Để phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hướng tới phát triển nhanh, bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu tiếp tục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để thực hiện thành công các mục tiêu này, Bà Rịa – Vũng Tàu cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đến tìm kiếm, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp.
* Huy động nguồn lực
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW đã nêu rõ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên vùng. Qua đó, tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Để hướng đến phát triển kinh tế biển vững mạnh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang tập trung đẩy mạnh huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả cho phát triển theo mục tiêu đã xác định.
Cùng đó, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển và một số lĩnh vực tiên phong, mũi nhọn; xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin và thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện chuyển đổi số và đô thị thông minh; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số doanh nghiệp địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết, liên doanh với các tập đoàn kinh tế lớn, tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các khu kinh tế ven biển để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng xác định đa dạng hóa và chủ động khai thác các nguồn lực để đầu tư cho một số lĩnh vực kinh tế biển mũi nhọn; đồng thời, hình thành hệ sinh thái logistics không chỉ cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải mà cả cho sân bay quốc tế Long Thành; phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế chủ lực, hỗ trợ ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển...
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) cho rằng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các cảng cạn container rỗng, bãi tập kết hàng hóa, phương tiện để tránh tình trạng container hàng thì giao nhận tại Cái Mép, container rỗng thì giao nhận tại khu vực TP HCM như hiện nay.
Ngoài ra, sớm nghiên cứu triển khai mô hình khu phi thuế quan (free trade zone) tại Cái Mép – Thị Vải. Đây là cơ sở bền vững để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khai thác cảng nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói chung.
Đặc biệt, ông Phạm Quốc Long cho rằng, cần có các chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp cảng biển nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, đảm bảo nguồn lực để tăng cường đầu tư và tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa hệ thống cảng biển quốc gia. Muốn vậy, trước mắt cần kịp thời điều chỉnh giá bốc xếp container cho hàng xuất nhập khẩu tại Cái Mép – Thị Vải ngang bằng với khu vực. Hiện nay giá bốc xếp container 20 feet ở mức 52 USD/20 feet là rất thấp, chỉ bằng 50% khu vực trong khi mức đầu tư tương đồng với các nước.
Để huy động nguồn lực phát triện hạ tầng toàn vùng, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần huy động đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, ưu tiên các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trọng điểm, có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết vùng.
Đó là các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, đường kết nối cảng biển và các hành lang vận tải quốc tế. Kết hợp hiệu quả nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, có cơ chế, chính sách phù hợp huy động vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
* Hoàn thiện chính sách
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, một trong những điểm nghẽn làm hạn chế việc huy động nguồn lực, phát huy lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là sự bất cập về thể chế. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, theo ông Trần Du Lịch, cần mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong Vùng, nâng cao tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của địa phương trong một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, mội trường và ngân sách.
“Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng. Trước mắt đề nghị cần tiến hành khẩn trương lập quy hoạch Vùng thời kỳ 2021-2030 theo Luật quy hoạch; các tỉnh trong vùng đều đang chuẩn bị hoàn thiện các bước cuối cùng để trình thẩm định quy hoạch tỉnh”, ông Lịch chia sẻ.
Một trong những lợi thế của Đông Nam bộ là Nghị quyết 24-NQ/TW đã nêu rõ việc tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Đó là tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Cùng đó, Nghị quyết này cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu xây dựng, thể chế hoá cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ.
Với những kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển thời gian vừa qua, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đề xuất một số định hướng chính sách để tiếp tục phát triển kinh tế biển; trong đó, nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển và hải đảo nói chung, về phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng.
Mặt khác, khẩn trương lập và phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ dựa vào thiên nhiên.
Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng; về chuyển nhượng quyền khai thác, cho thuê kết cấu hạ tầng; về phí sử dụng kết cấu hạ tầng, giá phí sau đầu tư, có sự điều tiết của Nhà nước; xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường nhằm huy động nguồn lực để đầu tư các dự án mới.
Gợi mở một số chính sách nhằm phát triển ngành logistics của Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, khu vực Đông Nam bộ nói chung, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu – Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, cho rằng: Đó là ban hành cơ chế huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đất đai... để có ngân sách phát triển hạ tầng; có các chính sách thúc đẩy việc liên kết vùng, một cơ chế đặc biệt và sự phối hợp giữa các tỉnh.
“Tính đến lợi ích chung của cả vùng hơn là lợi ích của địa phương. Triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP HCM. Có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp logistics lớn đầu tư vào vùng Đông Nam bộ từ đó thu hút các doanh nghiệp chủ hàng (Cargo Owner) đến vùng”, ông Nguyễn Thanh Tuấn đề xuất .
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 26/11 vừa qua, Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá và khả thi nhằm phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.
Với lợi thế sẵn có của mình là địa phương ven biển của khu vực Đông Nam bộ, cùng với những định hướng, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế vùng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển thành tỉnh mạnh, bền vững kinh tế biển.