Một năm biến động của thị trường bán lẻ Việt: Auchan tháo chạy, Shop&Go bán giá 1 USD, VinPro giải thể, VinMart về với Masan

Thị trường bán lẻ Việt Nam 2019 chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám. Giữa năm, Saigon Co.op thâu tóm Auchan - chuỗi bán lẻ được mệnh danh "Walmart nước Pháp". Nhưng hầu hết sự kiện đáng chú ý đều xoay quanh Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.

Năm 2019 được xem là một năm nhiều biến động của thị trường bán lẻ Việt với hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) giữa nhiều "ông lớn" bán lẻ.

Nửa đầu năm, thị trường ồn ào với thương vụ Vingroup mua lại chuỗi Shop&Go giá 1 USD và cuộc tháo chạy của đại gia Pháp - Auchan. Về cuối năm, cũng chính Vingroup gây chú ý trên thị trường khi chuyển nhượng toàn bộ hệ thống 2.600 cửa hàng Vinmart, Vinmart+ và mảng nông nghiệp VinEco cho Masan cùng với việc tạm dừng hoạt động của sàn thương mại điện tử Adayroi. Vài ngày trước khi kết thúc năm 2019, Lotte lại tuyên bố khai tử sàn thương mại điện tử Lotte.vn

Vingroup mua lại Shop&Go với giá 1 USD

Mở đầu cho làn sóng M&A ngành bán lẻ năm nay là thương vụ chấn động giữa Vincommerce và Shop&Go, bởi giá trị thương vụ theo công bố chỉ… 1 USD.

Năm biến động của thị trường bán lẻ Việt: Auchan tháo chạy, Shop&Go bán với giá 1 USD, Vingroup đang mạnh nhưng bất ngờ bán cho Masan - Ảnh 1.

Vingroup mua lại Shop&Go với giá 1 USD. (Ảnh: Phúc Minh).

Tháng 4/2019, Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce - công ty con chuyên về bán lẻ của Tập đoàn Vingroup, mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go, với giá tượng trưng bằng một ổ bánh mì tại TP HCM.

Đây là một thương vụ đặc biệt và hi hữu không chỉ bởi với giá trị chuyển nhượng, mà theo công bố, Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống - đơn vị sở hữu chuỗi Shop&Go, đã chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Tập đoàn Vingroup.

Ra mắt năm 2005, Shop&Go có 14 năm hoạt động trong ngành bán lẻ. Các cửa hàng phân bố chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM. Sau một thời gian dài kinh doanh không có lãi, đến cuối năm 2016, Shop&Go lỗ lũy kế 205 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có vỏn vẹn 1,27 tỉ đồng.

Thương vụ mua bán diễn ra nhanh chóng, và hoàn tất ngay trong tháng 4/2019. Hiện hầu hết mặt bằng kinh doanh cũ của Shop&Go đều đã "khoác áo" của cửa hàng tiện lợi VinMart+.

Auchan tháo chạy vội vã, về tay Saigon Co.op 

Chỉ 1 tháng sau khi Shop&Go được bán lại cho Vingroup, thị trường bán lẻ lại tiếp tục xáo động khi xuất hiện thông tin đại gia bán lẻ Pháp - Auchan muốn bán lại 18 siêu thị tại Việt Nam, để rút toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam sau nhiều năm đổ vốn kinh doanh. 

Năm biến động của thị trường bán lẻ Việt: Auchan tháo chạy, Shop&Go bán với giá 1 USD, Vingroup đang mạnh nhưng bất ngờ bán cho Masan - Ảnh 2.

Saigon Co.op thâu tóm 18 siêu thị Auchan tại Việt Nam. (Ảnh: Phúc Minh).

Vụ tháo chạy của đại gia bán lẻ đến từ Pháp này khá ồn ào xung quanh câu chuyện xả hàng trước khi đóng cửa. Nhiều người tiêu dùng đã kéo vào các siêu thị này mong vơ vét hàng hóa giá rẻ, thậm chí "xài chùa". 

Mãi đến cuối tháng 6, Saigon Co.op mới lộ diện là doanh nghiệp đứng ra thâu tóm chuỗi 18 siêu thị được mệnh danh là Walmart của nước Pháp này. Hiện hầu hết siêu thị Auchan đều đã được sửa chữa, khai trương mới dưới dạng siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… theo các mô hình Sagon Co.op đang kinh doanh.

