Ra đời từ thế kỉ trước ở Sài Gòn, bột giặt Net kinh doanh thế nào khiến Masan muốn chi 28 triệu USD để sở hữu?

Bột giặt Net đang là đối tác chiến lược của Unilever, cung ứng các sản phẩm quen thuộc như OMO, Surf, Sunlight… cho Unilever. Đáng chú ý, trước khi Masan ngỏ ý chào mua 60% cổ phần tại Net, một loạt nhà đầu tư ngoại đã thoái vốn khỏi doanh nghiệp bột giặt này.

Sáng nay (24/12), Tập đoàn Masan thông tin việc chuẩn bị tham gia vào ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình tại Việt Nam bằng đề nghị chào mua công khai 60% cổ phần của Công ty CP Bột giặt Net (NETCO). Bột giặt Net là một trong số ít doanh nghiệp nội địa hàng đầu về sản phẩm chăm sóc gia đình tại Việt Nam. Đáng chú ý, hãng bột giặt 50 năm tuổi ở miền Nam này đang là đối tác chiến lược cung ứng nhiều nhãn hàng cho Unilever.

Bột giặt Net ra đời như thế nào trong thế kỉ trước?

Tiền thân của Công ty CP Bột giặt Net là Việt Nam Tân hóa phẩm Công ty, được xây dựng từ năm 1968 cho đến năm 1972 mới hoàn thành đưa vào sản xuất. Trong khi trụ sở công ty nằm ở quận 5 (TP HCM) thì cơ sở sản xuất nằm tại khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai).

Bột giặt Net kinh doanh ra sao trước khi Masan tuyên bố tung 28 triệu USD để thâu tóm? - Ảnh 1.

Bột giặt Net đang là đối tác chiến lược của Unilever, cung ứng các nhãn hàng hóa mĩ phẩm quen thuộc như OMO, Surf, Sunlight… (Ảnh: Net).

Ngày 1/7/2003, công ty chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, mang tên mới là Công ty CP Bột giặt Net, với vốn điều lệ 22 tỉ đồng. Nắm quyền chi phối hoạt động của Bột giặt Net là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với 51% cổ phần. Tuy nhiên trong năm 2019, Vinachem đã thoái vốn xuống còn 36%.

Kể từ khi cổ phần hoá, vốn điều lệ của Bột giặt Net liên tục được điều chỉnh tăng, năm sau cao hơn năm trước. 

Cuối năm 2009, sau 6 năm đổi mô hình hoạt động, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng gấp đôi, từ 22 tỉ lên thành 45 tỉ đồng. Đến năm 2016, vốn điều lệ của Bột giặt Net đạt gần 224 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với ở thời điểm bắt đầu cổ phần hoá và giữ nguyên đến nay.

NETCO có 2 nhà máy, 1 tại Hà Nội và 1 tại Biên Hòa, với công suất thiết kế khoảng 180.000 tấn bột giặt và 90.000 tấn tẩy rửa lỏng.

Bột giặt Net cho biết đã đầu tư công nghệ phun sấy trong sản xuất bột giặt, đối với các sản phẩm tẩy rửa lỏng thì áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến nhất, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chống vi sinh. Sử dụng tia cực tím xử lí nước đưa vào sản xuất. 

Công nghệ này của NETCO được các chuyên gia kĩ thuật của Unilever tư vấn và hỗ trợ.

Không chỉ nhận hỗ trợ về công nghệ từ Unilever, hiện Bột giặt Net còn được xem là đối tác quan trọng của Unilever tại thị trường Việt Nam. 

Doanh nghiệp nội địa này chính là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa mang nhãn hiệu nổi tiếng quen thuộc với mỗi gia đình người Việt, như bột giặt OMO, bột giặt Surf, nước rửa chén Sunlight, nước lau sàn nhà VIM… 

Ngoài việc cung ứng sản phẩm cho Unilever, Bột giặt NET còn cung ứng một lượng lớn bột giặt, nước rửa chén cho thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand, các nước ASEAN, châu Mỹ, châu  Phi… 

Sản xuất lớn, lợi nhuận của Bột giặt Net lại đang giảm dần qua từng năm

Tuy là đối tác chiến lược của Unilever và có thị trường xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, song tình hình kinh doanh những năm gần đây của Bột giặt Net lại không ổn định.

Đỉnh cao nhất của doanh nghiệp bột giặt nội địa này là giai đoạn 2015-2016, khi lợi nhuận trước thuế vượt 100 tỉ đồng. Kể từ đó đến nay, lợi nhuận của Bột giặt Net liên tục sụt giảm. Điều đáng chú ý là dù lãi giảm liên tục thì ngược lại, doanh thu của công ty tăng đều đặn hàng năm.

Năm 2018, Bột giặt Net đạt tổng doanh thu 1.128 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2017. Đây cũng là năm mà Bột giặt Net có doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, lãi trước thuế của doanh nghiệp chỉ ở mức 60 tỉ đồng, giảm 18% so với năm 2017. 

Đây lại là một trong những năm mà Net có lợi nhuận thấp nhất.

