Hôm nay, một số cửa hàng, khách sạn, quán ăn tại TP HCM treo biển sẽ hoạt động lại từ ngày mai, 16/4. Tuy nhiên, họ đang hồi hộp chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ về việc có tiếp tục thực hiện cách li xã hội và tạm đóng cửa dịch vụ không cần thiết từ ngày mai nữa hay không.
Chiều 15/4, ngày cuối của 15 ngày thực hiện "lệnh" cách li xã hội như Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhiều cửa hàng, quán ăn tại TP HCM cho biết vẫn đang hồi hộp chờ đợi quyết định của Chính phủ và UBND TP HCM về việc có tiếp tục thực hiện cách li xã hội và các cửa hàng không thuộc danh mục hàng hoá thiết yếu có được kinh doanh trở lại từ ngày mai, 16/4 hay không.
Nhiều chủ cửa hàng cho biết họ đã đóng cửa nửa tháng nay, và cũng nóng lòng muốn kinh doanh trở lại để có doanh thu.
"Đóng cửa nghỉ bán tức không có doanh thu, nhưng các chi phí khác vẫn phải chi trả như mặt bằng, mà mặt bằng Sài Gòn thì ai cũng biết đắt cỡ nào. Chủ nhà có giảm giá, nhưng khoản này chỉ là hỗ trợ chứ không thể bù lỗ được", chủ một cửa hàng khoảng 30 m2 trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) nói.
Cửa hàng vàng bạc đá quý này đã đóng cửa im ỉm nửa tháng nay, kể từ khi có lệnh cách li xã hội. Chiều 15/4, cửa đã hé mở, có nhân viên bảo vệ và nhân viên bán hàng bên trong.
Một quán ăn bình dân nằm trên đường Võ Trường Toản (quận Bình Thạnh) thông báo ngày mai (16/4) sẽ mở cửa trở lại.
Tương tự, nhiều khách sạn, nhà nghỉ và quán ăn khác trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đã dán thông báo sẽ hoạt động trở lại từ ngày 16/4. Chủ một cửa hàng cho biết vẫn chưa nhận được thông báo từ phường, quận về việc ngày mai có được mở cửa trở lại hay không. Tuy nhiên, lệnh cách li xã hội kết thúc vào ngày 15/4, nên cửa hàng nghĩ rằng bắt đầu từ hôm sau sẽ được kinh doanh lại.
Mặc dù nóng lòng kinh doanh lại sau thời gian cách li xã hội nhưng ghi nhận chiều 15/4 tại một số con đường kinh doanh sầm uất tại TP HCM như Bạch Đằng, Lê Quang Định, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)… rất nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa im ỉm và chưa có động thái gì sẽ hoạt động trở lại từ ngày mai.
Vắng lặng nhất là nhóm cửa kinh doanh thời trang.
Thậm chí, dù cho phép hoạt động, giới hạn phải mua mang đi nhưng một loạt phố cà phê trong các con đường nhánh khu vực Phan Xích Long hầu như đều đóng cửa. Khu vực này trước đây rất sầm uất. Thậm chí, nhiều cửa hàng đã không trụ nổi giữa mùa dịch, phải trả luôn mặt bằng đang thuê.
Thời gian này, các nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh, cà phê, trà sữa vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, các cửa hàng này không phục vụ tại chỗ mà chỉ bán mang đi.
Một cửa hàng giải khát đắt khách và cánh shipper luôn được hướng dẫn tuân thủ khoảng cách tối thiểu 2 mét trong lúc chờ nhận hàng.
Dù vẫn được hoạt động trong thời gian cách li xã hội bằng hình thức bán mang đi, tuy nhiên, nhà hàng, quán ăn rất nóng lòng được hoạt động bình thường trở lại. Bởi cách kinh doanh mang về hiện nay chỉ được xem là giải pháp tình thế, không thể cứu được doanh thu như trước.
Chợ vẫn hoạt động nhưng lượng người đi mua sắm vơi hơn hẳn. Các tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) than không có người đi mua, dù cắt giảm mạnh lượng hàng mỗi ngày nhưng gần giờ chiều, hàng hoá vẫn còn ê hề.
Các công viên vẫn còn được căng dây để người dân không tụ tập, họp nhóm trong thời gian cách li xã hội.
Đến chiều 15/4, Chính phủ chưa chính thức công bố có tiếp tục thực hiện cách li xã hội nữa hay không. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện cách li xã hội với các địa phương có nguy cơ cao. Theo đó, sẽ chia các tỉnh - thành thành 3 nhóm nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp để có giải pháp phòng chống dịch phù hợp.
TP HCM nằm trong nhóm có nguy cơ cao cùng với 11 tỉnh, thành khác, gồm Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng , Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Ban chỉ đạo kiến nghị các tỉnh, thành có nguy cơ cao tiếp tục thực nghiêm các nội dung của chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Riêng TP HCM, lãnh đạo thành phố trước đó đã có kiến nghị kéo dài thời gian giãn cách xã hội.