Thị trường bán lẻ Việt Nam trong tháng 5 lại dậy sóng khi Auchan - thương hiệu bán lẻ thuộc top đầu nước Pháp và thế giới bất ngờ tuyên bố rút khỏi Việt Nam.
Auchan không phải là đại gia duy nhất tháo chạy khỏi thị trường bán lẻ Việt, vốn được đánh giá là béo bở và tiềm năng. Từ nhiều "ông lớn" ngoại cùng cạnh tranh, đến nay thị trường Việt chỉ còn rất ít các đại gia ngoại bám trụ.
Sau 4 năm đặt chân vào Việt Nam, Auchan có tất cả 18 siêu thị, chủ yếu tại Hà Nội, TP HCM và tỉnh Tây Ninh. CEO của Auchan Retail - đơn vị sở hữu Auchan Việt Nam, cho biết nguyên nhân của việc rút lui do hoạt động không hiệu quả, nhiều năm kinh doanh vẫn chưa tạo ra lợi nhuận.
CEO của Auchan cũng nói riêng mảng kinh doanh tại Việt Nam, hãng chưa thể tìm ra mô hình phù hợp.
Auchan chuyên về mô hình siêu thị, nhắm đến cư dân các toà nhà nên không có nhiều khách hàng tiềm năng. (Ảnh: Phúc Huy).
Dường như nhận định của Auchan khá chính xác, bởi hướng đi của doanh nghiệp này từ khi vào Việt Nam không rầm rộ như những "ông lớn" khác. Với việc chuyên kinh doanh về mô hình siêu thị, nhắm đến cư dân các toà nhà, Auchan không có nhiều khách hàng tiềm năng, thậm chí nhiều người chưa biết thương hiệu này trước khi Auchan tuyên bố rút lui.
Tại các điểm kinh doanh của Auchan, số lượng khách mua sắm không đông như những hệ thống siêu thị khác, kể cả vào thời điểm cuối tuần. Năm 2018, doanh thu của Auchan Việt Nam chỉ đạt 50 triệu USD, và vẫn đang trong giai đoạn thua lỗ.
Đáng chú ý, năm ngoái, Auchan còn tuyên bố rót 500 triệu USD vào mảng kinh doanh tại Việt Nam, mở rộng chuỗi lên con số 300 siêu thị.
Ở thời điểm đó, định hướng của Auchan được xem là khả thi, bởi đây là thương hiệu bán lẻ hàng đầu nước Pháp, được mệnh danh là "Walmart Pháp", có mặt tại 17 quốc gia với khoảng 963 đại siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi.
Nhưng cuối cùng, Auchan vẫn rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện chủ mới của Auchan vẫn còn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho rằng một "đại gia" bán lẻ nội sẽ thâu tóm 18 siêu thị của đại gia bán lẻ Pháp.
Cuối năm 2015, một cuộc tháo chạy khác khiến thị trường bán lẻ Việt "nổi sóng" - sự ra đi của nhà bán lẻ Pháp Casino - chủ chuỗi siêu thị BigC.
BigC được xem là mô hình đại siêu thị đầu tiên tại Việt Nam, có mặt từ cuối những năm 90.
Ông lớn Casino của Pháp rất được lòng người tiêu dùng Việt với chuỗi BigC, nhưng cũng phải bỏ cuộc. (Ảnh: BigC).
Siêu thị này cũng thuộc top hệ thống bán lẻ có doanh thu cao nhất thời điểm đó. Năm 2015, doanh thu của BigC Việt Nam đạt 586 triệu euro, với khoảng 33 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi C-Express trên cả nước.
Chuỗi BigC của nhà bán lẻ Casino đến từ Pháp khá được lòng người tiêu dùng Việt và nhanh chóng trở thành một thương hiệu quen thuộc. Cố vấn Chủ tịch tập đoàn Casino - Jacques Fourvel, từng cho biết nhận thấy thị trường Việt Nam tiềm năng, dân số đông và ngày càng phát triển, nên Casino xác định duy trì và phát triển hơn nữa chuỗi BigC, chứ không bán lại cho các đối tác khác.
Tuy nhiên, cuối cùng "ông lớn" bán lẻ sở hữu hàng trăm siêu thị trên khắp thế giới bất ngờ bán đứt hệ thống siêu thị BigC Việt Nam với thông tin để trả khoản nợ hơn 2 tỉ USD. Quyết định này đồng nghĩa mục tiêu mở thêm 80 siêu thị khác trong năm 2018 của Casino không thể thực hiện được.
Thương vụ này không chỉ được truyền thông quan tâm, mà hàng loạt đại gia bán lẻ từ ngoại đến nội như TCC, Central Group (Thái Lan), Aeon, Lotte, Vingroup, Masan cũng đều muốn nhảy vào.
