Thị trường bán lẻ ra sao khi Vingroup chuyển giao 2.600 siêu thị, cửa hàng VinMart+ cho Masan?

Giám đốc khu vực miền Bắc Nielsen Vietnam - bà Đặng Thúy Hà, cho rằng ngành bán lẻ trong nước cũng bị ảnh hưởng sau cái bắt tay lịch sử giữa Vingroup và Masan, nhưng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Nhận định về sự sáp nhập giữa Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce, chuyên về bán lẻ của Vingroup và Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Vietnam, cho rằng sau thương vụ bất ngờ, cả hai ông lớn sẽ phải ngồi lại để có chiến lược rõ ràng hơn. 

Trong khi đó, thị trường bán lẻ trong nước cũng sẽ không ít xáo trộn.

Tôi không quá ngạc nhiên với thương vụ này

Với kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu thị trường, đặc biệt là chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, bà Đặng Thúy Hà cho rằng bản thân "không quá ngạc nhiên" với thương vụ này, bởi trong ngành bán lẻ, nhất là trên thế giới, các thương vụ tương tự Vingroup và Masan là chuyện bình thường.

hlv_dang_thuy_ha

Bà Đặng Thúy Hà cho rằng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi sau thương vụ giữa Vingroup và Masan. (Ảnh: Nielsen Vietnam).

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thương vụ gây sự chú ý đặc biệt trong những ngày gần đây, vì cả Vingroup và Masan đều là hai ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng.

Bà Đặng Thúy Hà khẳng định, cái bắt tay lịch sử này sẽ khiến người tiêu dùng có được nhiều lợi ích, từ số lượng điểm bán, hình thức bán hàng và đa dạng hoá sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.

"Họ sẽ có được nhiều sự lựa chọn mua hàng hơn, vì Vingroup đang sở hữu số lượng điểm bán VinMart và VinMart+ khổng lồ. Hiện Vingroup cũng có sẵn rất nhiều dịch vụ cho người tiêu dùng. Thứ hai, bên trong mỗi điểm bán sẽ có nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn nữa, nhờ sự hợp tác của hai tập đoàn", bà Hà nói.

Vingroup chính là doanh nghiệp đứng đầu thị trường bán lẻ hiện nay về số lượng điểm kinh doanh. Tổng số siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ của tỉ phú Phạm Nhật Vượng hiện đạt mốc khoảng 2.600, vượt xa những nhà bán lẻ còn lại như Saigon Co.op, SATRA, Bách Hoá Xanh...

Trong khi đó, Masan Consumer của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang lại là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tiêu dùng hàng đầu, với các thương hiệu Chinsu Food, nước mắm Nam Ngư, mì Omachi. Chính mì gói, nước mắm… đã đưa ông vào danh sách tỉ phú USD thế giới. 

"Một ông vốn đã mạnh rồi, giờ kết hợp hai ông thì sẽ càng mạnh hơn, phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai", bà Đặng Thúy Hà nhận định.

Masan và Vingroup sẽ làm gì tiếp theo?

"Bắt tay hợp tác là câu chuyện của các doanh nghiệp bán lẻ, bởi nói gì thì nói, hiện giờ các doanh nghiệp muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Cái bắt tay giữa Vingroup và Masan làm cho tập đoàn mới phát triển tầm cỡ quốc gia, thành thương hiệu quốc gia, phục vụ người tiêu dùng, thay vì để doanh nghiệp ngoại vào chia sẻ", Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Vietnam nhận định.

img6969-15731167080361561913493-crop

Vingroup đang sở hữu khoảng 2.600 siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+. (Ảnh: Phúc Minh).

Trong thông báo phát đi hôm 3/12, Vingroup dẫn lời Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, khẳng định tập đoàn không lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp ngoại, dù nhiều tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư vào VinCommerce. Người giàu nhất Việt Nam cho rằng tiền lệ đã xảy ra tại Big C, kể từ khi về tay người Thái, nỗi lo hàng Thái đẩy hàng Việt ra khỏi siêu thị đã dấy lên và tiếp tục nóng gần đây.

