Coca-Cola tiết lộ đã sử dụng 3 triệu tấn bao bì nhựa mỗi năm, tương đương 200.000 chai mỗi phút. Theo The Guardian, đây là lần đầu tiên "gã khổng lồ" nước giải khát công bố thông tin khối lượng bao bì nhựa sử dụng, trước áp lực của các nhà vận động xã hội về môi trường.
Coca-Cola tiết lộ đã sử dụng 3 triệu tấn bao bì nhựa mỗi năm. (Ảnh: Reuters).
Coca-Cola đã tiết lộ dữ liệu được cho là bí mật này với Ellen MacArthur Foundation, quĩ đang thúc đẩy các công ty đa quốc gia và chính phủ phải hành động nhiều hơn, để giải quyết các vấn đề môi trường.
Dữ liệu được Coca - Cola công bố là khối lượng bao bì nhựa được sử dụng năm 2017. Tuy không tiết lộ quy mô sản xuất, nhưng từ khi Coca-Cola bắt đầu tung ra chai nhựa PET 500ml, hãng đã sử dụng 108 tỉ chai nhựa mỗi năm, chiếm hơn 1/5 tổng số lượng chai PET toàn thế giới, The Guardian cho biết.
Coca-Cola là một trong số 31 công ty, gồm Mars, Nestlé, Danone… đã tiết lộ số lượng bao bì nhựa mà họ sử dụng, cho các tổ chức yêu cầu những "gã khổng lồ" phải minh bạch thông tin. Theo thống kê, nhóm các ông lớn này đã sản xuất tổng cộng 8 triệu tấn bao bì nhựa mỗi năm.
Coca-Cola dẫn đầu về lượng bao bì nhựa thải ra hàng năm, tiếp sau đó là Nestle, Unilever... (Nguồn: New Plastics Economy Global Commitment).
Trong đó, Coca-Cola dẫn đầu về khối lượng bao bì nhựa thải ra hàng năm với 3 triệu tấn. Đứng thứ hai là Nestle với 1,7 triệu tấn, Unilever là 610.000 tấn, Colgate-Palmolive 287.000 tấn…
Tuy nhiên, thực tế, số lượng bao bì nhựa mà các công ty hàng đầu thế giới thải ra sẽ nhiều hơn. Bởi dù cam kết về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng những tên tuổi hàng đầu như PepsiCo, H&M, L'Oréal, Walmart và Marks&Spencer… vẫn từ chối công khai số liệu.
Ellen MacArthur Foundation cho biết đây là lần đầu tiên các dữ liệu về bao bì nhựa của các công ty hàng đầu thế giới được công bố. Việc công khai khối lượng bao bì nhựa hàng năm là một bước đi quan trọng hướng tới tính minh bạch cao hơn.
Bên cạnh những gì các công ty đang thực thi để xử lý vấn đề ô nhiễm nhựa, báo cáo đưa ra một mức độ minh bạch mới về nhựa và nỗ lực ngăn chặn rác thải nhựa. Tuy nhiên, theo Ellen MacArthur, các công ty và chính phủ trên toàn thế giới phải làm nhiều hơn nữa.
Hiện đã có khoảng 150 công ty kí cam kết toàn cầu về giảm thiểu rác thải nhựa, bằng các hành động, như loại bỏ bao bì nhựa không cần thiết, chuyển từ sử dụng bao bì một lần sang bao bì có thể tái sử dụng.
Mục tiêu đến năm 2025, các công ty đảm bảo 100% bao bì nhựa có thể được tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy một cách dễ dàng và an toàn. Các giải pháp này nhằm tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa bằng cách tăng đáng kể khối lượng nhựa tái sử dụng hoặc tái chế thành bao bì mới.