Theo báo cáo của Knight Frank, trong vòng 5 năm tới Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia có số lượng người siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Báo cáo dự đoán số người có khối tài sản ròng trên 30 triệu USD ở Việt Nam vào năm 2024 sẽ đạt 753 người, với tốc độ tăng trưởng 64%. Đây là mức tăng trưởng cao thứ 3 trong bảng thống kê dân số siêu giàu (UHNWI), sau Ấn Độ 73% và Ai Cập là 66%.
Theo Knight Frank, trong năm 2019, Việt Nam có 458 sở hữu tài sản ròng trên 30 triệu USD, tăng 7% so với một năm trước đó.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết Việt Nam có 5 tỉ phú vào cuối năm 2019. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 6 vào năm 2024. Trong khi đó, trong năm ngoái Việt Nam ghi nhận 25.727 triệu phú, tăng 12% so với năm 2018.
Báo cáo của Knight Frank được dựa trên cuộc khảo sát vào tháng 10 và tháng 11/2019, với 620 chủ ngân hàng tư nhân và cố vấn tài sản, quy mô trải rộng trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Thật thú vị khi thấy sự giàu có đang phát triển trên khắp châu Á, với số lượng người siêu giàu đang gia tăng nhanh chóng ở Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia", ông Liam Bailey, người đứng đầu nghiên cứu toàn cầu của Knight Frank, nói.
Các quốc gia khác được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất trong giới siêu giàu, có thể kể đến như Trung Quốc, Indonesia, Tanzania, Thụy Điển, Romania, New Zealand và Malaysia.
Năm 2019, dân số siêu giàu của thế giới là 513.244 người, tăng 6,4% so với năm trước. Dự báo con số này sẽ tăng lên 27% trong 5 năm tới, đạt 649.331 người.
Hiện Mỹ vẫn đang là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng với 240.575 người siêu giàu, nhiều hơn cả châu Âu và châu Á cộng lại, chiếm gần một nửa tổng số người siêu giàu trên toàn cầu.
Trung Quốc đứng thứ hai với 61.587 người, tiếp theo là Đức 23.078 người và ở Pháp là 18.776 người siêu giàu.
Theo báo cáo mới nhất của Wealth-X, Việt Nam đứng thứ hai, sau Bangladesh, là một trong 10 nền kinh tế có mức độ tăng trưởng giới siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn từ 2010 - 2019.
Wealth-X đã công bố bảng xếp hạng trong báo cáo của mình với tựa đề "Một thập kỉ giàu có".
Báo cáo nhìn lại sự tăng trưởng của số người giàu trên toàn cầu trong vòng một thập kỉ qua, đồng thời đưa ra dự báo những xu hướng sẽ giúp định hình sự tăng trưởng trong tương lai.
Cả Việt Nam và Bangladesh đều chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, được thúc đẩy bởi lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng trong chuỗi cung ứng sản xuất khu vực.
Số người siêu giàu cũng tăng trưởng nóng ở hầu hết các quốc gia châu Á trong thập kỉ qua. Có tới 6/10 quốc gia châu Á góp mặt trong danh sách này.
Wealth-X chỉ ra rằng những cá nhân giàu có - những người có tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên, đang kiểm soát 1/3 tài sản tư nhân toàn cầu, với 104 nghìn tỉ USD trong năm 2019.
Báo cáo của Wealth-X nhận định, lĩnh vực công nghệ sẽ tạo ra một bước đột phá mạnh mẽ trong những năm tới, trong khi ngân hàng, kinh doanh và dịch vụ tiêu dùng là những lĩnh vực có số người siêu giàu nhiều nhất trong thập kỉ trước.
Wealth-X giải thích tỉ lệ người siêu giàu trong giới công nghệ có thể tăng cao bởi các doanh nghiệp công nghệ đang vượt qua khủng hoảng Covid - 19 tốt hơn so với các ngành nghề truyền thống khác.