Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 6,75% so cuối 2022.
Trong đó, tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36%, tăng 22% so với cuối năm ngoái. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm 64%, giảm 0,7%.
Ngân hàng Nhà nước lý giải, tín dụng dành cho các chủ đầu tư tăng mạnh là nhờ các giải pháp của ngành ngân hàng, của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong thời gian vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, qua đó tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng.
Nhìn lại giai đoạn 2017 - 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19), tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng trưởng trên 20%/năm; cao hơn mức độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13 - 14%) và giữ tỷ trọng 18 - 19% trong tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế.
Giai đoạn 2020 - 2021, dưới tác động của đại dịch, dư nợ tín dụng bất động sản vẫn có sự tăng trưởng tuy nhiên ở mức thấp hơn những năm trước (năm 2020 tăng 12,06%, năm 2021 tăng 15,37%).
Nhiều khả năng 2023 sẽ là năm chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng bất động sản thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Xét theo tỷ trọng nói trên, đến cuối tháng 10, khoản tín dụng mà các ngân hàng cấp cho các chủ đầu tư dự án đạt xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, cả tỷ trọng và quy mô của phân khúc này đều tăng mạnh. Cuối năm trước, quy mô cho vay kinh doanh bất động sản đạt khoảng 803.000 tỷ đồng, chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.
Theo quan sát, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc công bố được ngân hàng giải ngân hoặc cam kết tài trợ vốn triển khai dự án với số tiền lớn.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) vừa cam kết vô điều kiện, không hủy ngang, thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận trong trường hợp công ty con này không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) theo quy định tại các văn kiện tín dụng được ký kết giữa hai bên.
Khoản vay của Delta - Valley Bình Thuận tại MB có giá trị giải ngân tối đa 10.000 tỷ đồng tại mọi thời điểm và dư nợ tối đa 6.000 tỷ đồng tại mọi thời điểm.
Mục đích Delta - Valley Bình Thuận vay để thanh toán tiền sử dụng đất, nhu cầu đầu tư, xây dựng và phát triển dự á Tổ hợp khu du lịch Thung lũng Đại Dương (tên thương mại là NovaWorld Phan Thiet).
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, Mã: BID) và CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, Mã: SCR) mới đây đã ký Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án Cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng (46 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Theo nội dung hợp tác, BIDV chi nhánh Mỹ Đình sẽ tài trợ vốn cho dự án TTC Plaza Đà Nẵng do TTC Land là đơn vị phát triển và công ty con CTCP Thương mại Nguyễn Kim Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Khu phức hợp này gồm hai tòa tháp cao 18 tầng với 4 sàn thương mại, 126 căn hộ du lịch, 150 phòng khách sạn và hơn 30.000 m2 sàn văn phòng cho thuê.
Cũng trong tháng 12, CTCP Xây dựng Central cùng Tập đoàn Danh Khôi vừa tái khởi động dự án Astral City tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 6.700 tỷ đồng, bao gồm hai dự án thành phần Astral City 1 (19.278 m2) và Astral City 2 (18.066 m2), được Danh Khôi Holdings mua lại từ CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) vào năm ngoái.
Ông Trần Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Central chia sẻ tại lễ tái khởi động dự án: "Trải qua các giai đoạn kinh tế nhiều biến động vừa qua, chủ đầu tư đã nỗ lực kiện toàn các hồ sơ pháp lý và tài chính cho dự án, cùng với đó là sự hẫu thuận mạnh mẽ từ VPBank".
Trước đó, giữa tháng 11, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) đã ký kết hợp tác toàn diện với mục đích tài trợ tài chính cho chủ đầu tư và khách hàng tại các dự án của Phát Đạt.
Cụ thể, MB Bank sẽ cung cấp giải pháp tài chính toàn diện liên quan đến dự án với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và khách hàng sở hữu sản phẩm tại Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và Thuận An 2 (Bình Dương). Hai dự án này có tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ đầu năm 2024.
Theo ông Hà Trọng Khiêm, Phó Tổng Giám đốc MB Bank, ngân hàng đánh giá cao những nỗ lực của Phát Đạt trong giai đoạn thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn vừa qua. Trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt, MB Bank hoàn toàn tin tưởng vào uy tín và năng lực của chủ đầu tư Phát Đạt với một dự án hoàn thiện về pháp lý, phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng.
Sự hợp tác giữa MB Bank và Phát Đạt tại dự án nói trên là bước khởi đầu cho những dự án tiếp theo mà hai bên đang thảo luận như dự án Khu đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định) hay dự án tại 223 Trần Phú (Đà Nẵng)…
Ông Nguyễn Quang Tín, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) cũng vừa cho biết công tác thu xếp vốn của doanh nghiệp hiện đang tiến triển tốt. Cụ thể, hai dự án trọng điểm là Khu đô thị DIC Nam Vĩnh Yên City Vĩnh Phúc (191 ha) và Khu đô thị DIC Wisteria City Đồng Nai (332 ha) đã cơ bản hoàn thành thu xếp hạn mức vay vốn. HĐQT công ty đã thông qua chủ trương vay vốn tại BIDV với tổng hạn mức vay 2.000 tỷ đồng.