Vì sao 2 đại gia bán lẻ Pháp Auchan và Casino phải bán xả hàng, ‘tháo chạy’ khỏi Việt Nam?

Nếu Casino - chủ cũ của sở hữu chuỗi siêu thị BigC phải rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam với lí do bán lại chuỗi siêu thị đang ăn nên làm ra để trả dứt khoản nợ 2,17 tỉ USD, thì Auchan tháo chạy vì kinh doanh mãi vẫn chưa sinh lời.

Auchan được mệnh danh là "Walmart" của nước Pháp còn Casino - từng là chủ sở hữu chuỗi siêu thị được lòng người tiêu dùng Việt - BigC, là tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Pháp và thế giới. Tuy nhiên, hai ông lớn bán lẻ này có vẻ không gặp suôn sẻ khi gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam.

Năm 2015, chuỗi siêu thị BigC thuộc sở hữu của Tập đoàn Casino (Pháp), bất ngờ tuyên bố thoái lui khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Toàn bộ chuỗi siêu thị BigC về tay đại gia bán lẻ Thái Lan.

Vì sao 2 đại gia bán lẻ Pháp Auchan và Casino phải bán xả hàng, ‘tháo chạy’ khỏi Việt Nam? - Ảnh 1.

Auchan xả hàng, đại hạ giá trước ngày đóng cửa vào đầu tháng 6/2019. (Ảnh: Phúc Huy).

Sau khi Casino rút, chuỗi Auchan thuộc sở hữu của Auchan Retail, trở thành tập đoàn bán lẻ duy nhất của Pháp còn lại tại Việt Nam. Nhưng mới đây, "ông lớn" này cũng đã tuyên bố bán xả hàng, thanh lí toàn siêu thị để chia tay thị trường Việt Nam vì kinh doanh mãi vẫn chưa có lời.

Đáng chú ý, cả Casino và Auchan đều là những tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Pháp và nằm trong top đầu của thế giới, nhưng chỉ một thời gian ngắn đặt chân vào Việt Nam đều phải chào thua.

Auchan và Casino mạnh cỡ nào?

Xuất phát điểm của Auchan là một cửa hàng tự phục vụ tại Roubaix từ đầu những năm 1960, hiện thương hiệu Auchan Retail đã là một trong những nhà bán lẻ có quy mô lớn nhất nước Pháp và đứng thứ 11 trên thế giới. Tốc độ phát triển nhanh chóng này cũng có thể thấy được sức mạnh và tiềm lực của chuỗi Auchan, khi đóng góp đến 99% doanh thu của công ty mẹ Auchan Holding.

Đáng chú ý, Auchan còn được mệnh danh là "Walmart" của nước Pháp, là một thương hiệu quen thuộc của người dân nước này.

Hiện Auchan đã có mặt tại 17 quốc gia, với khoảng 963 đại siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi.

Vì sao 2 đại gia bán lẻ Pháp Auchan và Casino phải bán xả hàng, ‘tháo chạy’ khỏi Việt Nam? - Ảnh 2.

Hiện Auchan đã có mặt tại 17 quốc gia, với khoảng 963 đại siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi. (Ảnh: Phúc Huy).

"Ông lớn" bán lẻ nước Pháp gia nhập thị trường Việt Nam năm 2015, thời điểm mảng kinh doanh bán lẻ bắt đầu phát triển và được đánh giá có nhiều tiềm năng trong tương lai.

Có thế mạnh về bán lẻ, nhưng hướng đi của Auchan khá khác biệt. Thương hiệu này không chọn cách xuất hiện quá rầm rộ, mà chọn các doanh nghiệp bất động sản để hợp tác, mở siêu thị ngay chung cư của nhà đầu tư. Có thể thấy phân khúc khách hàng mà Auchan nhắm đến là cư dân của những chung cư này.

Trong khi đó, Casino đặt chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam khá sớm, từ cuối những năm 90. Ở thời điểm năm 2003, tập đoàn này đã sở hữu 500 siêu thị trên toàn thế giới và hiện nay đã lớn gấp nhiều lần con số này.

Cố vấn Chủ tịch tập đoàn Casino Jacques Fourvel, từng cho biết nhận thấy thị trường Việt Nam tiềm năng, dân số đông và ngày càng phát triển, nên Casino xác định duy trì và phát triển hơn nữa chuỗi BigC, chứ không bán lại cho các đối tác khác.

Đến cuối năm 2015, BigC có khoảng 33 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi C-Express trên cả nước.

BigC nhanh chóng trở thành thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng Việt Nam, thậm chí, đến khi về tay doanh nghiệp khác, chủ mới cũng ngại đổi tên vì sợ xa lạ với người tiêu dùng.

