'Định hướng kinh doanh hiện tại của Techcombank đang tiềm ẩn nhiều rủi ro’

Chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cho rằng định hướng kinh doanh hiện tại của Techcombank đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, như việc cho vay nhiều trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt từ phân khúc cao cấp.

Tại Đại hội đồng cổ đồng thường niên do Ngân hàng thương mại cổ phần Kĩ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tổ chức, nhà băng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt được trong năm 2019 gần 321.000 tỉ đồng, lãi trước thuế trên 10.600 tỉ, tăng lần lượt 19,2% và 32,7% so với năm 2018.

2018 là năm thứ ba liên tiếp Techcombank đạt tăng trưởng dương về cả thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế, nếu không tính các khoản thu nhập bất thường.

Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này đến từ việc duy trì tăng trưởng tín dụng cao, tăng trưởng thu nhập dịch vụ tích cực và giảm chi phí dự phòng. Tuy nhiên, VDSC cũng dự báo định hướng kinh doanh hiện tại của Techcombank tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Techcombank có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hiện nay

So với mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn trong hai quý đầu năm, chỉ đạt 3,6%, cuối năm 2018, tăng trưởng tín dụng của Techcombank tăng mạnh lên mức 20%.

Nếu so sánh với các ngân hàng đang niêm yết, đến cuối quí IV/2018, nhà băng này dẫn đầu về về mức tăng trưởng tín dụng, chủ yếu nhờ danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 175% lên mức gần 60.000 tỉ đồng. Xếp sau Techcombank là TPB với 18,5%, HDB (mẹ) 18,3%, HDB (17,8%), VIB (17,6%)…

Định hướng kinh doanh hiện tại của Techcombank đang tiềm ẩn nhiều rủi ro’ - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2018, Techcombank có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong các ngân hàng niêm yết. (Đồ họa: Phúc Huy).

Nếu xét tổng dư nợ tín dụng (tính cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) thì tỉ trọng tín dụng cấp cho phân khúc bán lẻ có sự giảm nhẹ chỉ vài %. Về tăng trưởng huy động, huy động khách hàng tăng 17,8%, nhưng phát hành giấy tờ có giá giảm từ 17.640 tỷ còn 13.178 tỷ. Do đó, tổng huy động chỉ tăng trưởng 13,8% và hệ số LDR điều chỉnh tăng từ 96,8% lên 102,3%.

Điểm tích cực là Techcombank đang duy trì được tỉ lệ CASA (tiền gửi kg kì hạn) cao và tăng dần nhờ việc áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản online và phí quản lí tài khoản, nếu duy trì được số dư tối thiểu ở một mức nhất định.

Theo chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, nhờ tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh và NIM tăng nhẹ, nên thu nhập lãi thuần năm 2018 tăng 24,6%, là mức tương đối cao trong số các ngân hàng niêm yết.

Năm 2019, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13%, bằng với hạn mức được giao bởi Ngân hàng Nhà nước, và kì vọng sau khi hoàn thành tuân thủ Thông tư 41 về yêu cầu an toàn vốn theo Basel II thì có thể sẽ được giao thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Ngân hàng cũng nhắm tới việc phân phối 80% danh mục trái phiếu doanh nghiệp của mình cho khách hàng cá nhân, qua đó thu phí môi giới trái phiếu và dành thêm hạn mức tín dụng để cho vay khách hàng.

"Chúng tôi cho rằng nếu Techcombank có thể cân đối hiệu quả danh mục cho vay và trái phiếu của mình, thì ngân hàng có thể tận dụng tốt hơn hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao cũng như nâng cao lợi suất tài sản có", đại diện Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cho biết.

Định hướng kinh doanh của Techcombank tiềm ẩn rủi ro

VDSC đánh giá Techcombank đã tương đối thành công khi tập trung vào tăng doanh thu thông qua mở rộng cơ sở khách hàng, tăng số sản phẩm cung cấp cho khách hàng, và giảm chi phí giao dịch.

"Chúng tôi nhận thấy Techcombank có tiềm năng tăng trưởng cao về bancassurance và phí dịch vụ trái phiếu, cũng như có khả năng sinh lời tốt", đại diện VDSC cho biết.

Định hướng kinh doanh hiện tại của Techcombank đang tiềm ẩn nhiều rủi ro’ - Ảnh 2.

Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 của Techcombank.

Cụ thể, năm 2018, động lực tăng trưởng phí dịch vụ của nhà bằng này chủ yếu đến từ phí bảo lãnh phát hành chứng khoán và môi giới kinh doanh chứng khoán, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, chiếm 35,3% thu nhập dịch vụ. Thu nhập từ các sản phẩm bảo hiểm  đạt 722,5 tỉ, tăng 41% so với năm 2017, chiếm 20,4% thu nhập dịch vụ.

Trước đó, Techcombank cũng tuyên bố dẫn đầu thị trường trong một số lĩnh vực của mảng bán lẻ như bảo hiểm, chiếm 21% thị phần phí, môi giới trái phiếu doanh nghiệp chiếm 81% thị phần, và khối lượng giao dịch thẻ VISA, góp phần thúc đẩy tăng trưởng phí dịch vụ của ngân hàng.

Tuy nhiên, theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, đóng góp một phần khá lớn cho mức tăng trưởng thu nhập cao của năm 2017 và 2018 của Techcombank nhờ các khoản lợi nhuận không thường xuyên, đến từ việc thoái vốn và kí kết hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền.

"Định hướng kinh doanh hiện tại của Techcombank đang tiềm ẩn nhiều rủi ro tập trung như việc cho vay nhiều trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả đầu tư trái phiếu của chủ đầu tư và cho vay mua nhà đối với cá nhân, đặc biệt là phân khúc cao cấp", chuyên gia của VDSC nhận định.

Năm 2019, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 10,2%. Tuy đây là mục tiêu tương đối khiêm tốn, nhưng nếu không tính khoản lợi nhuận không thường xuyên từ bán công ty tài chính năm 2018 thì mục tiêu tăng trưởng so với năm trước là 20,3%.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.