Bột giặt Net kinh doanh ra sao trước khi Masan tuyên bố tung 28 triệu USD để thâu tóm? - Ảnh 2.

Lợi nhuận của Bột giặt Net giảm dần theo từng năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Báo cáo thường niên năm 2018 của Bột giặt Net cho biết doanh thu chính của công ty đến từ các sản phẩm chất tẩy rửa, như bột giặt, nước rửa chén, nước lau sàn, nước xả vải. 

Trong đó, doanh thu nội địa đạt 760 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kì. Doanh thu xuất khẩu đạt 357 tỉ đồng, tăng 5%. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết tốc độ tăng trưởng sản phẩm và doanh thu từ xuất khẩu có xu hướng tăng nhanh hơn thị trường nội địa.

Tuy nhiên, chi phí khấu hao tăng từ Dự án Lộc An - Bình Sơn đi vào hoạt động, cùng với biến động tăng của giá nguyên liệu đầu vào và ảnh hưởng của tỉ giá, dẫn đến giá vốn tăng, kéo theo lợi nhuận giảm.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Bột giặt Net công bố mới đây, cũng không khấm khá hơn. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 805 tỉ đồng doanh thu và 57 tỉ đồng lãi trước thuế.

Tại báo cáo thường niên năm 2018, lãnh đạo doanh nghiệp cũng khẳng định năm 2019 sẽ là một năm nhiều thách thức. Ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi các công ty đa quốc gia chiếm tỉ trọng lớn về sản phẩm chất tẩy rửa tại thị trường nội địa.

Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng đang trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, khiến thị trường hàng tiêu dùng ngày càng chật vật.

Nhiều nhà đầu tư ngoại lần lượt thoái vốn khỏi Bột giặt Net

Đáng chú ý, trước khi Tập đoàn Masan thông tin đề nghị chào mua công khai 60% cổ phần của Công ty CP Bột giặt Net, thì một loạt nhà đầu tư lớn đã  thoái vốn khỏi công ty bột giặt này.

Mới nhất, ngày 10/12, tổ chức America LLC đã hoàn tất bán hơn 2 triệu cổ phiếu NET, tương đương 9,33% vốn của Bột giặt NET. Giao dịch được America LLC thực hiện bằng phương thức thoả thuận. Ứớc tính America LLC thu về được hơn 95 tỉ đồng từ đợt chào bán này.

Bột giặt Net kinh doanh ra sao trước khi Masan tuyên bố tung 28 triệu USD để thâu tóm? - Ảnh 3.

Thị trường của Bột giặt Net còn có Nhật Bản, Australia, New Zealand, các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi… (Ảnh: Net).

Tổ chức America LLC thoái toàn bộ vốn khỏi Bột giặt Net diễn ra đúng 1 tuần trước khi công ty này chốt danh sách cổ đông, để tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt. Tỉ lệ tạm ứng là 8%, tức mỗi cố phiếu nhận được 800 đồng.

Ngày 10/12, quỹ ngoại Jom Silkkitie Asia Equity Investment Fund cũng không còn là cổ đông lớn của Bột giặt Net, khi bán ra 384.000 cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu tại công ty từ 5,29% xuống còn 3,57%.

Trước America LLC và Jom Silkkitie Asia Equity Investment Fund, đầu tháng 7, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng thoái vốn thành công khỏi Bột giặt Net, tỉ lệ sở hữu sau thoái vốn từ 51% xuống còn 36%. Việc thoái vốn của Vinachem được thực hiện theo lộ trình thoái vốn nhà nước. 

Song song với động thái giảm tỉ lệ sở hữu của các tổ chức, Masan đang ngỏ ý chào mua công khai 60% cổ phần Bột giặt Net với giá 48.000 đồng/cổ phiếu. Với định giá Net ở mức 46 triệu USD, tương đương Masan sẽ chi khoảng 28 triệu USD cho số cổ phần chào mua tương ứng.

Thương vụ dự kiến được thực hiện thông qua Công ty Masan HPC - một công ty thành viên của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan, vừa được thành lập mới đây, chuyên về ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình.

So với Unilever đang nắm 54,9% thị phần ngành hàng bột giặt, Net có tỉ lệ thấp hơn, chỉ 1,5%. Tập đoàn Masan kì vọng sẽ làm nên chuyện sau cái bắt tay này để chinh phục ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình tại Việt Nam, được định giá 3,1 tỉ USD theo Euromonitor.

Sau công bố chào mua cổ phần của Masan, chốt phiên giao dịch hôm nay, thị giá cổ phiếu NET của Công ty CP Bột giặt Net lẫn mã cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đều tăng mạnh. 

Cụ thể, cổ phiếu NET chốt ở mức 42.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 4.000 đồng/cổ phiếu so với phiên hôm qua. 

Trong khi đó, mã MSN sau nhiều ngày giảm sàn liên tiếp kể từ khi công bố nhận chuyển nhượng Vinmart, Vinmart+ và VinEco, chốt phiên ngày 24/12 đã tăng 2.900 đồng so với hôm qua, lên 54.500 đồng/cổ phiếu.