Việt Nam lại vừa có thêm 1 tỉ phú đôla

Theo danh sách cập nhật thời gian thực của tạp chí Forbes, ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang đã trở lại danh sách tỉ phú thế giới.

Với cập nhật này, hiện Việt Nam đang có 5 tỉ phú đô la, theo thống kê của Forbes.

Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỉ phú thế giới

Theo cập nhật mới nhất của Forbes tính đến 5h chiều ngày 19/5, tổng tài sản ròng của ông Nguyễn Đăng Quang đã tăng 8 triệu USD lên 1,1 tỉ USD, chính thức đưa Chủ tịch Masan quay trở lại danh sách tỉ phú thế giới.

Trước đó, trong danh sách tỉ phú thế giới được Fobes công bố hồi đầu tháng 4/2020, ông Nguyễn Đăng Quang đã rớt khỏi bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh, với khối tài sản dưới 1 tỉ USD.

Việt Nam lại vừa có thêm 1 tỉ phú thế giới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỉ phú thế giới. (Nguồn: Forbes).

Năm 2019, ông Quang lần đầu tiên góp mặt trong danh sách tỉ phú thế giới với khối tài sản tương đương 1,3 tỉ USD, xếp thứ 1.717. Tuy nhiên, ông chủ Masan đã rớt khởi danh sách này sau biến động cổ phiếu Masan khi sáp nhập mảng bán lẻ của Tập đoàn Vingroup cuối năm 2019.

Với sự quay lại của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, hiện Việt Nam đang có 5 tỉ phú thế giới, trong đó Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng trị giá 6 tỉ USD. Xếp thứ hai là CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu 2,3 tỉ USD tài sản.

Tiếp theo là Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình với tài sản ròng ước đạt 1,5 tỉ USD. Và với 1,2 tỉ USD tài sản sở hữu Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng góp mặt trong danh sách này.

Forbes từng cho biết phương pháp được lựa chọn để đánh giá quy mô tài sản của các doanh nhân là dựa vào giá cổ phiếu và tỉ giá hối đoái.

Mới đây nhất, trong phiên giao dịch ngày 14/5, khối ngoại đã bất ngờ mua hơn 39 triệu cổ phiếu của Masan (Mã: MSN). Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong phiên là hơn 2.470 tỉ đồng.

Tính đến cuối phiên giao dịch sáng hôm nay 20/5, giá cổ phiếu của MSN của Masan đạt 63.500 đồng/cổ phiếu, tăng 0,79%. 

Trong khi đó, sau thương vụ bán lẻ lịch sử với Vingroup vào cuối năm 2019, thị giá MSN thậm chí đã về vùng chưa đến 50.000 đồng/cổ phiếu so với mức 90.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2019.

Vì đâu tài sản ông chủ Masan tăng "nóng" trở lại?

Cuối tháng 4, Masan của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, trong đó cho thấy doanh thu quý đầu tiên của hệ thống Vincommerce đạt kỉ lục hơn 8.700 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kì năm ngoái.

Đây là tín hiệu khả quan ngoài mong đợi khi Vincommerce vừa được chuyển nhượng từ Tập đoàn Vingroup vào cuối năm 2019.

Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang không giấu được sự ngạc nhiên: "Tôi đã không nghĩ rằng Vincommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy".

Việt Nam lại vừa có thêm 1 tỉ phú thế giới - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2020 đã đưa ông chủ Masan trở lại danh sách tỉ phú thế giới. (Ảnh: MSN).

Cụ thể, 3 tháng đầu năm, Vincommerce mang lại 8.709 tỉ đồng doanh thu so với mức 6.206 tỉ đồng so với cùng kì, tương đương mức tăng 40%. Tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh số bán hàng trên cùng cửa hàng tại Hà Nội, các thành phố cấp 1 và cấp 2 đạt mức hai chữ số.

Ngoài ra, doanh thu của hệ thống này cũng tăng mạnh nhờ việc đưa vào hoạt động 27 siêu thị VinMart và 1.192 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trong năm 2019.

Liên quan đến các hoạt động kinh doanh chung của Tập đoàn Masan, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp này vẫn khá lạc quan khi dự báo tăng trưởng trong năm 2020 ở mức hai con số.

Trong đó với Vincommerce, Masan đặt mục tiêu đạt hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020. Ưu tiên hàng đầu là hợp lí hóa hiệu quả hoạt động, bao gồm giá vốn hàng bán, kho vận và chi phí phi thương mại. Mở cửa hàng mới một cách chọn lọc và đóng cửa các cửa hàng không đạt chỉ tiêu về lợi nhuận.

Lĩnh vực Masan Consumer Holdings, Masan dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số, nhờ sự đóng góp của các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, đồ uống.

Đáng chú ý, doanh thu từ mảng Masan MEATLife được dự báo sẽ đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất, và dẫn đầu trong danh mục sản phẩm thịt chế biến. Với cuộc cách mạng thịt mát mà Masan là người đi đầu, hiện danh mục sản phẩm này đang chiếm tới 14% chi tiêu của người tiêu dùng Việt...

Có thể thấy trước tình hình kinh doanh khả quan trong dịch bệnh, Masan đã lấy lại được lòng tin của các nhà đầu tư, đưa giá cổ phiếu, giá thị trường của tập đoàn lên cao góp phần tăng khối tài sản ròng của ông chủ Nguyễn Đăng Quang.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.