Thời gian đàm phán với các bên kéo dài khoảng 4 tháng, cuối cùng BigC đã thuộc về tay tỉ phú Thái Chirathivat với giá trị chuyển nhượng 1,14 tỉ USD. Sau khi về tay người Thái, tên thương hiệu BigC vẫn giữ đến hiện nay và vẫn là một trong những hệ thống bán lẻ được lòng người dùng Việt.
Tập đoàn Metro của người Đức có mặt tại Việt Nam từ năm 2002, với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ.
Vào Việt Nam khá sớm, đến năm 2015, Metro có 19 trung tâm thương mại tại 14 tỉnh thành, 5 kho trung chuyển và tổng cộng 3.600 nhân viên.
Nhà bán lẻ Đức cũng đã "sang lại" Metro sau 12 năm kinh doanh tại Việt Nam với kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ.
Tuy nhiên, suốt 12 năm hoạt động tại Việt Nam, chỉ duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỉ đồng. Các năm còn lại, Metro liên tục báo lỗ với mức lỗ từ 89-160 tỉ đồng mỗi năm. Tổng lỗ lũy kế của nhà bán lẻ này gần 600 tỉ đồng.
Đến năm 2015, chuỗi này bất ngờ công bố bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam cho một đại gia bán lẻ Thái Lan, với giá gần 900 triệu USD.
Với mô hình kinh doanh bán buôn không hiệu quả, một năm sau khi về tay ông chủ mới, hệ thống Metro đổi tên thành MM Mega Market. Thương hiệu Metro biến mất khỏi thị trường. MM Mega Market cũng bổ sung mô hình bán lẻ như hệ thống các siêu thị khác.
Ở phân khúc trung tâm thương mại, thương hiệu đến từ Malaysia sở hữu chuỗi Parkson cũng lao đao kể từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2005.
Dù có đến 100 điểm kinh doanh trên khắp thế giới, chủ yếu tại châu Á, nhưng chuỗi Parkson lại hoạt động kém hiệu quả tại Việt Nam.
Parkson quyết định thay đổi mô hình kinh doanh sau khi hàng loạt trung tâm thương mại phải đóng cửa. (Ảnh: Saigon Tourist).
Đánh giá mảng kinh doanh của Parkson, InsideRetail cho biết thị trường Việt Nam là nơi hoạt động tệ nhất so với các thị trường khác mà hệ thống này có mặt.
Báo cáo tài chính quý I/2018 niên độ 2017-2018 được Parkson Retail Asia công bố, cũng cho thấy kết quả lỗ trước thuế 24 tỉ đồng, đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam.
Năm tài chính 2016-2017, Parkson lỗ 67 tỉ đồng. Năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia đánh dấu mức lỗ tới gần 1.300 tỉ đồng tại Việt Nam, và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỉ đồng.
Kinh doanh thua lỗ, mô hình không còn phù hợp, đại gia Malaysia đã đóng cửa 5 trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP HCM trong 4 năm qua.
Hiện Parkson chỉ còn sở hữu 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trong đó, TP HCM còn 3 trung tâm, gồm Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1), Parkson Hùng Vương (quận 5) và Parkson CT Plaza (quận Tân Bình). 2 trung tâm còn lại nằm tại Đà Nẵng và Hải Phòng.
Thị trường Hà Nội đã không còn sự hiện diện của Parkson.
Kết quả kinh doanh tại Việt Nam là tệ nhất so với các thị trường khác mà Parkson đang có mặt. (Đồ hoạ: Phúc Huy).
Với bức tranh màu xám này, Parkson mới đây đã tuyên bố thay đổi hình ảnh, diện mạo đã trung thành suốt 14 năm qua. Thương hiệu bán lẻ Malaysia này thể hiện mong muốn phù hợp với xu hướng thị trường và thị hiếu của khách hàng, người tiêu dùng.
"Mô hình mà Parkson xây dựng không chỉ cho trung tâm thương mại này mà còn các điểm kinh doanh khác là tạo một nơi mua sắm (shop and go) với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới như Kiehl's, Shu Uemura, Bobbi Brown, MAC, The Body Shop, Estée Lauder, Lancôme…", đại diện Parkson cho biết.
Như vậy, Parkson đã quyết định cởi bỏ "chiếc áo" kém sáng sủa của mô hình kinh doanh đơn thuần (shop and go) vốn trung thành hơn chục năm qua thành một địa điểm mua sắm kết hợp các dịch vụ ăn uống, giải trí tích hợp (all-in-one destination) như các trung tâm thương mại khác trước khi rơi vào tình cảnh giãy chết.