Auchan có mặt tại Việt Nam từ năm 2015. Dù đặt rất nhiều kì vọng, nhưng năm 2017, doanh thu của Auchan Việt Nam chỉ đạt 50 triệu USD, và vẫn đang thua lỗ sau 4 năm gia nhập thị trường bán lẻ Việt.

Thương hiệu từ Pháp này cũng chính là doanh nghiệp bán lẻ châu Âu cuối cùng tháo chạy khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Ba năm trước, Tập đoàn Casino cũng của Pháp đã rời khỏi Việt Nam, bằng việc nhượng lại hệ thống Big C cho Tập đoàn Central Group của tỉ phú Thái Chirathivat.

Vingroup thâu tóm chuỗi siêu thị Queenland Mart

Thương vụ M&A tiếp theo trong ngành bán lẻ năm 2019 tiếp tục liên quan Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. 

Năm biến động của thị trường bán lẻ Việt: Auchan tháo chạy, Shop&Go bán với giá 1 USD, Vingroup đang mạnh nhưng bất ngờ bán cho Masan - Ảnh 3.

Nhiều siêu thị Queenland Mart được thay áo thành VinMart sau khi về tay Vingroup. (Ảnh: Phúc Minh).

Đầu tháng 9/2019, công ty con chuyên về mảng bán lẻ Vincommerce sau khi mua Shop&Go với giá 1 USD đã tiếp tục thâu tóm tiếp chuỗi siêu thị Queenland Mart.

Hệ thống siêu thị này thuộc Công ty CP thực phẩm Bông Sen, hoạt động theo mô hình bán lẻ và có mặt trên thị trường từ năm 2014. Tại thời điểm bàn giao cho Vingroup, Queenland Mart có 8 siêu thị tại TP HCM, tập trung chủ yếu tại các khu nhà giàu quận 2 và quận 7. 

Giá trị thương vụ không được hai bên công bố. Tiếp nhận chuỗi Queenland Mart, Vingroup có kế hoạch "thay áo" thành các siêu thị VinMart. 

Điều này cũng đồng nghĩa, tại thời điểm đó, VinMart đang có chiến lược tiến ra mặt phố. Bởi trước đây, hệ thống siêu thị VinMart đều được đặt tại các trung tâm thương mại Vincom trên cả nước.

Cái bắt tay lịch sử của Vingroup và Masan

Gần hết năm 2019, sự kiện lớn liên quan ngành bán lẻ trong nước cũng gọi tên Vingroup, với câu chuyện bắt tay chuyển nhượng mảng bán lẻ cho Tập đoàn Masan.

Năm biến động của thị trường bán lẻ Việt: Auchan tháo chạy, Shop&Go bán với giá 1 USD, Vingroup đang mạnh nhưng bất ngờ bán cho Masan - Ảnh 4.

Khoảng 2.600 siêu thị, cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart+ được chuyển từ Vingroup về Masan. (Ảnh: Phúc Minh).

Nếu như đầu năm 2019 về trước, Vingroup luôn là "ông lớn" chuyên M&A doanh nghiệp bán lẻ khác để mở rộng quy mô, hướng đến vị trí số 1 trong ngành, thì đầu tháng 12, nhà bán lẻ lớn nhất này bất ngờ công bố thông tin nhượng Vincommerce - công ty vừa thâu tóm Shop&Go, Queenland Mart cho Tập đoàn Masan.

Tại thời điểm buông mảng bán lẻ, Vincommerce đang quản lí khoảng 2.600 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+. Với số lượng điểm bán áp khổng lồ này, mảng bán lẻ của Vingroup đang dẫn đầu thị trường về quy mô, và bỏ xa các đối thủ "nặng kí" còn lại như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra…

Lãnh đạo Vingroup cho rằng tập đoàn đã hoàn thành sứ mệnh ở mảng bán lẻ. Và việc hợp tác cùng Masan là nhằm đưa mảng này phát triển lên tầm cao mới. Vingroup sẽ tập trung dồn toàn bộ lực cho 2 mảng kinh doanh hoàn toàn mới là công nghiệp và công nghệ.

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang cũng chia sẻ kì vọng thị trường sẽ có một tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam, vươn ra thế giới khi VinMart, Vinmart+ chuyển giao về cho Masan.

Vingroup giải thể toàn bộ chuỗi điện máy VinPro 

Ngày 18/12, Tập đoàn Vingroup lại ra tuyên bố giải thể chuỗi cửa hàng điện máy VinPro. Hai ngày sau tuyên bố, toàn bộ hơn 240 cửa hàng của hệ thống VinPro, Viễn Thông A đồng loạt dừng hoạt động. 

