Techcombank của tỉ phú Hồ Hùng Anh đang neo vào Vingroup để cho vay mua nhà, mua ôtô VinFast

Chuyên gia của ACBS đánh giá nhóm lĩnh vực mục tiêu của Techcombank khá tương đồng các lĩnh vực của thuộc Vingroup, như bất động sản (VinHomes), bán lẻ (VinCommerce), ôtô (VinFast), điện tử (VinSmart), du lịch và nghỉ dưỡng (Vinpearl)…

9 tháng năm 2019, Techcombank tiếp tục duy trì được vị trí là một trong số những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống. Với lãi trước thuế hợp nhất 8.860 tỉ đồng, tăng hơn nghìn tỉ so với cùng kì năm ngoái, lợi nhuận của Techcombank chỉ đứng sau 2 "ông lớn" trong nhóm Big 4 là Vietcombank và Agribank.

Báo cáo tài chính của Techcombank cho biết việc tăng thu nhập lãi thuần và cắt giảm rủi ro tín dụng là nguyên nhân chính khiến ngân hàng tiếp tục khả quan.

techcombankiopk-1571046611106414448747-15723467522881262581428

ACBS cho rằng các lĩnh vực mục tiêu của Techcombank khá tương đồng các lĩnh vực của tập đoàn Vingroup. (Ảnh: TCB).

Tuy nhiên, trong một báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng ngân hàng do tỉ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch đang tập trung nhiều vào "mỏ neo" Vingroup, các lĩnh vực mục tiêu của Techcombank khá tương đồng các lĩnh vực của tập đoàn này.

Hoạt động cho vay của Techcombank "neo" vào Vingroup, Masan

Đánh giá về cấu trúc cho vay theo phân khúc khách hàng của Techcombank, chuyên gia ACBS cho rằng ngân hàng này đã có sự chuyển dịch theo định hướng tập trung vào mảng bán lẻ.

Theo đó, tỉ lệ tăng trưởng kép cho vay cá nhân (PFS) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (BB) giai đoạn 2015-2018 của Techcombank đạt 13%, cao hơn 2% so với phân khúc khách hàng là doanh nghiệp bán buôn (công ty có doanh thu hàng năm trên 600 tỉ đồng - WB).

"Tuy nhiên, nếu xét đến khối lượng trái phiếu doanh nghiệp tư vấn phát hành cho nhóm WB, là sản phẩm đặc biệt đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, dù không thể hiện toàn bộ trên bảng cân đối tài sản của Techcombank, chúng tôi thấy rằng nhóm WB vẫn rất quan trọng đối với ngân hàng này", chuyên gia của ACBS cho biết.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-11 lúc 15

ACBS cho rằng nhóm WB vẫn rất quan trọng đối với Techcombank. (Nguồn: TCB - Đồ hoạ: Quốc Minh).

Lập luận cho khẳng định trên, các chuyên gia ACBS phân tích nhóm WB chiếm đến đến 53% dư nợ tín dụng điều chỉnh, gồm cho vay khách hàng và khối lượng trái phiếu tư vấn phát hành thông qua Techcombank hàng năm. 

Giai đoạn 2015-2018, tổng dư nợ tín dụng điều chỉnh tăng từ 131.000 tỉ đồng lên thành 221.000 tỉ, tương đương tăng 19%. Trong đó, WB điều chính đóng góp đến 64% tổng tăng trưởng tín dụng, trong khi khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 25%, và nhóm khách hàng cá nhân chỉ 11%.

"Techcombank đã khai thác và phát triển phân khúc BB theo chuỗi giá của 3 ngành mục tiêu, gồm bất động sản từ năm 2016, bán lẻ và tiêu dùng nhanh từ năm 2018, ôtô từ đầu năm 2019. Dễ nhận ra đây là những ngành 'neo' vào hoạt động kinh doanh của Vingroup và Masan", báo cáo của ACBS nhận định.

Cho vay mua nhà và ôtô là trụ cột trong phân khúc khách hàng cá nhân của Techcombank

Đi rõ hơn về cơ cấu cho vay, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán ACBS cho biết vay mua nhà đóng góp 73% dư nợ cho vay cá nhân, và 33% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank trong năm 2018. Trong khi đó, năm 2015, tỉ lệ này chỉ lần lượt đạt 55% và 25%.

"Do khách hàng mục tiêu của Techcomnamk là nhóm thu nhập trung bình cao và cao, nên các dự án bất động sản ngân hàng hướng đến thuộc phân khúc A và B, đặc biệt các dự án được phát triển bởi khách hàng 'mỏ neo' như Vingroup", ACBS nhận định.

anh-chup-man-hinh-2019-10-29-luc-175316-15723467522841769746681-2

Với nền tảng vốn mạnh, ACBS cho rằng Techcombank vẫn có thể đáp ứng được việc cho vay mua nhà khi Vingroup hạ xuống nhóm khách hàng có thu nhập trung bình. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Sản phẩm cho vay mua nhà được xem là nằm trong hệ sinh thái mục tiêu khá cạnh tranh, bởi có nhiều ưu đãi, như thời hạn vay dài, có thể lên đến 35 năm. Trong khi đó, lãi suất ưu đãi cố định trong năm đầu tiên, thủ tục và thời hạn cho vay được rút gọn, có thể dễ dàng chuyển nhượng khoản vay mua nhà thế chấp.

Vì vậy, dù phân khúc khách hàng mục tiêu của Techcombank có thể dịch chuyển xuống nhóm thu nhập trung bình, theo chiến lược phát triển thêm các dự án thuộc phân khúc vừa túi tiền của Vingroup, nhưng ACBS vẫn cho rằng Techcombank có thể đáp ứng được yêu cầu về vốn đối với danh mục cho vay có hệ số rủi ro cao, nhờ nền tảng vốn mạnh.

Điều này đồng nghĩa với việc cho vay mua nhà vẫn sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng của Techcombank.

Ngoài cho vay mua nhà, cho vay mua ôtô cũng có thể sẽ được Techcombank đẩy mạnh trong tương lai. 

Techcombank bắt đầu cho vay mua ôtô đầu năm 2019, trong bối cảnh hãng xe VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng ra đời, cùng với kế hoạch khai thác chuỗi giá trị ngành ôtô. Vì vậy, dự báo sản phẩm cho vay mua ôtô sẽ ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong danh mục cho vay của Techcombank.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-11 lúc 15

Cơ cấu cho vay mua nhà và ôtô được dự báo sẽ là chiến lược lớn của Techcombank. (Nguồn: TCB - Đồ hoạ: Quốc Minh).

Theo dữ liệu có được của ACBS, hiện dư nợ cho vay mua ôtô đóng góp khoảng 5% vào tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank, tương đương khoảng 5.000 tỉ đồng. Dù mới bắt đầu kinh doanh thêm sản phẩm này vào đầu năm, nhưng Techcombank đã nắm được 3,6% thị phần.

Tuy nhiên, trong tương lai, với sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu có thu nhập cao, cùng với hãng xe của Vingroup ra đời, thị trường tín dụng cho vay mua ôtô tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng cao với tốc độ tăng trưởng duy trì hoặc vượt con số 25% của giai đoạn 2012-2018.

Rủi ro khi chỉ tập trung vào "mỏ neo" bất động sản của Vingroup

Chuyên gia của ACBS đánh giá chiến lược hiện tại của Techcombank khá thành công, đem lại kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng cho ngân hàng này 2 năm qua. 

9 tháng năm 2019, ngân hàng do của tỉ phú Hồ Hùng Anhlàm Chủ tịch vẫn nằm trong nhóm có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống.

"Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại về rủi ro tập trung tại Techcombank, khi hoạt động kinh doanh mở rộng và phát triển dựa trên một số ít doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, trong khi bất động sản được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là lĩnh vực rủi ro", chuyên gia ACBS nhận định.

img5097-15565636266312050954870-2

Một góc Khu đô thị cao cấp Vinhomes Central Park của Tập đoàn Vingroup. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo công ty này, thời gian tới, hoạt động cho vay mua nhà của Techcombank có thể gặp khó, do Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng đến các ngành rủi ro, trong đó có bất động sản. Thứ hai, nếu Vingroup bán sỉ hoặc tìm các nhà đầu tư thứ cấp phát triển các dự án, khiến Techcombank có khả năng mất đi lợi thế tài trợ tín dụng. 

ACBS cho rằng tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chiếm khoảng 30% tổng lượng trái phiếu tư vấn phát hành bởi Techcombank năm 2018. 

Các lĩnh vực mục tiêu của Techcombank khá tương đồng các lĩnh vực của nhóm Vingroup như bất động sản (VinHomes), bán lẻ (VinCommerce), ôtô (VinFast), điện tử (VinSmart), du lịch và nghỉ dưỡng (Vinpearl)…

Vì vậy, các chuyên gia của ACBS cho rằng đây là vấn đề cần chú ý khi đầu tư vào Techcombank.

Techcombank nói gì chuyện phụ thuộc vào Vingroup?

Trong khi đó, phía Techcombank khẳng định vấn đề rủi ro nếu có do tập trung của ngân hàng vào doanh nghiệp lớn nằm trong tầm kiểm soát, và các hệ số phản ánh trên đều tốt hơn yêu cầu của cơ quan chức năng.

Trong đó, nhóm khách hàng WB có hoạt động kinh doanh khá đa dạng, với xếp hạng tín dụng tốt. Các khách hàng khác trong chuỗi giá trị có sự đa dạng về lĩnh vực kinh doanh, cũng như đa dạng phân khúc khách hàng.

Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Techcombank cũng tiết lộ tổng nguồn thu của Techcombank từ Vingroup và Masan chiếm khoảng 9-10% toàn hệ thống.

Lãnh đạo Techcombank cho hay nhóm khách hàng vay mua nhà các dự án của Vingroup có xu hướng trở thành khách hàng của ngân hàng, qua hình thức bán chéo cung cấp sản phẩm như tài khoản, tiết kiệm…

Do đó, Techcombank sẽ có thêm khách hàng mới, bán thêm sản phẩm, đồng thời đây là những đối tượng có thu nhập cao, khách hàng tiềm năng cho ngân hàng.

Lãnh đạo Techcombank cũng nói nguồn thu của ngân hàng không phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn lớn. 9 tháng năm 2019, nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn mang về 3.779 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 26% vào tổng thu nhập hoạt động của Techcombank, tương đương 14.400 tỉ đồng.