Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng còn lại gì sau khi chuyển nhượng VinMart, VinEco cho Masan

Buông VinEco, VinMart và VinMart+, Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng còn lại 6 mảng kinh doanh, nhưng theo chia sẻ, doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào sản xuất công nghiệp, là ôtô VinFast, điện thoại thông minh VinSmart và lĩnh vực công nghệ.

Bất ngờ chuyển giao VinCommerce - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+ và công ty VinEco cho công ty con chuyên về hàng tiêu dùng của Masan, Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định buông mảng bán lẻ và nông nghiệp, thu hẹp phạm vi các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn.

CEO Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang, cho biết buông bán lẻ và nông nghiệp, bởi về cơ bản, Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra ban đầu, là xây dựng thành công hệ thống bán lẻ quy mô số 1 thị trường, đối trọng với doanh nghiệp ngoại. Còn mảng nông nghiệp cũng đã có uy tín, vị thế lớn trên thị trường. 

Buông VinMart, VinMart+ và VinEco, Vingroup còn gì?

Vingroup là tập đoàn kinh doanh đa ngành, hệ sinh thái của doanh nghiệp tập trung vào 8 lĩnh vực chính, gồm bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục và nông nghiệp.

sieuthivinmart-1568132793

Vingroup đã quyết định buông mảng bán lẻ và nông nghiệp. (Ảnh: Vingroup).

Báo cáo với cổ đông vào đầu năm 2019, Vingroup đặt mục tiêu sẽ là doanh nghiệp đi đầu trong từng lĩnh vực kinh doanh.

"Hệ sinh thái của tập đoàn sẽ tiếp tục phủ sóng mạnh mẽ và gia tăng sức ảnh hưởng trên toàn quốc. Trong đó, mỗi công ty thành viên sẽ phát huy hoặc phấn đấu để đạt vị trí số 1 trong ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Mỗi thương hiệu của tập đoàn sẽ không ngừng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và dịch vụ, hướng tới đẳng cấp quốc tế", Vingroup thể hiện tham vọng trong báo cáo thường niên gửi cổ đông trong năm 2019.

Riêng bán lẻ, kể từ khi có mặt trên thị trường vào cuối năm 2014, tính đến nay vừa tròn 5 năm. Cái tên VinMart và VinMart+ đã quá quen thuộc với người tiêu dùng với độ phủ rộng khắp, có mặt từ chợ truyền thống đến trung tâm thương mại hiện đại.

Trước khi quyết định buông bán lẻ, tổng số siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ của Vingroup lên đến khoảng 2.600 điểm kinh doanh. Thậm chí, mới đây, Vingroup đặt mục tiêu đến năm 2025, độ phủ của hệ thống này sẽ dày đặc hơn nữa, với hơn 300 siêu thị VinMart và gần 10.000 cửa hàng VinMart+.

Đi kèm với tốc độ mở chuỗi chóng mặt, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup cuối năm 2018 đạt 19.326 tỉ đồng, tăng trưởng gần 50% so với cùng kì, là mảng có doanh thu cao thứ hai sau chuyển nhượng bất động sản, chiếm 16% cơ cấu doanh thu của toàn tập đoàn.

9 tháng đầu năm nay, bán lẻ mang về cho Vingroup 21.910 tỉ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu, tiếp tục đứng thứ hai sau chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, về tuyệt đối, doanh thu bán lẻ vẫn thấp hơn bất động sản khoảng 2,5 lần. 

IMG_8477

VinMart là mô hình siêu thị của tập đoàn Vingroup, được đặt tại trung tâm thương mại Vincom. (Ảnh: Phúc Minh).

Về nông nghiệp, mảng kinh doanh này được hạch toán vào bộ phận kinh doanh khác. Báo cáo tài chính cho biết, 9 tháng đầu năm nay, nông nghiệp cùng các hoạt động kinh doanh khác của Vingroup đạt 3.176 tỉ doanh thu và lỗ trước thuế theo bộ phận 627 tỉ đồng.

Như vậy, với quyết định bất ngờ chia tay bán lẻ và nông nghiệp (mà theo CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang, hai mảng này đang kinh doanh rất tốt), tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chỉ còn lại 6 lĩnh vực gồm bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí, y tế, giáo dục, công nghiệp và công nghệ.

Đáng chú ý, năm nay, hãng bay Vinpearl Air của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã chính thức ra đời và đang chờ phê duyệt cuối cùng của Thủ tướng. Nếu đúng theo đúng kế hoạch, Vinpearl Air sẽ cất cánh vào giữa năm sau. Hãng dự định khai thác 6 tàu bay vào năm 2020 và nâng lên thành 30 sau 5 năm hoạt động. Để chuẩn bị, hiện Vingroup đã khai giảng khoá đào tạo phi công đầu tiên với 180 học viên. 