Bà Đặng Thúy Hà cho rằng sau khi sáp nhập, để thực hiện tham vọng trở thành Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu, thì hai ông lớn này bắt buộc phải có chiến lược, kế hoạch rõ ràng.

"Thời gian đầu, các bên sẽ phải rà soát lại cơ hội thị trường, khách hàng như thế nào, chiến lược khác biệt ra sao. Nói chung tập đoàn mới phải mất thời gian nghiên cứu lại ngành bán lẻ, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đối thủ, để từ đó đưa ra chiến lược, hoặc đi theo chiều rộng hoặc đi theo chiều sâu", chuyên gia nhận định.

Bà Hà cũng cho biết thêm, hiện hành vi của người tiêu dùng với sản phẩm lẫn thương hiệu đã thay đổi rất nhanh. Người tiêu dùng ngày càng mong đợi những sản phẩm, dịch vụ khác biệt, hướng tới cá nhân hoá. Thậm chí, họ mong muốn được đề xuất những nhu cầu phù hợp, thay vì chủ động tìm kiếm sản phẩm hay dịch vụ đó.

Chuyên gia Đặng Thuý Hà tái khẳng định, cái bắt tay giữa Vingroup và Masan sẽ tạo được thương hiệu quốc gia, và đặt nhiều kì vọng mang lại tín hiệu tốt cho ngành bán lẻ Việt Nam.

Thị trường và nhà bán lẻ khác sẽ bị ảnh hưởng

Phân tích thêm tác động của thương vụ hợp tác lịch sử này, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Vietnam cho rằng ngoài người tiêu dùng, bản thân doanh nghiệp, thì việc này thậm chí còn tác động đến những nhà bán lẻ khác trên thị trường.

Nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ việc Vingroup đang dẫn đầu về số lượng điểm kinh doanh bán lẻ, doanh nghiệp này cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ vào kinh doanh với các mô hình siêu thị ảo, Scan&Go. Masan là "ông lớn" trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-03 lúc 11

Hệ thống bán lẻ khổng lồ của Vingroup được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến thị trường nói chung khi về chung nhà với Masa. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Vì vậy, ít nhiều, sự hợp tác của hai tập đoàn sẽ ảnh hưởng việc phân phối hàng hoá và bán lẻ trên thị trường hiện nay.

Bà Đặng Thúy Hà cũng cho rằng về lâu dài, những cam kết và trải nghiệm của khách hàng mà Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ Vingroup - Masan cần hướng đến, là tập trung vào giá trị hơn là giá cả, và sự thấu hiểu, gắn kết khách hàng hơn là chạy hàng loạt các chương trình khuyến mãi. Có như vậy, các nhà bán lẻ nội mới có thể cạnh tranh trực tiếp và sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ ngoại. Bởi theo chuyên gia này, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang rất hấp dẫn và còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Hôm 3/12, Vingroup và Masan bất ngờ công bố thông tin hoán đổi cổ phần công ty bán lẻ VinCommerce và VinEco với công ty con chuyên về hàng tiêu dùng của Masan. Điều này có nghĩa là công ty mới sau sáp nhập sẽ gồm VinCommerce của Vingroup và công ty chuyên về hàng tiêu dùng Masan Consumer của Tập đoàn Masan.

Vingroup khẳng định quyền lợi của nhà đầu tư, đối tác cũng như người tiêu dùng sẽ không có gì thay đổi. Sau khi tiếp quản, Masan sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại cũng như chính sách đối với nhà đầu tư và nhà cung cấp.

Riêng cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống bán lẻ VinCommerce sẽ không phải lo lắng khi vừa được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và vừa hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Vingroup cho rằng doanh nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh trong lĩnh vực bán lẻ nên quyết định chuyển giao để mảng này sẽ phát triển lên tầm cao hơn. Buông bán lẻ, Vingroup tiếp tục đặt nhiều kì vọng vào 2 ngành là công nghiệp và công nghệ.