VinPro và những lần được Vingroup rót vốn nghìn tỉ, thay đổi mô hình hoạt động trước khi giải thể

VinPro được Vingroup đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, từng sáp nhập vào Vincommerce rồi lại tách ra, từng co lại hoạt động trong chuỗi Vincom rồi lại quyết định xuống phố. "Lột xác" nhiều lần với tham vọng số 1 thị trường bán lẻ điện máy, nhưng cuối cùng Vingroup vẫn quyết định giải thể khi mới đạt 242 cửa hàng.

2 ngày sau thông báo giải thể chuỗi siêu thị điện máy VinPro, hôm qua, 20/12, Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng đã kí quyết định giải thể công ty này. Cùng ngày, một số điểm kinh doanh của VinPro tại Hà Nội bắt đầu đóng cửa.

Như vậy, vòng đời gần 5 năm trên thị trường điện máy của VinPro đã khép lại. Đáng chú ý, trước khi giải thể VinPro, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã nhiều lần tái cấu trúc, rót hàng nghìn tỉ đồng vào chuỗi này, và đặt không ít kì vọng vào mảng bán lẻ điện máy.

Vingroup từng rót nghìn tỉ vào VinPro

Vingroup chính thức kinh doanh điện máy hồi tháng 3/2015, với thương hiệu VinPro. Tuyên bố kinh doanh điện máy của Vingroup được cho là sẽ đấu với những ông lớn đang có mặt trên thị trường thời điểm đó như Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động hay các tay chơi nhiều kinh nghiệm hơn gồm Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn.

VinPro và những lần được Vingroup rót vốn nghìn tỉ, thay đổi mô hình hoạt động trước khi giải thể - Ảnh 1.

Trước khi giải thể VinPro, Vingroup đã rót nghìn tỉ vào chuỗi này. (Ảnh: Phúc Minh).

Ở thời điểm ra mắt, chuỗi VinPro được quản lí bởi Công ty TNHH VinPro, và có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoạt động, VinPro được sáp nhập vào Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce. 

Vincommerce là công ty con phụ trách mảng bán lẻ của Vingroup, với 2 thương hiệu quen thuộc đã có trên thị trường thời điểm đó là VinMart và VinMart+.

Sau khi hợp nhất cả 3 chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+ và siêu thị điện máy VinPro vào cùng một công ty, hệ sinh thái bán lẻ của Vingroup gần như đã hoàn chỉnh, khi đầy đủ các mảng kinh doanh.

Năm 2016, tức năm VinPro sáp nhập vào Vincommerce, Vingroup đã cho VinCommerce vay 3.664 tỉ đồng để bổ sung vốn kinh doanh. Một năm sau đó, Vingroup tiếp tục rót gần 2.000 tỉ vào công ty bán lẻ này, để phát triển VinMart, VinMart+ và VinPro.

Sau 2 năm hoạt động dưới sự quản lí của Vincommerce, đầu năm 2018, Vingroup lại bất ngờ ra quyết định tách VinPro khỏi Vincommerce, thành Công ty CP Kinh doanh và thương mại dịch vụ VinPro.

Sau khi tách ra hoạt động riêng lẻ, Vingroup tiếp tục rót vào công ty con chuyên bán hàng công nghệ, điện máy này thêm gần 1.800 tỉ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 do Vingroup công bố cho biết tính đến cuối tháng 9, tập đoàn đang sở hữu 100% vốn điều lệ tại VinPro.

VinPro và 2 lần thay đổi mô hình hoạt động

Không chỉ rót vốn nghìn tỉ, tái cấu trúc hoạt động của VinPro, mà Vingroup cũng đã có ít nhất 2 lần thay đổi mô hình hoạt động của chuỗi này. 

VinPro và những lần được Vingroup rót vốn nghìn tỉ, thay đổi mô hình hoạt động trước khi giải thể - Ảnh 2.

VinPro tập trung mở điểm bán trong trung tâm thương mại Vincom. (Ảnh: Phúc Minh).

Tháng 9/2016, hơn một năm sau khi có mặt trên thị trường với 2 mô hình VinPro là các trung tâm công nghệ - điện máy nằm tại hệ thống trung tâm thương mại Vincom, và VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, Vingroup quyết định thay đổi chiến lược.

Theo đó, Vingroup chuyển mô hình kinh doanh công nghệ tại các cửa hàng VinPro+ sang kinh doanh tích hợp công nghệ và điện máy tại các trung tâm thương mại Vincom. Điều này đồng nghĩa hoạt động kinh doanh của chuỗi VinPro bắt đầu co lại, không còn mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác.

Tuy nhiên, mới đây, chiến lược của VinPro lại tiếp tục thay đổi, khi không còn trung thành với sản phẩm công nghệ và điện máy, mà bán gom bán mọi loại hàng hoá theo nhu cầu của người tiêu dùng trong cửa hàng Vinpro.

Đồng thời, VinPro cũng không còn trung thành với Vincom mà đã quyết định "xuống phố", khai trung cùng lúc gần 10 cửa hàng tại các khu vực đông dân cư. Dễ thấy, các mặt bằng "xuống phố" này của VinPro chính là của Viễn Thông A trước đây. Vingroup đã thâu tóm chuỗi điện máy có tiếng này vào năm 2018, với giá 39 tỉ đồng. 

