Trước khi nhượng VinMart và VinMart+ cho Masan, Vingroup đứng đầu mảng bán lẻ, liên tục thâu tóm chuỗi ngoại

Hệ thống VinMart, VinMart+ của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu gần 2.600 điểm bán, bỏ xa các doanh nghiệp còn lại. Trong 5 năm có mặt trên thị trường, một loạt chuỗi bán lẻ đình đám của các doanh nghiệp trong và ngoài nước lần lượt về một nhà với Vingroup từ Maximart, Fivimart, Shop&Go, Queenland Mart… Mảng bán lẻ của Vingroup cũng đang tích cực tham gia cuộc chơi 4.0 trước khi bất ngờ chuyển giao về Masan.

Sáng nay (3/12), Tập đoàn Vingroup bất ngờ phát đi thông báo về việc Công ty VinCommerce chuyên về bán lẻ và VinEco chuyên về nông nghiệp sẽ sáp nhập với Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding, thành Tập đoàn Hàng tiêu dùng bán lẻ.

Đại diện Vingroup khẳng định đây không phải thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập), bán mình, mà là hợp lực, hoán đổi cổ phần với Masan.

3_387

Vingroup khẳng định chuyển VinCommerce cho Masan không phải thương vụ M&A mà là hợp lực, hoán đổi cổ phần. (Ảnh: Vingroup).

Trước khi hợp lực với Masan, VinCommerce của tỉ phú Phạm Nhật Vượng là một "ông trùm" trong ngành bán lẻ Việt Nam, với số điểm kinh doanh cao kỉ lục. Số lượng cửa hàng bán lẻ của Vingroup tăng nhanh còn đến từ một loạt thương vụ thâu tóm, trong đó nhiều doanh nghiệp ngoại sừng sỏ cũng về tay Vingroup sau một thời gian ngắn đàm phán.

Vingroup đang dẫn đầu hệ thống bán lẻ

VinCommerce là doanh nghiệp sở hữu chuỗi hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ của Tập đoàn Vingroup.

Tính đến thời điểm này, tổng điểm kinh doanh của siêu thị VinMart và VinMart+ lên đến con số gần 2.600. 

Đây cũng là công ty sở hữu hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm lớn nhất cả nước, vượt xa các đối thủ đàn anh như  Saigon Co.op, SATRA, hoặc doanh nghiệp cùng thời là Bách Hóa Xanh.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-03 lúc 11

Tốc độ tăng trưởng vượt bậc của VinMart và VinMart+ qua các năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Nhìn vào sự phát triển của VinMart và VinMart+ 5 năm qua mới có thể thấy bước đi thần tốc của doanh nghiệp này. Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng mới chính thức gia nhập mảng bán lẻ từ cuối năm 2014.

Cuối năm 2014, hai thương hiệu VinMart và VinMart+ chính thức ra đời. Trong khi VinMart theo mô hình siêu thị với diện tích cửa hàng lớn từ 3.000-15.000 m2, đặt trong trung tâm thương mại Vincom, thì VinMart+ là cửa hàng tiện lợi diện tích nhỏ 150-300 m2, đặt tại các khu dân cư hoặc chợ dân sinh, để tận dụng lượng khách dồi dào tại các khu vực này.

Cuối năm 2014, Vingroup chỉ có 4 siêu thị VinMart và 10 cửa hàng tiện lợi VinMart+. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, tổng điểm kinh doanh bán lẻ đã tăng hơn 30 lần, với 50 siêu thị VinMart và 500 cửa hàng VinMart+. Nghĩa là trung bình mỗi tháng, đã có khoảng 4 siêu thị VinMart ra đời và mỗi ngày có hơn 1 cửa hàng tiện lợi xuất hiện.

Tuy nhiên, đây chưa phải là thời kì mảng bán lẻ Vingroup phát triển nhanh nhất. 2018, chỉ trong vòng một năm, số lượng cửa hàng tiện lợi VinMart+ đã tăng thêm 666 điểm kinh doanh so với cuối năm 2017. Thậm chí, có ngày Vingroup mở mới 117 cửa hàng. Đây là năm chuỗi này có tốc độ tăng trưởng kỉ lục nhất.

Liên tục thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm

Ngoài mở mới các điểm kinh doanh, sự gia tăng kỉ lục chuỗi bán lẻ của Vingroup còn đến từ một loạt các thương vụ M&A.

Trước khi quyết định "chọn mặt gửi vàng" cho Masan, trong năm 2019, Vingroup nổi lên là một doanh nghiệp thâu tóm nhiều chuỗi bán lẻ đình đám, khẳng định vị thế số 1 ngành bán lẻ của mình.

img4504-15542642937732099042578-1559541557072230167811-3

Vingroup mua lại chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1 USD đầu năm nay. (Ảnh: Phúc Minh).

Mới đây nhất, cuối tháng 8, chuỗi siêu thị Queenland Mart - thuộc Công ty CP thực phẩm Bông Sen, đã chính thức sáp nhập với hệ thống VinMart. Tại thời điểm sáp nhập, Queenland Mart có tổng cộng 8 siêu thị đặt tại các khu "nhà giàu" của TP HCM.

Tuy nhiên, thương vụ này không ồn ào bằng câu chuyện Vingroup nhận chuyển nhượng 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống hồi đầu năm năm nay, với giá chỉ 1 USD. 

Sau thương vụ, chỉ một thời gian ngắn, hầu hết cửa hàng Shop&Go đã "lên đồ" thành VinMart+. 

