4 năm nhiều tham vọng với thị trường điện máy, đầu tư hàng trăm cửa hàng, vì sao Vingroup bất ngờ giải thể VinPro?

Dồn dập những thay đổi quan trọng mới đây, từ thâu tóm Viễn Thông A, tái cấu trúc sở hữu đến “tiến ra phố, bán cả thế giới trong cửa hàng điện máy", nhưng Vingroup đã công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ và giải thể VinPro ngay trong tháng 12 này.

Sáng nay (18/12), Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ tuyên bố giải thể toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro. Thông báo được đưa ra cho biết sẽ hoàn tất việc giải thể ngay trong tháng 12 này.

Quyết định giải thể chuỗi VinPro khá bất ngờ, bởi gần đây, Vingroup liên tục có nhiều động thái đổi mới chuỗi này, thậm chí cả tái cấu trúc, thay đổi luôn cả mô hình kinh doanh đã trung thành nhiều năm qua.

VinPro thâu tóm chuỗi gần 200 cửa hàng Viễn Thông A sau thời gian ngắn ra mắt

Tháng 3/2015, siêu thị điện máy VinPro đầu tiên của Tập đoàn Vingroup chính thức có mặt trên thị trường. Chuỗi này được xem là mảnh ghép mới nhằm hoàn thiện hệ thống bán lẻ của Vingroup, bởi trước đó đã có siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+.

photo1522049580497-15220495804971653508295-2-crop

VinPro sẽ hoàn tất giải thể trong tháng này. (Ảnh: Vingroup).

Tại thời điểm thành lập, VinPro hoạt động với 2 mô hình là VinPro và VinPro+. 

Trong khi VinPro là các trung tâm công nghệ - điện máy, tọa lạc tại tất cả các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom, thì VinPro+ là chuỗi cửa hàng với diện tích nhỏ hơn, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Sau hơn 4 năm có mặt trên thị trường, chuỗi VinPro có gần 60 cửa hàng. Con số này là thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Vingroup. Bởi ở thời điểm ra mắt, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng kì vọng có tất cả 125 cửa hàng ngay trong năm đầu tiên hoạt động.

Hoạt động của chuỗi siêu thị điện máy này chỉ thật sự tạo được chú ý trên thị trường vào năm 2018, khi Vingroup thâu tóm chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A, và sáp nhập toàn bộ chuỗi này vào VinPro. 

Tại thời điểm thâu tóm, giá trị thương vụ không được tiết lộ. Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán năm 2018 do Vingroup công bố vào đầu năm nay, đã tiết lộ giá trị của thượng vụ M&A đình đám này. Cụ thể, Vingroup chi khoảng 39 tỉ đồng để mua lại 100% cổ phần tại Viễn Thông A.

Sau thương vụ, nhờ số lượng cửa hàng của Viễn Thông A mà tổng điểm kinh doanh của VinPro trên cả nước được nâng lên 242.

IMG_8778

Cửa hàng VinPro bên trong trung tâm thương mại Vincom. (Ảnh: Phúc Minh).

Thâu tóm Viễn Thông A được xem là thương vụ M&A mở màn cho lĩnh vực bán lẻ sản phẩm công nghệ, điện máy của Vingroup. Thực tế, ngay từ thời điểm có mặt trên thị trường, Vingroup đã tham vọng phủ rộng các tỉnh thành, bằng việc vừa xây mới, vừa áp dụng chiêu mua lại những chuỗi cửa hàng, siêu thị nhỏ hơn.

Giai đoạn mua lại Viễn Thông A, Vingroup đang tham gia vào mảng sản xuất điện thoại. Nhiều ý kiến cho rằng không loại trừ việc doanh nghiệp sẽ tận dụng mở rộng các điểm bán lẻ hàng công nghệ, để mở rộng điểm phân phối các sản phẩm tivi, điện thoại do chính tập đoàn sản xuất.

VinPro thay đổi, mang cửa hàng ra phố với mô hình "bán cả thế giới"

Tháng 7 năm nay, HĐQT Vingroup có nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty CP Kinh doanh và Thương mại Dịch vụ VinPro cho công ty con. Sau khi thực hiện, Vingroup không còn là cổ đông của Vinpro, nhưng vẫn là công ty mẹ.

Việc chuyển nhượng cổ phần này được tập đoàn cho biết là tái cơ cấu sở hữu nội bộ.

anh-chup-man-hinh-2019-08-12-luc-180513-1565607923389732646022

Một cửa hàng VinPro theo mô hình mới nằm cạnh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) bán nhiều thứ hàng gia dụng chứ không còn bó gọn với điện máy. (Ảnh: Phúc Minh).

