Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chính thức ra mắt dịch vụ cao cấp chuyên biệt dành riêng cho nhóm khách thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.
Dịch vụ này có tên gọi là MB Private, nhà băng khẳng định: "Sẽ tập trung vào những khách hàng Việt sở hữu khối lượng tài sản khổng lồ", từ 1 triệu USD, tức tương đương hơn 23 tỉ đồng trở lên.
MB đã hợp tác với Bordier & Cie (Bordier), tổ chức tạo nền móng cho sự phát triển của Private Banking tại Thụy Sĩ, để phát triển dịch vụ cho giới siêu giàu tại Việt Nam. Bordier đã hỗ trợ MB trong việc cố vấn chuyên môn, hỗ trợ xây dựng quy trình vận hành, tổ chức đào tạo cho các chuyên gia và kết nối mạng lưới các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu thế giới.
Nhà băng này cho biết các "thượng đế" siêu giàu tại Việt Nam khi sử dụng dịch vụ sẽ được phục vụ một hệ thống giải pháp, gồm dịch vụ ngân hàng, các giải pháp đầu tư, bảo hiểm và tín dụng, hoạch định tài sản, và đặc biệt là dịch vụ quốc tế chuyên biệt đặc quyền.
Khách hàng có thể tiếp cận với các dịch vụ chuẩn quốc tế thông qua mạng lưới đối tác hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, định cư di trú, hay lập kế hoạch tài chính.
"Mỗi khách hàng của MB Private sẽ được đồng hành bởi một Giám đốc tư vấn quản lí tài sản tận tâm được đào tạo bài bản, đóng vai trò cầu nối giữa khách hàng và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hỗ trợ họ trên hành trình thực hiện các mục tiêu đặt ra", MB khẳng định.
Với mục tiêu phục vụ giới siêu giàu, ngân hàng cho rằng dịch vụ này sẽ vượt xa tiêu chuẩn của ngân hàng truyền thống, "giúp khách hàng tận hưởng phong cách sống đẳng cấp xứng tầm" và chuyển giao tài sản cho các thế hệ kế nhiệm.
Dịch vụ ngân hàng đẳng cấp với các giải pháp chuyên biệt dành cho giới siêu giàu vốn không còn xa lạ với các nước phát triển như Mỹ, Canada, Anh, hay ngay cả tại một số quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Tại Việt Nam, số ngân hàng "nhắm" vào nhóm "thượng đế" này vẫn chưa nhiều. Các dịch vụ quản lí tài chính và tư vấn hiện có chưa cho thấy hiệu quả do vẫn còn hoạt động đơn lẻ. Vì vậy, đây có thể được xem là mảnh đất mới hấp dẫn để các nhà băng nhảy vào.
Đáng chú ý, mảnh đất này lại càng màu mỡ, khi kinh tế Việt Nam những năm gần đây đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng những cá nhân, gia đình sở hữu lượng tài sản đủ lớn để được liệt kê vào tầng lớp nói trên.
Theo Báo cáo Thịnh vượng 2019 (Wealth Report 2019) của Tập đoàn tư vấn Knight Frank, đến quý I/2019, Việt Nam có đến 142 người siêu giàu. Báo cáo uy tín này cũng dự báo trong 5 năm tới, nhóm người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 186 người, tức tăng khoảng 31%.
Đây là tốc độ tăng trưởng người siêu giàu thuộc nhóm nhanh hàng đầu thế giới, và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình chung. Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan chỉ được dự báo ở mức lần lượt là 22% và 29%.
Báo cáo cũng thể hiện số triệu phú USD của Việt Nam trong năm 2018 là 12.327 người, tăng 5% so với năm trước đó. Đến năm 2023, con số này được dự báo lên tới 15.776 người, với tốc độ tăng 28%.
Tốc độ tăng trưởng nhóm người giàu tại Việt Nam cũng được dự báo sẽ tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu trên thế giới trong vòng 5 năm tới. Điều này cho thấy, tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam sẽ là khách hàng tiềm năng cho các nhà băng.
Ngay cả MB, ngân hàng này cũng khẳng định, dịch vụ phục vụ riêng nhóm siêu giàu là một nước đi táo bạo, bởi những khách hàng thuộc phân khúc rất "khắt khe" nhưng ngược lại, thị trường rất tiềm năng.
"Với những 'đặc quyền' cho khách hàng sử dụng, sẽ không khó để MB Private sớm chinh phục và làm chủ thị trường, mở đường cho sự phát triển của ngành Private Banking tại Việt Nam", nhà băng cho biết.