Chiều nay, 16/4, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn lớn như BRG, Vingroup, Vietnam Airlines, T&T, TH đã cùng tham gia hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thủ đô.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp chia sẻ đang gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 và cùng đưa ra nhiều kiến nghị để chính quyền thành phố cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Tập đoàn BRG - bà Nguyễn Thị Nga cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tập đoàn đã bị thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, BRG vẫn còn tồn 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu.
Trước tình hình của dịch bệnh, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, bà Nguyễn Thị Nga đề nghị thành phố cử lực lượng công an, dân phòng các phường đến hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng, vì người dân đến mua hàng rất đông. Chủ tịch BRG còn đề nghị cấp giấy phép lưu thông, giao dịch hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại; cho phép các doanh nghiệp của tập đoàn được thi công, cải tạo để nâng cấp các điểm bán hàng thiết yếu; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa.
Bà Nga đề nghị nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân gold, nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng.
Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga cũng muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu giảm thuế cho doanh nghiệp lên tới 50%, áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm 50%; miễn thuế sử dụng đất...
Với hàng không, Tổng Giám đốc Vietnam Airline Dương Trí Thành cho biết sau 2 tuần giãn cách xã hội toàn quốc, lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn có 2-5% năng lực.
Theo ông Thành, với quy mô như hiện nay, sau dịch bệnh mà kinh doanh tốt, các cơ chế đảm bảo thì cũng phải mất 5 năm Vietnam Airline mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.
Theo ông Thành, các gói hỗ trợ cũng cần có lộ trình, thứ tự những ngành nào mang tính chất dẫn đường thì cần phải được ưu tiên trước, bởi có những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bị ảnh hưởng 1-2 năm, nhưng cũng có doanh nghiệp phải mất 3-4 năm.
Thiệt hại nhiều nhất là Vingroup. Lãnh đạo tập đoàn chia sẻ hoạt động sản xuất công nghiệp ô tô, xe máy, điện thoại... đều gặp khó khăn, thiếu linh kiện, phụ tùng nên ngưng trệ sản xuất, thiệt hại trên 10.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch giải trí, nghỉ dưỡng hầu hết đóng cửa, không hoạt động, gây thiệt hại khoảng 3.000 tỉ đồng.
Vingroup đề nghị Trung ương kéo dài gia hạn thời hạn nộp thuế khoảng 1 năm, miễn tiền thuế đất năm 2020 đối với các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, thông tin các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bị ảnh hưởng rất lớn vì đại dịch Covid-19.
Theo ông Hiển, doanh nghiệp gặp khó khăn hiều nhất là về vấn đề thị trường, do chỉ tập trung tại một số thị trường trong nước và nước ngoài. Trong khi những thị trường này lại bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch.
Chủ tịch T&T kiến nghị Hà Nội có các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, với các bước, tiêu chí, quy trình hướng dẫn cụ thể, nhanh, đúng, trúng và kịp thời. Nếu sự hỗ trợ chậm trễ thì rất nghiêm trọng.
Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận, cảm ơn những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những đánh giá, động viên về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.
Ông cam kết cam kết Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch, trên nguyên tắc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu; làm tiền đề cho sản xuất kinh doanh và phục hồi, phát triển kinh tế.
Đối với các ý kiến của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy giao UBND Hà Nội giải quyết ngay đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền.
Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội, Hà Nội sẽ tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc của Thủ tướng với Hà Nội, dự kiến vào tuần tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội như đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc "góp gió thành bão", từ các công trình của thôn, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP). Phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là công nghệ thông tin, sản xuất vật tư, thiết bị y tế... để vừa tạo cầu, vừa tạo cung cho doanh nghiệp.
Ông cho biết Hà Nội đã giao cho các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch tốt, vừa đảm bảo an toàn cho cho hoạt động của doanh nghiệp.
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2020 gấp 1,3 lần cả nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay với thành phố, thực hiện mục tiêu này.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020