Cùng thời điểm nay, Vinpro cũng thay đổi hình ảnh lẫn mô hình hoạt động. 

Cụ thể, cũng trong tháng 7, Vingroup đồng loạt khai trương cùng lúc 10 cửa hàng VinPro, chiếm hơn một nửa trong số này là các cửa hàng "xuống phố", đặt tại các khu vực đông dân cư, gần khu vực chợ. Đây được xem là một điểm khác biệt, bởi từ trước đến nay, VinPro chỉ có mặt tại các trung tâm thương mại Vincom. Thay đổi địa điểm kinh doanh, Vingroup cũng cắt giảm diện tích mỗi cửa hàng xuống chỉ còn hơn 150 m2.

Hình ảnh thay đổi sau hơn 4 năm trung thành, mô hình kinh doanh của VinPro cũng đa dạng hơn trước đây, nếu không muốn nói là "bán cả thế giới", từ dụng cụ nhà bếp nồi niêu xoong chảo, hóa mĩ phẩm như bột giặt, dầu gội đến phụ kiện thời trang như cả đồng hồ, chứ không còn đơn thuần  hàng công nghệ, điện thoại, điện máy như trước.

"Khách hàng sẽ tìm thấy các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình tại VinPro từ điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay… cho đến những mặt hàng gia dụng cần thiết hàng ngày", Vingroup cho biết về chiến lược mới của tập đoàn, khi quyết định mang VinPro ra phố và bán tất cả mọi thứ trong một cửa hàng.

img7001-15656081558261482644827

Bên trong cửa hàng VinPro sau khi đa dạng hàng hóa. (Ảnh: Phúc Minh).

Thực tế, trước khi triển khai mô hình này và triển khai hàng loạt, Vinpro đã áp dụng thử nghiệm với một cửa hàng quận ngoại thành TP HCM. 

Đây cũng được xem là chiến lược mới trong ngành bán lẻ, mang tất cả mọi sản phẩm bán trong một điểm kinh doanh nhằm tận dụng tối đa trải nghiệm và nhu cầu của khách hàng. Một cách mà Thế Giới Di Động đang áp dụng khá thành công.

Tại sao Vingroup quyết định giải thể VinPro?

Trong vòng hơn 1 năm, chuỗi điện máy VinPro bắt đầu có nhiều thay đổi quan trọng, từ thâu tóm Viễn Thông A, tái cấu trúc sở hữu đến thay đổi diện mạo, đa dạng hoá ngành hàng. Vì vậy, thông báo giải thể hệ thống này ngay trong tháng 12 có thể xem là quyết định bất ngờ của Tập đoàn Vingroup.

Tuy nhiên, phía Vingroup khẳng định giải thể VinPro chỉ là một trong những bước tiếp theo để doanh nghiệp chính thức rút lui khỏi lĩnh vực bán lẻ, như tuyên bố vào ngày 3/12, sau khi thông báo nhượng 2.600 siêu thị, cửa hàng VinMart và VinMart+ cho công ty hàng tiêu dùng của Masan.

IMG_9148

Đầu tháng 12, Vingroup cũng chuyển nhượng toàn bộ 2.600 siêu thị, cửa hàng VinMart và VinMart+ cho công ty hàng tiêu dùng của Masan. (Ảnh: Phúc Minh).

"Đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp - công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho đối tác", đại diện Vingroup cho biết.

Đồng thời, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng khẳng định rút lui chính thức rút toàn bộ các hoạt động của khối bán lẻ trực tiếp là bước đi quan trọng đưa Vingroup trở thành tập đoàn công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ hàng đầu Việt Nam, có tầm vóc trên trường quốc tế.

Trước mắt, Vingroup cho biết quá trình tái cơ cấu, bao gồm sáp nhập và giải thể các công ty trong mảng bán lẻ, sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của đối tác và khách hàng. 

"Các cán bộ nhân viên có năng lực phù hợp và có nhu cầu cũng sẽ được giữ lại, để chuyển sang làm việc tại các công ty thành viên khác trong tập đoàn", Vingroup cho biết thêm về vấn đề nhân sự của VinPro sau khi giải thể.

Đồng thời, tất cả nhân viên VinPro sẽ được nhận lương tháng 13, thưởng Tết khi chuỗi bán lẻ điện máy giải thể, nhất là trong thời điểm cuối năm, khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Doanh nghiệp cũng quyết định thưởng thêm bên cạnh lương, thưởng Tết, để tri ân những người đã gắn bó với tập đoàn.