Casino bất ngờ bán BigC cho tỉ phú Thái để trả nợ

Việc kinh doanh chuỗi BigC của Casino đang suôn sẻ, doanh thu của hệ thống này tại Việt Nam năm 2015 đạt 586 triệu euro, nhưng bất ngờ cuối năm này, Casino tuyên bố sẽ rút khỏi Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Pháp cũng quyết định bán luôn chuỗi BigC tại Thái Lan - chuỗi lớn hơn cả mảng kinh doanh tại Việt Nam.

Vì sao 2 đại gia bán lẻ Pháp Auchan và Casino phải bán xả hàng, ‘tháo chạy’ khỏi Việt Nam? - Ảnh 3.

Casino bất ngờ bán lại BigC Việt Nam vào năm 2016 cho Central Group. (Ảnh: Zing).

Giải thích về quyết định bán BigC Việt Nam và Thái Lan, Casino cho rằng doanh nghiệp có ý định dùng số tiền này trả dứt khoản nợ 2,17 tỉ USD. Casino đã bán toàn bộ 33 siêu thị BigC Việt Nam và 10 cửa hàng tiện lợi với giá 1,14 tỉ USD, sau một thời gian dài thoả thuận và đàm phán.

Thời điểm đó, câu chuyện BigC sẽ về tay ai rất được quan tâm, bởi có hàng loạt tập đoàn bán lẻ chào đón.

Thậm chí, The Wall Street Journal cũng ưu ái dành nhiều thông tin cho thương vụ Casino nhượng lại chuỗi BigC. Tờ này cho biết có hàng loạt doanh nghiệp, từ những đại gia Thái Lan như TCC, Central Group, đại gia Nhật Bản Aeon, Lotte của Hàn Quốc cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Vingroup, Masan Group, Saigon Co.op muốn sở hữu chuỗi này.

Từ cuối năm 2015 đến cuối tháng 4/2016, chuỗi BigC mới hoàn tất thương vụ bán lại. Chủ mới của BigC là Tập đoàn Thái Lan Central Group, do tập đoàn gia đình tỉ phú Chirathivat sở hữu.

Như vậy, dù tuyên bố hùng hồn sẽ phát triển hơn nữa BigC, thậm chí có kế hoạch mở thêm 80 điểm kinh doanh ngay trong năm 2016, nhưng Casino đã mau chóng thoái lui khỏi Việt Nam, nhường lại cho đại gia Thái.

Auchan tháo chạy vì loay hoay mãi không tìm ra hướng đi

Trái với Casino bán BigC, thoái lui khỏi thị trường Việt Nam để trả nợ, thì Auchan lại tháo chạy vì kinh doanh mãi vẫn chưa sinh lời tại thị trường vốn được đánh giá rất tiềm năng về bán lẻ.

Năm 2018, doanh thu của Auchan Việt Nam đạt 45 triệu euro, con số rất nhỏ so với doanh thu chuỗi BigC của Casino năm 2015. Auchan cho hay vẫn đang thua lỗ sau 4 năm gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam. Nguyên nhân của việc thua lỗ là chưa tìm được mô hình kinh doanh phù hợp.

Vì sao 2 đại gia bán lẻ Pháp Auchan và Casino phải bán xả hàng, ‘tháo chạy’ khỏi Việt Nam? - Ảnh 4.

Auchan là nhà bán lẻ châu Âu cuối cùng tháo chạy khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. (Ảnh: Phúc Huy).

Hiện "Walmart" của Pháp đang xả hàng, thanh lí toàn bộ sản phẩm tại các siêu thị để chuẩn bị đóng cửa vào đầu tháng 6/2019 này. 

Với chương trình thanh lí, hàng nghìn người đã ào ạt đổ tới hệ thống này để mua hàng giảm giá, không khí khác hẳn tình hình kinh doanh ngày thường vắng vẻ của Auchan. Điều này có thể thấy, nhận định chưa tìm được mô hình kinh doanh phù hợp tại Việt Nam mà CEO Auchan Retail chia sẻ đã phần nào chính xác.

Hiện đại gia bán lẻ Pháp sẽ về tay ai vẫn còn là bí ẩn. Bởi theo người phát ngôn của Auchan, thương hiệu này đang nhận được sự quan tâm từ những khách hàng tiềm năng nhưng không thể tiết lộ, vì thương vụ vẫn còn trong vòng đàm phán.

Việc tháo chạy khỏi Việt Nam cũng được xem là một quyết định bất ngờ. Bởi năm ngoái, Auchan còn tuyên bố lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đồng thời tăng số lượng siêu tại Việt Nam lên con số 300, tức gấp hơn 16 lần so với số siêu thị hiện có - 18 siêu thị..

Tuy nhiên, cũng như Casino, Auchan chưa kịp mở thêm bất kì siêu thị nào cho mục tiêu này trong năm 2019 thì đã tuyên bố rút lui. Auchan cũng chính là nhà bán lẻ châu Âu cuối cùng tháo chạy khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam.