Góc nhìn: Vì sao lo ngại Techcombank phụ thuộc Vingroup?

Trong bối cảnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hàng năm bị giới hạn bởi Ngân hàng Nhà nước, việc tăng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp để phục vụ việc thu xếp vốn cho Vingroup nói riêng và các doanh nghiệp lớn nói chung trong nhiều thời kì, đã khiến dư nợ cho vay của Techcombank không còn dư địa để tăng.
vnf-techcombank-vingroup

Năm 2018, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank đã tăng gấp hơn 3 lần. Dư nợ cho vay phải "ngậm ngùi" với mức giảm 0,6%.

Tại sự kiện "Techcombank gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019", diễn ra gần đây, lãnh đạo Techcombank một lần nữa nhấn mạnh rằng rủi ro tập trung đến từ khách hàng lớn là Tập đoàn Vingroup, không lớn. Phía ngân hàng này cũng từng nhiều lần "trấn an" nhà đầu tư tại các sự kiện tương tự trước đó.

Theo Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính Techcombank Vũ Minh Trường, Vingroup chỉ chiếm khoảng 9-10% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.

Bổ sung thêm, Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết trong 9 tháng năm nay, tổng thu nhập hoạt động của Techcombank đạt hơn 14.400 tỉ đồng, trong đó nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn mang về 3.779 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 26%. 

"Nguồn thu từ Vingroup và Masan chỉ có khoảng 300 tỉ đồng trong số đó, đây là một con số không cao", CEO Techcombank nói.

Trên thực tế, các con số trên chỉ là nguồn thu trực tiếp. Điều mà giới đầu tư lo ngại là việc Techcombank phụ thuộc vào nguồn khách hàng từ Vingroup, phụ thuộc vào tiến độ các dự án cũng như tài sản thế chấp là các bất động sản trong các dự án của Vingroup, phụ thuộc vào nhu cầu huy động vốn của Vingroup...

Cụ thể hơn, có thể phân tách cấu phần dư nợ tín dụng của Techcombank ra làm hai phần lớn: dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Về dư nợ cho vay, khoảng 40% dư nợ cho vay của ngân hàng này là cho vay mua nhà (khoảng 81.000 tỉ đồng) - một tỉ lệ cao hơn đa số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Trong đó, tệp khách hàng từ Vingroup đóng vai trò tối quan trọng và như nhận định của giới phân tích, tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà nói riêng và dư nợ cho vay nói chung của Techcombank phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ bán hàng đối với các dự án của Vingroup.

Việc phụ thuộc vào tiến độ bán hàng tại các dự án, nhất là các dự án lớn của Vingroup là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng dư nợ cho vay của Techcombank có hiện tượng "giật cục".

Tính toán của VietnamFinance cho thấy trong năm 2017, dư nợ cho vay của Techcombank tại thời điểm cuối quý I, cuối quý II và cuối quý III đều tăng trưởng âm so với đầu năm. Tuy nhiên, đến cuối quý IV, tăng trưởng dư nợ cho vay vọt lên 12,8%.

Điều này có nghĩa là toàn bộ tăng trưởng cho vay năm 2017 của Techcombank dồn hết vào quý IV.

Hay như năm 2019, dư nợ cho vay của Techcombank đến cuối quý I chỉ tăng 2,4% nhưng sang quý II đã tăng lên 15,9%. Đặc biệt, đến cuối quý III, tăng trưởng dư nợ cho vay vọt lên 28,4% - thuộc hàng cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Về trái phiếu doanh nghiệp, vài năm trở lại đây, Techcombank cùng công ty con là TCBS đóng vai trò là đơn vị thu xếp vốn cho Vingroup, với việc bảo lãnh phát hành cho hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu của tập đoàn này. 

Số liệu tại thời điểm kết thúc quý II/2019 cho thấy, hơn 40.000 tỉ đồng mà Vingroup huy động được từ phát hành trái phiếu là do TCBS thu xếp.

Đây là nguyên nhân quan trọng khiến dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng (đỉnh điểm là cuối quý II/2019 với gần 60.000 tỉ đồng), lớn nhất hệ thống ngân hàng trong nhiều quý liên tiếp gần đây.

Vấn đề là, trong bối cảnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hàng năm bị giới hạn bởi Ngân hàng Nhà nước, việc tăng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp để phục vụ việc thu xếp vốn cho Vingroup nói riêng và các doanh nghiệp lớn nói chung trong nhiều thời kì, đã khiến dư nợ cho vay của Techcombank không còn dư địa để tăng.

Rõ nhất là năm 2018, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank đã tăng gấp hơn 3 lần (từ 19.000 tỷỉđồng lên trên 58.000 tỉ đồng), sử dụng hết toàn bộ dư địa tăng trưởng tín dụng. Hết dư địa, dư nợ cho vay của ngân hàng này phải "ngậm ngùi" với mức giảm 0,6%.

Ngược lại, đến thời điểm kết thúc quý III/2019, nhờ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm tới 30% trong 9 tháng nên dư nợ cho vay của Techcombank mới có cơ hội tăng tới 28,4%. Do đó, tổng dư nợ tín dụng của Techcombank mới chỉ tăng chưa đến 13% trong 9 tháng năm nay, vẫn dưới giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao.

Tựu chung, dư nợ tín dụng của Techcombank phụ thuộc vào Vingroup xét trên cả khía cạnh dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. Sự phụ thuộc này tác động lớn đến quy mô cũng như cấu trúc dư nợ tín dụng - nguồn tài sản sinh lời chính của ngân hàng.

Một vấn đề gây lo ngại khác, là nếu như trong một năm, nhu cầu thu xếp vốn cho Vingroup lớn hoặc/và nhu cầu vay mua nhà của khách hàng đối với dự án Vingroup lớn thì dư địa cho vay ngoài Vingroup liệu còn được bao nhiêu? Và điều này có bền vững không?

Chẳng hạn, giới hạn tăng trưởng dư nợ tín dụng là 100 đồng nhưng riêng dư nợ dành để thu xếp vốn cho Vingroup cũng như để cho khách hàng vay mua nhà của Vingrop lên đến 70 đồng, thì dư nợ còn lại để phát triển các tệp khách hàng khác chỉ còn 30 đồng. Dư địa cho vay càng ít thì càng yếu thế trong cuộc chiến giành giật thị phần.

chọn
Hình ảnh tiến độ KCN hơn 2.300 tỷ đồng của Ecoland ở Hưng Yên
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 3 được thực hiện tại huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ và huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) có quy mô 159,7 ha với tổng vốn đầu tư là 2.310 đồng.