Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP HCM sẽ bật dậy khôi phục kinh tế trong quý II

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ý chí của TP HCM về chống dịch là phải hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, để chuẩn bị làm sức bật khôi phục và tiếp tục phát triển. Đây là thời điểm để chuẩn bị chuyển qua giai đoạn mới: Sống chung với dịch nhưng không có dịch

3 tháng đầu năm, hơn 6.500 doanh nghiệp phá sản, tạm ngưng hoạt động

Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng quý I/2020 trên địa bàn, tại Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X diễn ra hôm nay, 16/4, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết 3 đã có hơn 6.500 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động, do không có khách hàng tiêu dùng. Con số này tăng 50% so với quý I năm trước.

Ông Liêm cho biết dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và TP HCM nói riêng.

Kết thúc quý I/2020, tổng sản phẩm TP HCM (GRDP) chỉ tăng 0,42% so với cùng kì (cùng kì tăng đến 7,6%). Mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kì năm trước. 

Hơn 6.500 doanh nghiệp tại TP HCM phá sản, tạm ngưng hoạt động trong 3 tháng đầu năm vì Covid-19 - Ảnh 1.

Hàng loạt cửa hàng đóng cửa, dừng kinh doanh trên đất vàng quận 1, quận 3. (Ảnh: Phúc Minh).

Chịu tác động mạnh nhất là khu vực dịch vụ, với mức giảm 1,2% so với cùng kì, trong khi khu vực này chiếm tỉ trọng hơn 60% cơ cấu GRDP của thành phố, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng trưởng GRDP thấp hơn nhiều so với quý I/2018.

3 tháng qua, lượng khách quốc tế đến TP HCM giảm kỉ lục với mức giảm 42%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1%, số vốn doanh nghiệp đăng kí mới giảm 15,7% so cùng kì, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt 1,05 tỉ USD, giảm gần 33% so với cùng kì.

Đáng chú ý, có hơn 6.500 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động, tăng hơn 50% so với cùng kì, do không có khách hàng tiêu dùng.

Chính vì kinh doanh khó khăn nên hoạt động thu ngân sách cũng chỉ đạt 88.241 tỉ đồng, giảm 8,6% so với cùng kì.

Tháng 3 là thời điểm ảnh hưởng từ dịch Covid-19 rõ rệt nhất. Mức thu ngân sách của thành phố trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 947 tỉ đồng, giảm 31% và chỉ đạt 57,9% so với mức thu trung bình thành phố phải thực hiện theo dự toán năm 2020, là 1.636 tỉ đồng mỗi ngày.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP HCM sẽ bật dậy khôi phục kinh tế trong quý II

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ý chí của TP HCM về chống dịch là phải hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, để chuẩn bị làm sức bật khôi phục và tiếp tục phát triển.

"Thời gian qua thành phố đã dồn lực cho chống dịch, nên giờ đây sức bật sẽ tốt cho kinh tế - xã hội, khi dịch giảm và được kiểm soát. Đây là thời điểm để chuẩn bị chuyển qua giai đoạn mới: Sống chung với dịch nhưng không có dịch", Bí thư Nhân nói.

Hơn 6.500 doanh nghiệp tại TP HCM phá sản, tạm ngưng hoạt động trong 3 tháng đầu năm vì Covid-19 - Ảnh 2.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP HCM sẽ bật dậy khôi phục kinh tế trong quý II. (Ảnh: TTBC TP HCM).

Bí thư Thành ủy cũng cập nhật thêm tuy một số lĩnh vực tăng trưởng thấp hoặc giảm, nhưng ngành sản xuất các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng. 

Theo đó, xuất khẩu tăng 7,5% so cùng kì, tương ứng tăng hơn 9,85 tỉ USD, chủ yếu là các ngành điện máy. Đối với 4 ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, điện tử tăng 11%, hoá chất tăng 8%.

"Đây là điều kiện để thành phố phục hồi sản xuất, thương mại từng bước ngày càng tốt hơn. Mặc dù chúng ta phải tập trung điều trị người bị nhiễm bệnh, không để dịch bùng phát trong điều kiện có thể kiểm soát được", ông nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ trọng tâm quý II, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng cần tiếp tục giữ vững mục tiêu hàng đầu là cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thật tốt và xem kết quả phòng dịch là tiền đề để làm việc khác.

Với những mô hình phòng chống dịch bệnh đã áp dụng mang lại kết quả thời gian qua, ông Nhân đề nghị tiếp tục thực hiện kiểm soát phòng dịch người vào thành phố chặt chẽ để có biện pháp xử lí kịp thời những trường hợp có nguy cơ; trong đó chú ý công tác kiểm tra tại sân bay, ga xe lửa, các cửa ngõ ra vào thành phố.

"Quý I chúng ta rút ra cách để phòng chống dịch hiệu quả, tiếp tục làm, làm tốt hơn. Trong quý II khôi phục lại sản xuất kinh doanh hoạt động đời sống trong một trạng thái mới với tinh thần không có phát sinh dịch", Bí thư Nhân khẳng định.

Dự kiến học sinh đi học lại từ 15/5

Bí thư Thành ủy TP HCM chi biết thực hiện các công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, TP HCM đã không để dịch lan rộng trên địa bàn, hiện chỉ còn 8 người phải chữa trị Covid-19. Đây tiền đề quan trọng để duy trì trong thời gian tới. 

Theo thống kê của ngành y tế, bình quân cứ 1 người nhiễm sẽ phải cách li 280 người từ F1-F3, đây là giải pháp rất đặc thù của Việt Nam. Nhờ biện pháp này, tình trạng lây lan dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. 

"Trên cơ sở đó thì chúng ta hoàn toàn có thể duy trì được tỉ lệ người nhiễm rất thấp. Cả nước có 268 trường hợp nhiễm và số ngày đã trải qua phòng chống dịch là 83 ngày. Bình quân mỗi ngày cả nước có 3,2 trường hợp nhiễm mới. Tình hình này hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của ngành y tế", ông nói.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP HCM sẽ từng bước khôi phục lại kinh tế - xã hội. 

Ông yêu cầu mỗi người dân phải tự ý thức đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Từng doanh nghiệp, ngành nghề, cơ quan xây dựng tiêu chí đánh giá tỉ lệ rủi ro, an toàn dịch cho cơ quan, đơn vị mình.

Ông cũng yêu cầu xây dựng được Bộ quy tắc trường học an toàn với Covid-19. Dự kiến, 15/5, TP HCM sẽ cho học sinh đi học trở lại.