Tín dụng bất động sản tăng

Tín dụng bất động sản đã tăng 0,23% so với cuối năm 2023. Cùng với chứng khoán, đây là hai ngành ghi nhận tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều giảm.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 14/3, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao đến ngày 29/2 vừa qua tín dụng nền kinh tế đã giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

Mức giảm ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, có hai lĩnh vực tăng trưởng trong hai tháng đầu năm, đó là bất động sản và chứng khoán. Theo đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 0,23%, chứng khoán tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trình bày báo cáo. (Ảnh: VGP).

Lý giải nguyên nhân khiến tín dụng tín dụng hai tháng đầu năm tăng trưởng âm, bên cạnh nguyên nhân khách quan như yếu tố thời vụ, đại diện NHNN cho biết cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện ở mức thấp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động nên không có nhu cầu vay vốn, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu. 

Về bất động sản, tín dụng lĩnh vực này chiếm khoảng 21% tín dụng chung. Tín dụng bất động sản khi tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm theo.

Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội như quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá… còn nhiều vướng mắc. Số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp.

Về phía các ngân hàng, NHNN cho rằng một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng; quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Bên cạnh đó, huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... nên khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ Tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Sẽ đối thoại trực tiếp với các tập đoàn có dự án lớn

Cũng tại hội nghị, đại diện NHNN cho biết thời gian tới sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và thực tiễn thị trường; sửa đổi đồng bộ các Thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để đồng bộ với các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2024.

Mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế sẽ từng bước điều chỉnh giảm, đảm bảo hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Về việc triển khai các chương trình, gói tín dụng, thời gian tới NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ ngành có liên quan triển khai gói 120.000 tỷ, chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, xăng dầu, dự án, công trình giao thông trọng điểm, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn.

Ngân hàng sẽ phối hợp với các cơ quan địa phương, các Hiệp hội, Tập đoàn có các dự án lớn đối thoại trực tiếp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận thông tin, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định.

Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát, tập trung vào chất lượng tín dụng, cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; khách hàng và người có liên quan, nhóm khách hàng lớn; ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, cổ đông; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.