Sau khi các "ông lớn" ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước báo lãi khủng kết thúc năm tài chính 2019, từ 23 tháng Chạp đến nay, một loạt nhà băng khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh với mức lãi đạt được cao nhất trong lịch sử hoạt động của mình. Trong nhóm ngân hàng vừa công bố lợi nhuận, có thêm 2 nhà băng gia nhập "câu lạc bộ" lãi trên 10.000 tỉ đồng là Techcombank và VPBank.
Nổi bật nhất trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2019 các nhà băng vừa công bố là Techcombank và VPBank. Năm qua, hai ngân hàng này đã ghi nhận lãi kỉ lục, và cùng với Vietinbank, BIDV, Agribank, MBBank ghi tên vào danh sách những ngân hàng lãi trên 10.000 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 do Techcombank vừa công bố cho biết, năm qua, ngân hàng này lãi trước thuế 12.838 tỉ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2018.
So với con số đặt ra hồi đầu năm là 11.750 tỉ đồng, ngân hàng đã vượt gần 10% mục tiêu lãi trước thuế theo kế hoạch. Kết quả này giúp Techcombank vượt mặt cả Vietinbank, vươn lên vị trí thứ hai về lợi nhuận, và chỉ đứng sau quán quân Vietcombank là ngân hàng đầu tiên có lợi nhuận vượt mốc 1 tỉ USD.
Báo cáo tài chính của Techcombank cho biết năm 2019, ngân hàng tăng trưởng tốt nhờ thu nhập thuần, chứng khoán và hoạt động kinh doanh khác.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 25%, đạt 14.258 tỉ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 64%, đạt gần 1.244 tỉ đồng. Chứng khoán kinh doanh mang về 398 tỉ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kì.
Nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 917 tỉ đồng, tương đương mức giảm gần một nửa so với năm ngoái, nên lãi của Techcombank tăng trưởng đến 20%.
Tính đến cuối năm 2019, tỉ lệ nợ xấu của Techcombank giảm từ 1,75% xuống còn 1,33%. Tổng tài sản của ngân hàng tính đến ngày 31/12/2019, đạt 383.699 tỉ đồng, tăng 19,5%.
VPBank cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019. Lợi nhuận trước thuế cả năm ngân hàng này đạt được là 10.334 tỉ đồng, vượt 9% kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2018. Trong đó, đóng góp 57% lợi nhuận trước thuế đến từ ngân hàng mẹ, phần còn lại chủ yếu từ mảng tài chính của FE Credit.
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất trong năm của VPBank đạt 36.356 tỉ đồng, tăng 20%. Tăng trưởng tín dụng đạt 18%, cao hơn so với tăng trưởng trung bình toàn hệ thống. Tăng trưởng huy động đạt gần 30.500 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2018.
Tính đến cuối năm 2019, tỉ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank là 2,95%. Riêng nợ xấu tại ngân hàng mẹ giảm từ 4,01% xuống còn 2,18%, nhờ tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu hơn 3.100 tỉ tại VAMC còn lại trong năm 2019.
Như vậy, đến thời điểm này, đã có thêm 2 nhà băng là Techcombank và VPBank gia nhập "câu lạc bộ" ngân hàng lãi trên 10.000 tỉ đồng. Các ngân hàng còn lại trong danh sách là Vietinbank với lợi nhuận riêng lẻ ước đạt gần 11.500 tỉ đồng, BIDV với 10.768 tỉ đồng, MBBank 10.000 tỉ đồng.
Agribank dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2019, nhưng 11 tháng đầu năm, "ông lớn" này đã lãi 11.700 tỉ đồng, vượt kế hoạch năm hơn 6%.
Nhóm các ngân hàng còn lại cũng đã có một năm kinh doanh đạt kết quả ấn tưởng, với lãi thu được cao nhất từ trước đến nay.
Tại VIB, ngân hàng này vừa công bố báo cáo tài chính, cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt 4.082 tỉ đồng, tăng trưởng 49% so với năm 2018.
Năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 8.114 tỉ đồng, tăng 33% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu dịch vụ tăng gấp 2,4 lần, chiếm tỉ trọng 22% tổng doanh thu. Chi phí hoạt động đạt 3.428 tỉ đồng, tỉ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu đạt mức 42%.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của VIB đạt gần 185.000 tỉ đồng, tăng 33% so với hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu giảm từ 2,2% hồi đầu năm xuống còn 1,7% và không có nợ VAMC.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính, nhưng Sacombank cũng đã ước đạt kết quả kinh doanh năm 2019 tại Hội nghị tổng kết năm vừa tổ chức hôm 20/1.
Lãnh đạo Sacombank cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 dự kiến đạt gần 3.200 tỉ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản Sacombank đạt 457.000 tỉ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413.000 tỉ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỉ đồng và tỉ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 1,75%.
Tương tự, mới đây, lãnh đạo ACB cũng đã hé lộ mức lãi ngân hàng đạt được trong năm 2019. Theo đó, lãi trước thuế năm 2019 của ACB ước đạt 7.516 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2018.
Nhóm các ngân hàng có lợi nhuận từ 3.000 tỉ đồng trở lên tính đến nay còn có TPBank và OCB. Báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ của TPBank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2019 ước đạt trên 3.868 tỉ đồng, tăng đến 71% so với năm 2018 và vượt hơn 21% kế hoạch.
OCB báo lãi trước thuế năm 2019 ước trên 3.200 tỉ đồng, tăng gần 50% so với năm ngoái. Đây là năm thứ ba liên tiếp ngân hàng này có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch.
LienVietPostBank cho biết lợi nhuận trước thuế ước đạt năm 2019 vượt mốc 2.000 tỉ đồng, đây là mức cao nhất kể từ ngày thành lập ngân hàng đến nay. Mức tăng trưởng lợi nhuận của LienVietPostBank năm 2019 lên đến gần 70%.
Kết thúc năm 2019, tổng tài sản LienVietPostBank dự kiến đạt trên 200.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt trên 140.000 tỉ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 đạt trên 165.000 tỉ đồng.
Tại SeABank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2019 của ngân hàng ước đạt hơn 1.390 tỉ đồng đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2018.
Nam A Bank cũng có lợi nhuận trước thuế năm 2019 tăng hơn 61% so với năm 2018, ước 925 tỉ đồng, vượt 16% so với kế hoạch.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2019, cho biết lãi trước thuế cả năm 2019 đạt 1.274 tỉ đồng, tăng 34% so với năm 2018. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản ABBank đạt 102.620 tỉ đồng, tăng 14% so với cuối năm trước.
Với nhóm ngân hàng này, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm qua đều trên hai con số, nhiều ngân hàng tăng trưởng hơn 40% và lợi nhuận đạt được hầu như đều cao nhất từ trước đến nay.