Sau khi bị giảm mạnh do ảnh hưởng Covid-19, khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ thì dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng cao trở lại.
Trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch toàn cầu Covid-19 này, cứ ngỡ tình hình đầu tư mới của các doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ tạm dừng hoặc lùi thời gian thực hiện, nhằm chờ sự phục hồi trở lại, nhất là đối với các dự án đầu tư ở nước ngoài. Thế nhưng, trên thực tế tình hình không phải vậy.
Khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ thì đồng thời dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ở các nước cũng tăng cao trở lại. Trong tháng 5 vừa qua, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có đến 15 dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư mới và 2 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đạt 111,76 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kì năm ngoái.
Nếu so với cả 4 tháng trước đó, thời điểm bị ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19 thì kết quả rót vốn đầu tư ra thị trường nước ngoài của doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam trong tháng 5 vừa qua cũng tăng rất cao.
Bởi lẽ, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm chỉ đạt gần 69 triệu đô la, bằng 46,1% so với cùng kì năm 2019.
Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả vốn đầu tư ra nước ngoài tăng đột biến trong tháng 5 vừa qua, là do có dự án đầu tư với số vốn đăng kí lên đến 91,5 triệu đô la ở thị trường Đức của Công ty TNHH Vonfram Masan. Đây là công ty con do Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) sở hữu 100% vốn. Doanh nghiệp này cũng vừa hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck Group GmbH.
Nguồn vốn rót nhiều sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ đã kéo nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam từ đầu năm đến nay tương đương với mức của cùng kì năm ngoái.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 180,7 triệu đô la. Trong đó có đến 60 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng kí đạt gần 162 triệu đô la, đạt gần gấp 1,7 lần và tăng 5 dự án so với cùng kì năm ngoái.
Giới quan sát cho rằng khi tình hình đại dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt và phát triển kinh tế ở các nước ổn định trở lại, thì vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên.
Sự khởi sắc của hoạt động đầu tư ra nước ngoài được giới đầu tư đánh giá là từ sự cởi mở của môi trường pháp lí đầu tư. Cụ thể, Nghị định 83/2015 cho phép các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài không cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần hoàn thiện giấy chứng nhận đăng kí đầu tư là có thể bắt đầu dự án.
Đáng chú ý, Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ra đời góp phần chuẩn hóa thủ tục pháp lí cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vừa tạo thông thoáng, vừa giúp cơ quan quản lí nhà nước tăng cường hiệu lực quản lí với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam...
Giao dịch đầu tư trên của Công ty TNHH Vonfram Masan cũng đánh dấu sự mở rộng quy mô vốn của doanh nghiệp trong nước đến một đất nước phát triển như Đức.
Trên thực tế trong gần 3 năm qua, doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam ngày càng mở rộng đầu tư sang các nước phát triển, thay vì trước đây xoay quanh ở các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar... hoặc ở các nước kém phát triển hơn ở thị trường châu Phi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam rót vốn vào 18 nền kinh tế trên thế giới trong 5 tháng qua. Trong đó, dẫn đầu là Đức tổng vốn đầu tư đăng kí đạt 92,61 triệu đô la, chiếm 51,3% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ đứng thứ hai, với 21,72 triệu đô la, chiếm gần 12%. Tiếp theo là Myanmar, Singapore, Campuchia,...
Một điểm đáng chú ý khác là thay vì trước đây vốn rót vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, trồng rừng,... gần đây vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam chảy nhiều vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng hơn.
Chỉ tính trong 5 tháng qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 3 dự án cấp mới và 2 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký hơn 100 triệu đô la (chiếm 55,6% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ xếp thứ hai, với tổng vốn đầu tư 31,4 triệu đô la (chiếm 17,4%). Tiếp theo là các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Tính lũy kế đến nay, Việt Nam có hơn 1.200 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với tổng số vốn đăng ký hàng chục tỉ đô la.
Tuy nhiên rót mạnh vốn ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam là lĩnh vực sữa và dịch vụ viễn thông. Với ngành sữa, hàng loạt tên tuổi lớn của Việt Nam như Vinamilk, NutiFood, TH,... đã hợp tác, liên doanh, hoặc tự đầu tư ở các thị trường Thụy Điển, Nga, Mỹ, New Zealand,...
Ngoài ra, hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, cá nhân trong các lĩnh vực khác trong thời gian qua cũng tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Không bó hẹp ở châu Á, doanh nghiệp Việt Nam còn mở rộng địa bàn sang cả Úc, châu Mỹ, châu Âu… Để đón đầu cho dòng vốn đầu tư này, hàng loạt ngân hàng cũng đã “theo chân” doanh nghiệp Việt ra nước ngoài, BIDV, VietinBank, Sacombank, MB, SHB…
Dù đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu thu “trái ngọt” khi một số doanh nghiệp đã chuyển lợi nhuận về nước, song số dự án hiệu quả chưa nhiều, thậm chí có doanh nghiệp phải trắng tay về nước và đa số gặp nhiều rủi ro.
Theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân khách quan do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, chính sách pháp luật nước sở tại..., các doanh nghiệp còn gặp rủi ro do chưa thực hiện hết, chưa quan tâm đúng mức trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, thiếu tầm nhìn trung và dài hạn...