Những lĩnh vực khác của Vingroup đang ra sao?

Trong 6 lĩnh vực còn lại, bất động sản vẫn giữ vai trò cốt lõi và mang lại phần lớn doanh thu cho Vingroup từ trước đến nay. Từ năm 2015, doanh thu chuyển nhượng bất động sản luôn chiếm hơn 60% cơ cấu doanh thu của Vingroup. Đnh điểm là năm 2017, bất động sản chiếm đến 70% doanh thu hợp nhất của tập đoàn.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-06 lúc 15

Bất động sản đang là mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho Vingroup. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Cụ thể, năm 2015, doanh thu chuyển nhượng bất động sản của Vingroup đạt 21.179 tỉ đồng, chiếm 62% cơ cấu doanh thu. Năm 2016, doanh thu mảng này tăng lên thành 37.296 tỉ đồng.

Năm 2017, đánh dấu là năm tăng trưởng vượt bậc của Vingroup, chủ yếu cũng đến từ doanh doanh thu bất động sản tăng vọt. Năm này, chuyển nhượng bất động sản mang lại cho tập đoàn tỉ phú Phạm Nhật Vượng 62.482 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi năm liền trước và gấp 3 lần so với năm 2015.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản của Vingroup đạt 49.474 tỉ đồng, tiếp tục là mảng đóng góp lớn nhất cho tập đoàn.

Đứng sau bất động sản và bán lẻ, lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí đang là mảng đóng góp doanh thu cao thứ ba của Vingroup. 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu mảng này đạt 6.805 tỉ đồng, riêng quý III/2019 là 2.601 tỉ, tăng trưởng 14% so với cùng kì năm ngoái.

Doanh thu từ dịch vụ bệnh viện của Vingroup trong quý III/2019 cũng tăng 9% so với cùng kì năm ngoái, đạt 777 tỉ đồng, giáo dục tăng 27%, đạt 475 tỉ đồng.

"Y tế và giáo dục là lĩnh vực hoạt động phi lợi nhuận. Đó là lựa chọn chủ động của chúng tôi nhằm đóng góp cho xã hội, và Vingroup sẽ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh này", CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang giải thích về lí do không chọn 2 mảng này để hợp tác.

vin-bd-15753470942932003307116

Bán lẻ là mảng có doanh thu cao thứ hai của Vingroup. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Ông Quang cũng cho biết thêm Vingroup buông bán lẻ và nông nghiệp để dồn toàn lực cho 2 mảng công nghệ và công nghiệp, 2 lĩnh vực có thể xem là "non trẻ" nhất của tập đoàn hiện nay.

Công nghiệp và công nghệ của Vingroup đang ra sao?

Tuyên bố buông bán lẻ để dồn lực tập trung cho 2 lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thời gian qua, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã liên tục đầu tư và cho ra mắt những sản phẩm "Made in Vietnam" như ôtô, xe máy điện, điện thoại thông minh và sắp đến là tivi.

Năm 2017, lần đầu tiên Vingroup công bố thương hiệu ôtô - xe máy VinFast. Năm 2018, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã ra mắt 3 mẫu ôtô đầu tiên cùng xe máy điện Klara. Cũng trong năm này, Vingroup công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ, với việc thành lập công ty VinTech, tiến hành sản xuất thiết bị điện tử thông minh, với 4 dòng điện thoại Vinsmart được ra mắt thị trường.

anh2-15747768748161958448637

Tuyên bố tập trung vào VinFast, VinSmart, Vingroup vẫn còn khó với mảng này. (Ảnh: Thiên Trường).

Báo cáo tài chính năm 2017 của Vingroup lần đầu tiên ghi nhận tổng tài sản của mảng sản xuất là 2.177 tỉ đồng. Chỉ sau 2 năm tham gia sản xuất điện thoại, ôtô, tổng tài sản mảng sản xuất của Vingroup đã tăng gần 40 lần, lên con số 84.028 tỉ đồng.

Năm 2017, mảng sản xuất chưa phát sinh doanh thu. Năm 2018, doanh thu đạt 567 tỉ đồng. 9 tháng đầu 2019, doanh thu sản xuất tăng gấp 7,5 lần, đạt 4.364 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của mảng này lại lên đến 5.871 tỉ đồng nên chưa thể tạo ra lợi nhuận cho Vingroup.

Vingroup cho rằng đây là lĩnh vực mới và đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa thể sinh lời ngay. Đây chỉ là khó khăn trước mắt và doanh nghiệp đã xây dựng các kế hoạch kinh doanh, vận hành, cũng như các kế hoạch tài chính và quản trị rủi ro chặt chẽ để vượt qua.

"Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart, với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực, nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế", ông Nguyễn Việt Quang khẳng định.