Vì sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng chọn chuyển giao 2.600 siêu thị, cửa hàng VinMart+ cho Masan?

"Đây không phải thương vụ M&A, bán mình mà là hợp lực, hoán đổi cổ phần với Masan", đại diện Vingroup khẳng định. Đồng thời, phía Vingroup giải thích "chọn mặt gửi vàng" Masan vì Masan là doanh nghiệp Việt.

Vingroup: Chuyển giao VinMart và VinMart+ cho Masan không phải là M&A

Bất ngờ phát đi thông báo sáng 3/12 về việc Công ty VinCommerce chuyên về bán lẻ và VinEco chuyên về nông nghiệp sẽ sáp nhập với Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding, để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng bán lẻ, đại diện Vingroup cũng nhanh chóng lên tiếng giải thích câu chuyện hợp lực này. 

img6969-15731167080361561913493

Cửa hàng VinMart+ gần như phủ kín nhiều quận ngoại thành TP HCM. (Ảnh: Phúc Minh).

"Đây không phải thương vụ M&A, bán mình, mà là hợp lực, hoán đổi cổ phần với Masan", đại diện Vingroup khẳng định.

Đồng thời, doanh nghiệp của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng cho rằng mảng bán lẻ VinCommerce sẽ như "hổ mọc thêm cánh" khi hợp lực cùng Masan, để phát triển thành một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ tầm cỡ hơn nữa.

Đây được xem là tiền đề dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực. Theo đó, Masan tập trung làm bán lẻ, Vingroup tập trung làm ôtô, điện thoại…

Vingroup cho rằng "đã hoàn thành được phần nào sứ mệnh Vingroup đặt ra cho bán lẻ". 

Đó là xây dựng thành công VinCommerce trở thành hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam. Không chỉ đủ năng lực cạnh tranh và khả năng đối trọng sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, giành và giữ được thị phần cho người Việt - thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce còn tiên phong hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa cùng phát triển.

Vì sao Vingroup chọn Masan để chuyển giao Vinmart và Vinmart+?

Đại diện Vingroup cũng giải thích vì sao hợp tác, hợp lực với Masan mà không phải là một doanh nghiệp nào khác. 

"Vingroup chọn mặt gửi vàng, Masan là doanh nghiệp nội, doanh nghiệp Việt để hợp lực, chứ không hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, là để cân bằng thị trường bán lẻ trong nước, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước cùng phát triển", đại diện Vingroup giải thích.

Phía Vingroup cũng cho biết thêm nhiều doanh nghiệp ngoại muốn đầu tư vào VinCommerce nhưng tập đoàn vẫn chọn một doanh nghiệp trong nước để hợp tác, phát triển mảng bán lẻ.

Hồi tháng 9, nhóm các quỹ đầu tư nước ngoài, đứng đầu là Quỹ Đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) đã rót 500 triệu USD để sở hữu 16% vốn CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định không lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, vì muốn tìm một doanh nghiệp Việt bảo vệ thị trường nội địa cho các nhà sản xuất trong nước. Bởi trước đó, câu chuyện Big C về tay người Thái đã dấy lên nỗi lo hàng Thái đẩy hàng Việt ra khỏi siêu thị.

Hay tại Lotte, chủ yếu hàng của Hàn Quốc, Parkson cũng là các thương hiệu Malaysia. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-03 lúc 11

Hệ thống bán lẻ của Vingroup tăng vượt bậc. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Vingroup tham vọng "bắt tay" với Masan tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ tầm cỡ hơn. Bởi VinCommerce đang sở hữu hơn 2.600 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ tại 50 tỉnh thành, với hàng triệu khách hàng. Trong khi VinEco có hệ thống 14 nông trường công nghệ cao. 

Còn Masan Consumer Holding là doanh nghiệp sở hữu rất nhiều thương hiệu có trong gian bếp gia đình người Việt, như mì ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami), gia vị (nước mắm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), cà phê (Vinacafe). 

Doanh nghiệp của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cũng sở hữu mạng lưới bán lẻ với 180.000 điểm bán lẻ sản phẩm thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ sản phẩm đồ uống.

Theo thỏa thuận, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động và Vingroup là cổ đông.

Đại diện Vingroup cho biết hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lí cần thiết để tiến tới việc kí hợp đồng chính thức. 

Về phía Masan, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng sau khi tiếp quản, sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce, cũng như các chính sách đối với Nhà cung cấp. 

Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.