GS.TS. Trần Ngọc Thơ. (Ảnh: Báo Tài chính - Đầu tư).
Bàn luận về cơ chế đặc thù và dòng vốn cho ngành địa ốc tại diễn đàn do Đài Hà Nội tổ chức ngày 9/4, GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP HCM đã chỉ ra "3 thứ bệnh của người già" mà thị trường bất động sản Việt Nam đang mắc phải.
"Để giải quyết vấn đề thì phải bắt đúng bệnh. Nghe rất đơn giản nhưng để bắt đúng bệnh thì không đơn giản chút nào", ông Thơ nói.
Căn bệnh thứ nhất là huyết áp cao, thể hiện qua việc giá nhà đang quá cao. Theo chuyên gia, người dân phải mất hàng trăm năm mới có được nhà. Điều này nếu không xử lý thì sẽ rất nguy hiểm. Hiện nay, vấn đề này đang được xử lý bằng các nghị quyết của Quốc hội.
Căn bệnh thứ hai là cholesteron cao, thể hiện qua lượng hàng tồn kho bất động sản hiện quá lớn.
"Tài sản, nợ xấu tích luỹ là mảng xơ vữa trong hệ thống ngân hàng. Nó sẽ âm thầm gây ra đột quỵ tài chính. Vấn đề ở đây là ngoài bệnh nhân tự chữa thì cần bác sĩ tài khoá, tiền tệ phải dám bước ra vùng an toàn của mình. Cuối năm chúng ta sửa Luật Chứng khoán thì lại có nhiều rào cản cho doanh nghiệp", GS.TS Trần Ngọc Thơ nhận định.
Căn bệnh thứ ba là đường huyết cao, thể hiện qua cơ chế đặc thù và dòng vốn. Đây là 2 yếu tố mà ngành bất động sản đang phụ thuộc. Nếu phụ thuộc quá nhiều sẽ rất dễ nguy hiểm. Đặc biệt khi quá lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì thị trường có nguy cơ tắc nghẽn.
Ảnh minh họa: Hoàng Huy.
Tham gia phát biểu, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Nếu theo định hướng, chủ trương chính sách thì tín dụng nên tập trung vào sản xuất kinh doanh.
Hiện tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP HCM đạt 1,085 triệu tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
"Tăng trưởng lĩnh vực này còn cao hơn tăng trưởng tín dụng chung. Do vậy không có việc ngân hàng gây khó. Việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản giúp tạo lập nhà ở, thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng phát triển", ông Lệnh nói.
Vị này thông tin, tín dụng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái… tăng trưởng vẫn tốt. Khu công nghiệp tăng trên 2% hai tháng đầu năm; văn phòng, cao ốc, khu du lịch đều có tốc độ tăng trên 2% so với cuối năm 2024. Hành lang pháp lý vô cùng thuận lợi cho tín dụng ngân hàng, đây là điểm thuận lợi trong trung và dài hạn. Nếu một dự án đủ pháp lý thì ngân hàng đều sẵn sàng cho vay.
Riêng với phân khúc nhà ở xã hội, ông Lệnh chia sẻ vẫn còn vướng về pháp lý. Nếu dự án nào đủ pháp lý thì ngân hàng vẫn cho vay.
"Cho vay thông qua ngân hàng chính sách xã hội thì vẫn đáp ứng. Tuy nhiên, có điểm khó nhất là cho vay thông qua ngân hàng này phần lớn là người nghèo mà giá nhà thì cao.
Một người mua một căn hộ ở TP HCM giá thấp nhất là 1 tỷ mà vay 800 triệu thì rất khó khăn, dù lãi suất rất thấp. Do vậy, với việc tăng điều kiện về thu nhập lên dưới 30 triệu với hai vợ chồng, dưới 15 triệu với một cá nhân thì sự điều chỉnh này có ý nghĩa rất lớn", Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho hay.
Với nhà ở thương mại, vị này cho biết các ngân hàng thương mại vẫn cho vay phân khúc này. Nếu người dân vay mua nhà để ở thì sẽ thực hiện đúng chủ trương cho vay nhà ở gắn với người trẻ dưới 35 tuổi.