Khi đại dịch Covid - 19 bùng phát trên khắp nước Mỹ vào đầu tháng 3, một giám đốc điều hành tại Thung lũng Silicon đã gọi cho nhà sản xuất các hầm trú ẩn an toàn Rising S Co. Ông muốn biết làm cách nào để mở cánh cửa bí mật tại một hầm ngầm trú ẩn trị giá hàng triệu USD của mình ở New Zealand.
"Vị giám đốc hãng công nghệ chưa bao giờ sử dụng hầm ngầm đó, và không thể nhớ cách mở khoá", Gary Lynch - Tổng giám đốc của Rising S Co nói. "Ông ấy muốn một mã xác nhận để mở cửa, và thắc mắc về nguồn cung năng lượng dưới đó, về các bình nước nóng, và hỏi xem liệu ông ấy có cần phải lắp thêm bộ lọc nước hay không khí hay không", Lynch cho biết.
Vị doanh nhân này đang điều hành một công ty công nghệ ở Silicon nhưng lại sống ở New York, nơi đã thành tâm chấn của đại dịch Covid - 19.
"Ông ấy đã rời Mỹ đến New Zealand để trốn tránh đại dịch đang xảy ra", Lynch nói và từ chối tiết lộ danh tính chủ sở hữu căn hầm trú ẩn trên, vì chính sách bảo mật.
"Theo như tôi biết thì hiện giờ ông ấy vẫn đang ở đó".
Trong nhiều năm nay, New Zealand đã được biết đến như vùng đất để trú ẩn an toàn trong ngày tận thế của giới nhà giàu ở Mỹ.
Nằm cách biệt so với đất liền, hơn 1.000 dặm ngoài khơi bờ biển phía nam của Australia, New Zealand hiện là quê hương của khoảng 4,9 triệu người. Quốc đảo xanh, sạch nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên, các chính trị gia thoải mái và chất lượng dịch vụ y tế hàng đầu.
Trong những tuần trở lại đây, đất nước này được ca ngợi đã phản ứng tốt trong đại dịch. Họ đã phong toả quốc đảo trong 4 tuần, và đã ghi nhận số ca nhiễm Covid - 19 bình phục tăng lên. Hiện cả nước ghi nhận 12 người chết vì Covid - 19. Trong khi đó, số người chết ở Mỹ là khoảng 40.000 người, tức cao gấp 50 lần so với New Zealand.
Theo Robert Vicino, người sáng lập Công ty Vivos chuyên xây dựng các hầm ngầm trú ẩn, có trụ sở đặt tại Califonia, cho biết hiện tập đoàn của ông đang sở hữu một căn hầm với sức chứa 300 người tại South Island, phía Bắc thành phố Christchurch, New Zealand.
Trong tuần qua, Robert Vicino đã nhận được 2 cuộc gọi từ khách hàng tiềm năng, mong muốn đặt hàng xây dựng bổ sung thêm những hầm trú ẩn trên đảo.
"Tại Mỹ, hơn chục gia đình đã chuyển đến một căn hầm bí mật của chúng tôi ở phía Nam Dakota với sức chứa 5.000 người", Robert nói. "Căn hầm đó là một căn cứ quân sự cũ bị bỏ hoang, rộng bằng 3/4 so với diện tích Manhattan".
Vivos cũng đã xây dựng một hầm trú ẩn có sức chứa 80 người ở bang Indiana, Mỹ, và đang tiến hành xây dựng một căn hầm khác đủ sức cho 1.000 người tới sinh sống tại Đức.
Trong khi đó, Rising S Co đã xây dựng khoảng 10 căn hầm tư nhân ở New Zealand trong nhiều năm qua. Mỗi căn hầm nặng khoảng 150 tấn, với chi phí từ 3 - 8 triệu USD, bao gồm đầy đủ tiện nghi, như phòng tắm sang trọng, phòng giải trí, trường bắn, phòng thể hình, nhà hát và phòng ngủ.
Một số người giàu ở Thung lũng Silicon đã di tản tới New Zealand khi dịch bệnh leo thang. Vào ngày 12/3, Mihai Dinulescu - một chuyên gia trong lĩnh vực tiền điện tử, đang quyết định bỏ lại tất cả và trốn chạy sang một đất nước xa xôi.
"Sự sợ hãi trong tôi thúc giục: Ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Vì tôi nghĩ họ có thể bắt đầu đóng cửa biên giới", người đàn ông 34 tuổi nói.
"Có một cảm giác thôi thúc tôi phải rời bỏ nước Mỹ".
Dinulescu thu dọn quần áo, để lại tất cả đồ đạc của mình ở Mỹ, và mua vé máy bay chuyến sớm nhất trong vòng 12h. Cựu sinh viên Đại học Harvard và vợ anh đã nhanh chóng có mặt trên chuyến bay kéo dài 7 tiếng đồng hồ để đến được Auckland.
Bốn ngày sau, New Zealand đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài. Dinulescu cho biết anh đã liên lạc với khoảng 10 người ở New Zealand, những người đã quyết định chuyển tới đây trước khi lệnh đóng cửa biên giới được ban hành.
"Rất nhiều bạn bè tôi, những nhà đầu tư mạo hiểm, đã không đủ thời gian kịp đáp chuyến bay cuối cùng tới New Zealand", Dinulescu kể.