Một năm biến động của thị trường bán lẻ Việt: Auchan tháo chạy, Shop&Go bán giá 1 USD, Vinpro giải thể, Vinmart về với Masan - Ảnh 5.

Vinpro giải thể, thị trường điện máy năm trong tay Điện Máy Xanh. (Nguồn: GfK - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Chuỗi bán lẻ điện máy Vinpro ra mắt thị trường tháng 3/2015, được xem là mảnh ghép mới nhằm hoàn thiện hệ thống bán lẻ của Vingroup. Sau hơn 4 năm có mặt trên thị trường, chuỗi VinPro có gần 60 cửa hàng. Năm 2018, Vingroup chi khoảng 39 tỉ đồng thâu tóm chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A, và sáp nhập toàn bộ chuỗi này vào VinPro. Nhờ số lượng cửa hàng của Viễn Thông A mà tổng điểm kinh doanh của VinPro trên cả nước được nâng lên 242.

Việc giải thể chuỗi điện máy, Vingroup khẳng định chỉ là một trong những bước tiếp theo để doanh nghiệp chính thức rút lui khỏi lĩnh vực bán lẻ, tập trung cho mảng cốt lõi là công nghiệp và công nghệ.

Với việc VinPro giải thể, có thể thấy thị trường điện máy hiện nay nằm trong tay Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động.

Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, tính đến hết tháng 5/2019, đến 60% thị phần bán lẻ điện máy tại Việt Nam nằm trong tay các ông lớn Điện Máy Xanh, Sài Gòn - Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn, số còn lại do các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ nắm giữ. Nghiên cứu không có nhiều chi tiết về VinPro.

Vingroup đóng cửa sàn thương mại điện tử Adayroi

Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2019 khép lại, nhưng thị trường tiếp tục gây chú ý khi đại gia bán lẻ Hàn Quốc Lotte quyết định đóng cửa sàn thương mại điện tử Lotte.vn ngay đầu năm sau. Trước đó vài ngày, sàn thương mại điện tử Adayroi của Vingroup cũng chính thức dừng hoạt động.

Lotte.vn ra mắt tháng 10/2016, thuộc quản lí của Công ty Vietnam E-commerce - công ty con phụ trách mảng thương mại điện tử của Tập đoàn Lotte. 

Tham gia mảng thương mại điện tử Việt Nam, Lotte.vn kì vọng giành được đến 20% thị phần nhưng tình hình hoạt động của sàn này mờ nhạt, "lép vế" trước Shopee, Tiki, Lazada, Sendo. Lotte dự định sẽ hợp nhất sàn này với sàn thương mại điện tử khác là speedl.vn do Lotte Mart quản lí.

Năm biến động của thị trường bán lẻ Việt: Auchan tháo chạy, Shop&Go bán với giá 1 USD, Vingroup đang mạnh nhưng bất ngờ bán cho Masan - Ảnh 5.

Vingroup khép lại mảng bán lẻ 2019 bằng thương vụ đình đám chuyển nhượng VinMart và đóng cửa Adayroi. (Ảnh: Phúc Minh).

Trong khi đó, Adayroi được hợp nhất vào Công ty VinID - công ty cung cấp ứng dụng thanh toán, dịch vụ tài chính, là một phần của hệ sinh thái Vingroup. Vingroup cho biết quá trình hợp nhất được thực hiện ngay trong tháng 12.

Adayroi hoạt động từ năm 2014, cung cấp sản phẩm, dịch vụ của tập đoàn. 

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang khẳng định việc tập đoàn đóng cửa Adayroi không hẳn do mảng này hoạt động không hiệu quả, khiến thua lỗ liên tục nhiều năm qua. Ông cho rằng cùng với giải thể chuỗi điện máy VinPro, đây được xem quyết định cuối cùng để Vingroup chính thức chia tay mảng bán lẻ, tập trung vào 2 lĩnh vực mũi nhọn là công nghệ và công nghiệp như đã tuyên bố.

Vingroup là doanh nghiệp tạo nên sự sôi động của thị trường bán lẻ năm 2019,  với 1 thương vụ mua chuỗi Shop&Go giá 0 đồng bất ngờ. Và chính tập đoàn này khép lại năm 2019, cũng là khép lại mảng bán lẻ của mình sau 5 năm theo đuổi, bằng 1 thương vụ gây chấn động, khi nhượng Vincommerce cho Masan, đóng cửa Adayroi, giải thể Vinpro dồn dập vào những ngày cuối tháng 12.