phẩm của SATRA hiện mới khoảng 200 sau nhiều năm có mặt trên thị trường.
Theo tính toán, tổng điểm kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ nội lớn là Vingroup, Thế Giới Di Động, Saigon Co.op, SATRA đang vào khoảng hơn 4.600 cửa hàng. Đây là một con số không nhỏ, và chưa tính những chuỗi nhỏ lẻ khác cùng hàng triệu cửa hàng tạp hoá phủ khắp mọi ngõ ngách tại Việt Nam.
Hệ thống kinh doanh bán lẻ của các doanh nghiệp lớn hiện nay tại Việt Nam. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Theo báo cáo mới đây của McKinsey&Company, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, và ngày càng được cân bằng với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng.
Cụ thể, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có doanh thu hàng năm khoảng 108 tỉ USD, được dự báo sẽ có tăng trưởng lũy kế hàng năm khoảng 7,3% trong giai đoạn 5 năm tới.
Trong ngành bán lẻ, McKinsey&Company chỉ ra hàng tạp hóa, thực phẩm phụ và các thiết bị điện tử tiêu dùng là hai mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam, lần lượt đạt 44% và 17%. Theo đánh giá của tổ chức này, cả hai ngành hàng trên trong bán lẻ đều có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai tại Việt Nam.
"Miếng bánh" bán lẻ hơn trăm triệu USD quá hấp dẫn là lí do khiến hàng loạt doanh nghiệp ngoại không ngại ồ ạt gia nhập thị trường, trong khi trong nước, đã có sẵn một loạt doanh nghiệp bán lẻ nội hiện đại lẫn mô hình truyền thống.
Big C là nhà bán lẻ ngoại có mặt sớm và thành công tại Việt Nam. Năm 2016, tỉ phú Thái đã thâu tóm Big C với giá hơn 1 tỉ USD, và quyết định giữ nguyên tên thương hiệu vì nó đã quá quen thuộc với người Việt. Tính đến nay, hệ thống kinh doanh của Big C tại Việt Nam là 36 siêu thị.
Bên cạnh Big C, MM Mega Market cũng là mô hình bán lẻ được quản lí của một doanh nghiệp Thái Lan. (Ảnh: Phúc Minh).
Một đại gia Thái khác đang bán lẻ tại Việt Nam là MM Mega Market, tiền thân của thương hiệu này chính là Metro của người Đức. Sau khi một doanh nghiệp Thái thâu tóm, tính đến nay, MM Mega Market đang có 19 siêu thị tại Việt Nam.
Ngoài Thái Lan, 2 doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tập trung vào mô hình siêu thị, đại siêu thị tại Việt Nam là Lotte Mart và Emart. Tuy nhiên, gần 4 năm có mặt tại Việt Nam, Emart vẫn im ắng với 1 siêu thị. Lotte có thời gian kinh doanh dài hơn hiện có 13 siêu thị.
Nhật Bản với 1 đại gia Aeon mang mô hình đại siêu thị Aeon Mall vào Việt Nam từ năm 2014. Phong cách tại hệ thống này là bán lẻ theo kiểu của người Nhật, mới đây, doanh nghiệp vừa khai trương một điểm kinh doanh mới là Aeon Hà Đông, nâng tổng đại siêu thị có mặt tại Việt Nam lên con số 5 điểm bán.
Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Vietnam - bà Đặng Thúy Hà, nhận định thị trường bán lẻ của Việt Nam đang rất sôi động và rất tiềm năng, khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, họ có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn cho hàng tiêu dùng và thực phẩm hàng ngày.
"Nếu nhìn tổng thể, kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ chủ đạo. Thống kê của chúng tôi về hàng tiêu dùng nhanh thì các kênh bán lẻ truyền thống hiện chiếm 80% doanh thu, tuy nhiên tăng trưởng lại không cao. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 17% doanh thu, nhưng Nielsen đo được tăng trưởng đến 19%", bà Đặng Thúy Hà cho biết.
Chuyên gia của Nielsen Vietnam khẳng định nhà bán lẻ nội hiểu tâm lí người dùng hơn nên không quá lo lắng trong cuộc chiến bán lẻ. (Ảnh: Phúc Minh).
Từ kết quả này và tiềm năng của thị trường, chuyên gia đánh giá các kênh bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, nhất là khi nhu cầu của khách hàng đang chú ý đến những sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo chất lượng.
Đó là lí do khiến các doanh nghiệp ngoại rất "thèm muốn" miếng bánh bán lẻ Việt Nam.
"Có thêm các đối tác điều này đem lại sự phát triển lành mạnh hơn, đòi hỏi sự cố gắng ở cả hai bên, để khách hàng có được những trải nghiệm tốt nhất", bà Đặng Thúy Hà khẳng định.
Theo chuyên gia, các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam, họ sẽ mang đến quy trình quản lí hoặc marketing hiện đại, các doanh nghiệp nội địa có thể tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm. Đây cũng cách thúc đẩy, tạo động lực cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng hiện đại hơn, bắt kịp xu hướng của thế giới.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nội không hề lép vế trước các đối thủ ngoại. Nếu như các nhà bán lẻ ngoại có tiềm lực vốn dồi dào thì các nhà bán lẻ Việt Nam có lợi thế hiểu tâm lí người tiêu dùng nội địa. Trong nhiều trường hợp, đây chính là điều kiện tiên quyết có giữ chân được khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới được hay không.
Chuyên gia của Nielsen Vietnam cho rằng thực chất cuộc chiến giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại đang làm cho ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan, triển vọng hơn và chính người tiêu dùng đang được hưởng lợi bởi làn sóng cạnh tranh khốc liệt này, kể cả thương vụ sáp nhật giữa hai ông lớn Masan và Vingroup gây ồn ào gần đây.
Kinh doanh 21:00 | 07/05/2020
Kinh doanh 08:41 | 30/04/2020
Kinh doanh 19:58 | 18/02/2020
Kinh doanh 15:08 | 23/01/2020
Kinh doanh 09:28 | 21/01/2020
Kinh doanh 19:29 | 20/01/2020
Kinh doanh 10:09 | 17/01/2020
Kinh doanh 20:37 | 14/01/2020