Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, ghi nhận khoản lỗ kỉ lục chưa từng thấy do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines chỉ đạt 18.813 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn bán hàng ghi nhận lên đến 19.445 tỉ đồng khiến trong kì, hãng lỗ gộp 632 tỉ đồng. Cùng kì năm ngoái, lãi gộp của Vietnam Airlines lên đến hơn 3.950 tỉ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính, lợi nhuận khác đi lên, Vietnam Airlines cũng tích cực giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp mới vừa giảm lần lượt 43% và 26% nhưng cũng không thể cứu vãn tình hình.
Kết quả, 3 tháng đầu năm, hãng hàng không quốc gia lỗ sau thuế 2.612 tỉ đồng. Trong khi đó, quý I/2019, hãng lãi sau thuế đến 1.212 tỉ.
Đáng chú ý, lợi nhuận ròng của Vietnam Airlines cả năm 2019 chỉ đạt hơn 2.500 tỉ. Như vậy, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2020, hãng đã ghi nhận khoản lỗ kỉ lục, cao hơn cả lợi nhuận cả năm 2019. Đây cũng là một trong những quý hiếm hoi Vietnam Airlines ghi nhận lỗ kể từ cuối 2016.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành từng cho biết doanh thu hợp nhất của tổng công ty 3 tháng đầu năm chỉ đạt 19.212 tỉ đồng và lỗ 2.383 tỉ. Những con số dự báo này tại thời điểm đó được xem là số lỗ "quá khủng", nhưng tại báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, số lỗ của Vietnam Airlines đã vượt dự tính của lãnh đạo tổng công ty.
So với đầu năm nay, tổng tài sản của Vietnam Airlines chỉ còn hơn 70.900 tỉ đồng, giảm khoảng 7%. Vốn chủ sở hữu giảm 14%, xuống còn hơn 15.900 tit đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh lỗ chưa từng thấy 3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines cho biết đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không, trong đó có tổng công ty.
Tổng doanh thu và thu nhập khác quý I/2020 của công ty mẹ giảm 32% so với cùng kì. Trong đó chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 29%, doanh thu bình quân của hành khách nội địa giảm hơn 29%, khách quốc tế giảm hơn 34%, doanh thu thuê chuyến giảm 49%.
Tốc độ giảm doanh thu cao hơn tốc độ giảm chi phí, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm mạnh gần 3.050 tỉ đồng.
"Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2020 giảm mạnh so với quý I/2019, ngoài nguyên nhân liên quan giảm lợi nhuận công ty mẹ, còn do lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vacs, Skypec, Viags…", Vietnam Airlines nhận định.
Từ đầu năm nay, hãng hàng không quốc gia đã giảm số lượng chuyến bay quốc tế sang khu vực Đông Bắc Á khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc. Sau đó là các chuyến bay sang Hàn Quốc khi nước này nổi lên là ổ dịch mới của châu Á sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines vẫn còn duy trì bay nội địa và một số đường bay quốc tế khác. Hoạt động của doanh nghiệp chỉ gần như ngưng trệ hoàn toàn từ ngày 1/4, khi chỉ còn thực hiện một số chuyến bay mỗi ngày nối Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Những ngày thực hiện cách li xã hội, số chuyến bay các hãng được phục vụ chỉ chiếm 1-2% so với trước đây. Do đó, dự báo, quý II/2020, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines cũng sẽ kém khả quan.
Báo cáo của Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho biết, khả năng xấu nhất, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước giảm 72.411 tỉ và lỗ đến 19.651 tỉ đồng trong năm nay, so với kết hoạch vì dịch bệnh Covid-19.
CEO Dương Trí Thành cho biết trong quá trình hoạt động, chưa bao giờ Vietnam Airlines phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động, với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác.
Đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỉ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.
Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020.
Trước những áp lực lớn đang đối mặt, Vietnam Airlines cho biết nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho doanh nghiệp và các công ty con vay, ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trước tình hình kinh doanh khó khăn và vòng vây nợ nần, tại báo cáo tài chính hợp nhất 2019 đã kiểm toán do Vietnam Airlines công bố hồi đầu tháng 4, hãng cho biết đã kí hợp đồng bán 5 máy bay A321, với tổng giá trị thanh lí hơn 37 triệu USD. Công ty đang thực hiện bàn giao các máy bay và dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2020.
Theo Tổng giám đốc Dương Trí Thành, với quy mô như hiện nay, sau dịch bệnh mà kinh doanh tốt, các cơ chế đảm bảo thì cũng phải mất 5 năm Vietnam Airline mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020