Tháng 10 năm ngoái, Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng thâu tóm một thương hiệu bán lẻ khác, là mua lại 100% cổ phần Fivimart. Thời điểm đó, Fivimart có 23 siêu thị trên toàn quốc. Sau sáp nhập, các siêu thị này đã được được đổi tên và cơ cấu lại theo hệ thống siêu thị VinMart.

Không phải Vingroup mới thực hiện chiến lược mua lại những hệ thống bán lẻ khác gần đây, mà ngay từ khi có mặt trên thị trường hồi năm 2014, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã nhanh chóng thâu tóm 2 tên tuổi bán lẻ nổi như cồn, là Maximart và Ocean Mart.

Thời điểm bị thâu tóm, Maximart có tổng cộng 9 siêu thị, Ocean Mart có 13 siêu thị. Ngay sau khi về tay Vingroup, các siêu thị cũ đã nhanh chóng thay đổi diện mạo, khoác lên mình chiếc áo mới của VinMart.

Bán lẻ đang đóng góp doanh thu lớn thứ hai cho Vingroup

Nắm trong trong tay hệ thống bán lẻ lớn nhất thị trường và tốc độ mở rộng chuỗi gia tăng chóng mặt hàng năm, doanh thu từ mảng bán lẻ của Vingroup cũng tăng trưởng vượt bậc kể từ khi có mặt trên thị trường.

Dù là mảng kinh doanh mới, nhưng bán lẻ đóng góp doanh thu cho Vingroup chỉ đứng sau mảng chuyển nhượng bất động sản.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-03 lúc 14

Doanh thu mảng bán lẻ chỉ đứng sau chuyển nhượng bất động sản của Vingroup. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Năm 2015, một năm sau khi chính thức tham gia thị trường bán lẻ, doanh thu mảng này của Vingroup đạt 4.306 tỉ đồng, chiếm 12% doanh thu toàn tập đoàn, và chỉ đứng sau lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản.

Năm 2016, doanh thu bán lẻ của Vingroup tăng trưởng gấp hơn 2 lần, đạt 9.248 tỉ đồng, đóng góp vào 16% cơ cấu doanh thu toàn tập đoàn.

Năm 2017, mảng bán lẻ của Vingroup ghi nhận doanh thu 13.053 tỉ đồng, chiếm 15% tổng doanh thu, tiếp tục là mảng mang lại doanh thu cao thứ hai cho tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.

Cuối năm 2018, doanh thu bán lẻ của Vingroup tăng lên thành 19.326 tỉ đồng, tăng trưởng gần 50% và chiếm 16% cơ cấu doanh thu.

Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2019 của Vingroup cho biết, riêng quý III/2019, mảng bán lẻ mang lại cho Vingroup 7.870 tỉ đồng, tăng 66% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm nay, doanh thu bán lẻ đạt đến 21.910 tỉ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu, tiếp tục đứng thứ hai về đóng góp doanh thu cho tập đoàn, chỉ sau mảng chuyển nhượng bất động sản. 

Tuy nhiên, báo cáo tài chính cũng tiết lộ thêm bán lẻ là mảng kinh doanh thua lỗ lớn thứ hai tại tập đoàn, sau mảng sản xuất, với khoản lỗ 9 tháng là 3.461 tỉ đồng.

Vingroup chuyển mảng bán lẻ về Masan khi đang có nhiều tham vọng nhất

Quyết định sáp nhập mảng bán lẻ với Masan Consumer được xem là một quyết định bất ngờ của Tập đoàn Vingroup. 

Đầu tháng 11, tại buổi hội nghị với đối tác và nhà cung cấp, Vincommerce đã công bố chiến lược phát triển mới giai đoạn 2020-2025. 

Tổng Giám đốc VinCommerce - bà Thái Thị Thanh Hải, cho hay dự kiến tới năm 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.

img5452-1559541894129541423809

Vingroup đang tiến tới thay thế các cửa hàng kinh doanh truyền thống như thế này sang mô hình Scan&Go. (Ảnh: Phúc Minh).

Mục tiêu của Vingroup là phát triển mảng bán lẻ theo hướng đa kênh, tích hợp các kênh trực tuyến và hệ thống siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.

Thực tế, không chỉ toan tính áp đảo các thương hiệu bán lẻ khác về số lượng điểm kinh doanh, Vingroup đã tạo sự khác biệt, khi gần đây liên tiếp công bố các mô hình cửa hàng mới theo xu hướng mua sắm thời kì 4.0. 

Đầu tháng 3, doanh nghiệp tung ra mô hình siêu thị Scan&Go. Khách chỉ cần sử dụng điện thoại để quét mã QR trên các sản phẩm trong siêu thị rồi thanh toán, không cần phải khệ nệ với giỏ hàng hay xe đẩy chứa đầy đồ dùng, thực phẩm. Mới đây là mô hình siêu thị ảo - hàng hoá chỉ thể hiện bằng hình ảnh tương tự như sản phẩm thật. Việc này được xem tiết kiệm không gian cửa hàng và thời gian mua sắm của khách. 

Dù chuyển giao cho Masan được xem là quyết định bất ngờ, nhưng theo Vingroup, mảng bán lẻ "đã hoàn thành được phần nào sứ mệnh Vingroup đặt ra". 

Đó là xây dựng thành công VinCommerce trở thành hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam, không chỉ đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn hỗ trợ nhà sản xuất nội địa phát triển.

"Với mong muốn đưa VinCommerce phát triển lên tầm cao mới, đồng thời tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp - công nghệ, Vingroup quyết định hợp tác với Masan. Thương vụ sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên, để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực", đại diện Vingroup chia sẻ.