TP HCM kiến nghị giãn cách xã hội nghiêm nhưng mở lại một số dịch vụ thiết yếu

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị xem xét mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ gây lây nhiễm dịch Covid-19, để thực hiện "mục tiêu kép". Chính phủ giao địa phương giám sát, có quyền đóng cửa nếu cơ sở không bảo đảm tiêu chí an toàn phòng dịch.

TP HCM kiến nghị Chính phủ mở lại một số dịch vụ thiết yếu

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương chiều nay, 15/4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã đề xuất Thủ tướng một số biện pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn tới, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

TP HCM kiến nghị Chính phủ mở lại một số dịch vụ thiết yếu, tăng mức phạt người không đeo khẩu trang - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị xem xét mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ gây lây nhiễm dịch Covid-19 để thực hiện "mục tiêu kép". (Ảnh: TTBC TP HCM).

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng các giải pháp cách li người bệnh, cách li kiểm dịch, khai báo y tế là những giải pháp không gây tốn kém về kinh tế. Nhưng thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và ảnh hưởng kinh tế xã hội. 

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, TP HCM đề nghị Chính phủ xem xét mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ gây lây nhiễm, đáp ứng bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. 

Chính phủ ban hành bộ tiêu chí này, giao cho chính quyền địa phương giám sát, có quyền đóng cửa nếu doanh nghiệp, cơ sở không bảo đảm tiêu chí. 

Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh đây là chính sách kép, để vừa kích thích kinh tế trong bối cảnh chưa xác định được thời điểm dịch kết thúc, vừa tăng cường đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tạo văn hóa bảo vệ ngành nghề sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ông cũng chỉ ra mục đích chính của việc đeo khẩu trang là để phòng dịch, nhưng việc giãn cách xã hội kéo dài có thể dẫn đến tâm lí chủ quan. TP HCM cho rằng mức xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng hiện nay cao nhất chỉ 300.000 đồng, tức vẫn còn thấp.

Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ tăng mức phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Nghiên cứu giãn cách xã hội càng về sau phải càng nghiêm

Lãnh đạo TP HCM cho biết theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông đo lường được, càng đến gần thời hạn hết cách li xã hội, lượng đi lại của người dân càng tăng. Điều này cho thấy tâm lí chủ quan nếu kéo dài cách li xã hội.

TP HCM kiến nghị Chính phủ mở lại một số dịch vụ thiết yếu, tăng mức phạt người không đeo khẩu trang - Ảnh 2.

Càng gần hạn hết ngày cách li xã hội 15/4 theo Chỉ thị 16, đường xá TP HCM đã bắt đầu đông đúc. (Ảnh: Phúc Minh).

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng để tiếp tục phòng dịch thành công, Chính phủ cần nghiên cứu thực hiện chiến lược bậc thang để việc giãn cách xã hội càng về sau càng phải nghiêm ngặt.

Thành phố đề nghị Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng các mô hình dịch tễ của bệnh truyền nhiễm, mục tiêu là để biết một người trong một ngày có thể đến trung bình bao nhiêu chỗ, gặp gỡ bao nhiêu người, tiếp xúc gần bao nhiêu người, khi thực hiện giãn cách xã hội thì giảm được bao nhiêu lần tiếp xúc, từ đó xác định được biện pháp giãn cách xã hội tối ưu nhất để kiểm soát dịch bệnh.

Đặc biệt, ông Phong cho rằng nhiều quốc gia đang phải hứng chịu "làn sóng thứ 2" của dịch bệnh, nên để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân khi dịch được kiểm soát, TP HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo một số sân bay tiếp nhận người Việt Nam từ vùng dịch trở về, đồng thời áp dụng biện pháp cách li nghiêm hơn nữa, xét nghiệm lại sau 14 ngày cách li.

Chủ tịch UBND TP HCM chỉ ra 5 vấn đề mấu chốt phòng chống dịch

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP HCM tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hiện chỉ còn 8 ca đang điều trị. Nếu so với 15 ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16 thì số ca mới trên địa bàn TP HCM giảm 88%, điều này cho thấy việc cách li xã hội mang lại hiệu quả rõ rệt, bước đầu thu được kết quả tích cực.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM chỉ ra 5 vấn đề mấu chốt qua việc phòng chống dịch. 

TP HCM kiến nghị Chính phủ mở lại một số dịch vụ thiết yếu, tăng mức phạt người không đeo khẩu trang - Ảnh 3.

Nhiều cửa hàng, quán ăn tại TP HCM đang chờ quyết định của Chính phủ và TP về hoạt động sau ngày 15/4. (Ảnh: Phúc Minh).

Thứ nhất, theo ông Phong, hành động sớm là yếu tố then chốt để phòng chống dịch. Dù số ca nhiễm được ghi nhận thấp, nhưng Việt Nam vẫn thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4, đây là phản ứng nhanh và quyết liệt để chặn đứng nguồn lây, khoanh vùng và dập dịch, từ ngày 25/3, cơ bản dừng các chuyến bay nội địa và tàu hỏa. 

Thứ hai, sự đồng lòng và tuân thủ các quy định phòng chống dịch của nhân dân là yếu tố quan trọng.

Thứ ba, công tác truy vết lịch sử các ca nhiễm được làm chặt chẽ, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng… trên cơ sở đó biết mầm bệnh từ đâu để khoanh vùng, cách li. 

Thứ tư, đã thực hiện chính sách xét nghiệm trên diện rộng, có trọng tâm, theo dõi kết quả kể cả khi ra viện trong 14 ngày.

Cuối cùng, tuy tình hình dịch bệnh thế giới phức tạp nhưng Việt Nam đã đạt kết quả rất khả quan với số ca nhiễm không tăng cao, chưa có ca tử vong, 2/3 bệnh nhân được điều trị khỏi, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp về việc Chính phủ có chính sách phòng dịch đúng.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định tình hình dịch hiện nay vẫn còn phức tạp vì có các ca nhiễm trong cộng đồng, một số trường hợp nhiễm ra viện dương tính trở lại. 

Vì vậy, ông Phong kiến nghị Chính phủ cho tiếp tục kéo dài thời gian cách li xã hội theo Chỉ thị 16 đến 30/4 để không lơ là, mất cảnh giác, có thể gây vỡ trận, xóa đi thành quả đã có.