VinPro và những lần được Vingroup rót vốn nghìn tỉ, thay đổi mô hình hoạt động trước khi giải thể - Ảnh 3.

VinPro mới thay đổi mô hình hoạt động, bán cả đồng hồ, đồ gia dụng, hoá mĩ phẩm. (Ảnh: Phúc Minh).

Thương vụ M&A này khiến nhiều người dự đoán, Vingroup bắt đầu tấn công thực sự vào thị phần điện máy sau thời gian im ắng trên thị trường.

Qqua nhiều lần mở rộng rồi co hẹp, nhiều lần thay đổi cấu trúc, sáp nhập vào Vincommerce rồi lại tách ra hoạt động riêng rẻ, nhưng cuối cùng cả Vincommerce và VinPro đều cùng lúc không còn  một nhà với Vingroup. Vincommerce chuyển nhượng cho đơn vị khác còn Vinpro giải thể, để Vingroup tập trung vào công nghiệp và công nghệ.

VinPro ở đâu trong bản đồ bán lẻ điện máy trước khi đóng cửa?

Gia nhập thị trường điện máy từ năm 2015, Vinpro đi sau nhiều thương hiệu lớn giàu kinh nghiệm trong mảng này như Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn, Thiên Hòa hay Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, VinPro được kì vọng rất nhiều, do có tiềm lực tài chính mạnh mẽ và một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Hàng nghìn tỉ đồng Vingroup đã rót vào chuỗi này phần nào thể hiện được điều đó.

Tuy nhiên, VinPro dường như đã đuối trong cuộc chiến điện máy. Bởi, ở thời điểm ra mắt, VinPro tham vọng đến năm 2019 có 1.000 cửa hàng. Tuy nhiên, đến nay, tính luôn cả hệ thống Viễn Thông A thâu tóm vào năm 2018 thì toàn chuỗi VinPro cũng chỉ đạt 242 cửa hàng, hoàn thành khiêm tốn 1/4 mục tiêu.

VinPro và những lần được Vingroup rót vốn nghìn tỉ, thay đổi mô hình hoạt động trước khi giải thể - Ảnh 4.

Trong khi VinPro vẫn ít điểm bán thì Điện Máy Xanh trong 8 năm ra mắt đã gia tăng kỉ lục số điểm bán và cả doanh thu. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đối thủ đáng gờm nhất của VinPro khi đi bán hàng điện máy có lẽ là Điện Máy Xanh. Thời điểm VinPro ra mắt, Điện Máy Xanh có hơn 4 năm hoạt động. Cuối năm 2014, chuỗi này mới 20 cửa hàng, tuy nhiên, sang năm 2015, khi VinPro xuất hiện, Điện Máy Xanh tăng tốc độ mở chuỗi gấp hơn 3 lần. Cuối năm 2015, số điểm bán Điện Máy Xanh đã nâng lên 70 cửa hàng.

Trong khi VinPro miệt mài tái cấu trúc, thay đổi mô hình kinh doanh nhưng số lượng điểm bán không tăng đáng kể, thì Điện Máy Xanh tiếp tục tăng tốc, thậm chí năm sau cao hơn năm trước về độ phủ. 

Kỉ lục nhất là năm 2017, Điện Máy Xanh mở mới đến 392 cửa hàng. Tính đến nay, chuỗi này có hơn 1.000 cửa hàng trên khắp cả nước, gấp 4 lần VinPro.

2 tên tuổi quen thuộc khác trong lĩnh vực bán lẻ điện máy là Điện máy Chợ Lớn và Nguyễn Kim đang có lần lượt 71 cửa hàng và 70 cửa hàng.

Với số lượng ít hơn VinPro nhưng thị phần hai thương hiệu này nắm giữ là không phải ít. 

VinPro và những lần được Vingroup rót vốn nghìn tỉ, thay đổi mô hình hoạt động trước khi giải thể - Ảnh 5.

ĐMX, Điện máy Chợ Lớn và Nguyễn Kim đang chiếm áp đảo thị phần điện máy. (Nguồn: GfK - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Theo GfK, tính đến hết tháng 5/2019, khoảng 40% thị phần bán lẻ hàng điện máy nằm trong tay Điện Máy Xanh. Tiếp theo, tổng thị phần của Điện máy Chợ Lớn và Nguyễn Kim là 20%. 40% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp bán lẻ điện máy khác. Báo cáo chỉ nhắc đến những doanh nghiệp đang nắm thị phần áp đảo ở mảng kinh doanh này, mà không hề đề cập đến VinPro.

Thực tế, không riêng GfK, các công ty nghiên cứu thị trường và công ty chứng khoán cũng ít đề cập VinPro trong các báo cáo phân tích, chỉ nhắc đến Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn… khi nói về thị trường này.

Cột mốc 2019 được Vingroup kì vọng là đỉnh cao của chuỗi điện máy VinPro với 1.000 cửa hàng đã không thành hiện thực khi tập đoàn giải thể luôn chuỗi này để tập trung cho công nghiệp và công nghệ.