Ngoài tiền điện tử, Dinulescu đang làm việc cho Ao Air - một công ty khởi nghiệp nhỏ đang thiết kế khẩu trang lọc khí, để cạnh tranh với N95. Đồng sáng lập công ty, Dan Bowden - một người New Zealand, cho biết khi dịch bệnh bắt đầu lan tràn ở Mỹ, ông đã nhận được các câu hỏi của hàng chục nhân viên, về quy định nhập cư tại đất nước ông.
"Một số người lo sợ sẽ không được cấp thị thực", Dan Bowden nói. "Thậm chí, một nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ còn hỏi liệu anh ta có gia tăng khả năng cư trú ở New Zealand hay không, nếu anh ta tăng cường đầu tư vào các startup ở đây.
Được biết, New Zealand đã triển khai chương trình cấp thị thực cho các nhà đầu tư nước ngoài, với chi phí khoảng 6 triệu USD trong khoảng thời gian 3 năm.
Tháng 8/2018, quốc đảo này cũng đã thông qua dự luật cấm người nước ngoài mua nhà tại Kiwi, một phần để ngăn chặn làn sóng những người Mỹ đang "ngấu nghiến" các bất động sản hàng đầu của đất nước.
"Đó là một trở ngại đối với các đại lí bất động sản hạng sang ở New Zealand", theo Graham Wall một nhà môi giới bất động sản, và cho biết trong những tuần gần đây, ông đã nhận được nửa tá cuộc gọi từ những đại gia ở Mỹ, với hi vọng mua được tài sản trên đảo.
"Tất cả bọn họ đều nói như kiểu New Zealand ngay bây giờ là nơi trú ẩn an toàn nhất trên thế giới", Graham nói. "Đó là một tin đồn tồn tại từ trước đại dịch Covid - 19, cho rằng quốc đảo này là một nơi trú ẩn an toàn trong ngày tận thế".
Trong những năm qua, nhiều đại gia Mỹ đã tìm cách sở hữu bằng được các bất động sản tại New Zealand, trong đó bao gồm nhà đầu tư tài chính Julian Robertson, đạo diễn phim Hollywood James Cameron và đồng sáng lập PayPal Holdings Peter Thiel. Một trong số ấy có tầm nhìn ra những ngọn núi phủ tuyết quanh năm, và có hầm trú ẩn an toàn, nhà môi giới bất động sản cho biết thêm.
Mặc dù không sở hữu biệt thự nào ở New Zealand, nhưng Dinulescu không có kế hoạch quay trở lại Mỹ, cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Anh đang ở cùng vợ trong một căn nhà nghỉ có 3 phòng ngủ, 2 tầng với tầm nhìn hướng ra biển, có giá cho thuê khoảng 2.400 USD/tháng, thấp hơn khoảng 1/3 so với số tiền họ phải trả cho căn hộ 2 phòng ngủ ở San Francisco.
Cặp vợ chồng đã chọn Waiheke, với dân số khoảng 9.000 người, vì sự dễ mến của người dân ở đây. Được mệnh danh là Hamptons của New Zealand, hòn đảo này là nơi toạ lạc của những lâu đài hùng vĩ nhất thế giới, với các nhà máy sản xuất rượu vang nổi tiếng. Sir Graham Henry, cựu huấn luyện viên của đội bóng bầu dục All Blacks cũng đang sở hữu một ngôi nhà ở đó.
Perrin Molloy, một thợ xây dựng địa phương, người đã sống từ năm 11 tuổi trên đảo cho biết Waiheke là "vườn địa đàng" của các tỉ phú lắm tiền nhiều của. Molloy thường nhận được những hợp đồng sửa chữa bên trong các ngôi biệt thự lớn trên đảo, nhiều trong số đó gần như bị bỏ hoang quanh năm.
"Những căn biệt thự này được xây dựng để trở thành một thế giới riêng cho các tỉ phú giàu có, khi họ cần tránh xa những gì đang xảy ra ở thế giới ngoài kia", Molloy nói.
"Tại Waiheke, thông thường các kĩ sư xây dựng không biết danh tính của chủ ngôi biệt thự mà họ đang sửa sửa" Molloy cho biết thêm. Việc cải tạo các căn phòng trú ẩn là khá thường xuyên. Một trong những người đồng nghiệp của Molloy đã giúp xây dựng một ngôi nhà trị giá 12 triệu USD trong một vịnh riêng, ở đó có một đường hầm thoát hiểm dưới tầng hầm.
Sam Altman, cựu Chủ tịch của vườn ươm khởi nghiệp tại Thung lung Silicon, và là Giám đốc điều hành của OpenAI, chính là người đã giúp quảng bá danh tiếng của New Zealand như một điểm đến để nghỉ ngơi, an dưỡng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Người New York, ông cho biết rằng trong trường hợp xảy ra đại dịch, ông sẽ chuyển tới New Zealand.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, Sam Altman lại nói rằng: "New Zealand là một vùng đất đáng yêu. Nhưng tôi chưa nghe kể bất kì một trường hợp nào trốn chạy đến đó vì dịch bệnh. Chưa một đồng nghiệp hay bạn bè nào của tôi rời bỏ nước Mỹ vì virus".
Thay vào đó, Sam Altman cho biết ông đang tự cách li trong căn hộ của mình ở San Francisco, và thưởng thức Tiger King trên Netflix.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020