Các startup ở Đông Nam Á, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và giao hàng, đã liên tục huy động được hàng triệu USD góp phần đẩy nhanh việc mở rộng hoạt động.
Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội đầy triển vọng trong khu vực, bất chấp khủng hoảng kinh tế xuất phát từ đại dịch Covid - 19, và sự ra đi của một "ông lớn" trong ngành chăm sóc sức khoẻ là WeFit - doanh nghiệp từng được kì vọng sẽ trở thành kì lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam.
Trong số các startup nổi lên từ đại dịch, ứng dụng chăm sóc sức khoẻ từ xa của Doctor Anywhere, có trụ sở tại Singapore, đã huy động được 27 triệu USD vào cuối tháng 3/2020 trong một vòng gọi vốn Series B từ một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà điều hành bệnh viện IHH của Malaysia.
"Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi hơn. Các nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm và thảo luận về các khoản đầu tư tiềm năng", Lim Wai Mun, người sáng lập và CEO của Doctor Anywhere nói.
Ứng dụng của Doctor Anywhere cho phép hơn 1 triệu người dùng tham khảo ý kiến của bác sĩ địa phương, thông qua cuộc gọi video với giá khoảng 14 USD/lần tư vấn, và nhận thuốc được chuyển đến địa điểm của người dùng chỉ sau vài giờ.
Khoảng 1.300 bác sĩ đa khoa và chuyên khoa chăm sóc sức khoẻ tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam được đăng kí trên nền tảng này. Ngoài ra, nó còn vận hành một thị trường thiết bị y tế trực tuyến.
Khi đại dịch bắt đầu lan rộng, nền tảng telehealth - thăm khám bệnh thông qua công nghệ thông tin và viễn thông điện tử, đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Nó được triển khai tại các trạm kiểm soát hải quan của Singapore, để có thể kiểm tra sức khoẻ hành khách ngay tại chỗ thông qua truyền hình từ xa. Nó cũng cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu cho người dân khi phải cách li tại nhà.
Việc gây quỹ khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã chững lại vào cuối năm ngoái, sau thất bại xung quanh vụ IPO tại Mỹ của WeWork, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm kí của các nhà đầu tư. Đại dịch Covid - 19 dẫn đến suy thoái kinh tế cũng góp phần ảnh hưởng đến vòng gọi vốn của các startup. Một số nhà đầu tư không còn dám mạo hiểm đầu tư vào những startup có nhiều rủi ro, và giữ tiền của họ để hỗ trợ các công ty danh mục đầu tư hiện tại của họ.
Phản ánh xu hướng đó, tổng số vốn các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á huy động được trong quý I/2020 là 26,5 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kì năm ngoái, theo số liệu của Crunchbase.
Tuy nhiên, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ là một trong số ít điểm sáng.
Việc kinh doanh của Doctor Anywhere đã chứng kiến mức tăng trưởng "gấp hai đến ba lần" kể từ khi đại dịch Covid - 19 bùng phát.
"Đại dịch rõ ràng là không tốt, nhưng nó đã góp phần thúc đẩy nhu cầu về telehealth. Đây là một công cụ hữu ích và là phương tiện bổ sung để giải quyết các vấn đề về lực lượng lao động, chăm sóc dân số và chăm sóc sức khoẻ hiệu quả hơn", CEO Doctor Anywhere chia sẻ.
"Chúng tôi sẽ sử dụng 27 triệu USD để củng cố hoạt động kinh doanh hiện tại ở Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện để mở rộng sang các thị trường khác như Malaysia và Philippines trong năm nay", vị CEO nói thêm.
Trong ba tháng đầu năm 2020, chuỗi nhà thuốc Pharmacity của Việt Nam cũng đã huy động được 31,8 triệu USD.
Trong 2-3 năm qua, các ứng dụng telehealth đã được coi là một lĩnh vực đầy triển vọng ở Đông Nam Á, do sự khan hiếm bác sĩ và dân số trung lưu đang phát triển, có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khoẻ của họ.
Trong khi đó công ty khởi nghiệp giao hàng thực phẩm Dahmakan của Malaysia cũng đã huy động được 18 triệu USD, theo Crunchbase.
Giao hàng thực phẩm là một ngành kinh doanh khác đang bùng nổ trong khu vực Đông Nam Á, do nhiều người phải làm việc và học tập tại nhà trong tình trạng cách li xã hội. Tổng số tiền huy động được của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2020 đã tăng gấp 3 lần, lên tới 56 triệu USD.
Trong đó, khoảng 80% số tiền vốn huy động được trong ngành logistics quý này thuộc về Gojek của Indonesia, và đối thủ Grab của Singapore. Cả hai siêu ứng dụng này đều cung cấp tử dịch vụ gọi xe đến giao hàng thực phẩm và thanh toán điện tử.
Gojek và Grab lần lượt huy động được 1,2 tỉ USD và 850 triệu USD trong quý I/2020, cho thấy những kì lân này tiếp tục là mục tiêu đầu tư hấp dẫn, bất chấp những bất ổn toàn cầu từ đại dịch Covid - 19.
Trong khi dịch vụ gọi xe cốt lõi của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát đại dịch, thì cả Gojek và Grab đều nhận thấy nhu cầu giao hàng thực phẩm tăng cao.
Xu hướng rót vốn mạnh mẽ vào các công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khoẻ và giao hàng được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo, khi tình trạng tái nhiễm Covid - 19 đang tăng lên, và nhiều hạn chế đi lại của Chính phủ được ban hành.
Công ty khởi nghiệp logistics Kargo Technologies của Indonesia đã huy động được 31 triệu USD, trong khi hãng vận chuyển Ninja Van đã gọi vốn lên tới 279 triệu USD. Trong tháng 4, nhà điều hành nền tảng telehealth của Việt Nam, là eDoctor, cũng đã huy động được một số tiền không tiết lộ, từ các nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, các chuyên gia dự báo rằng các hoạt động gây quỹ tổng thể có thể sẽ chậm lại trong quý II/2020, do có ít các cuộc họp và cơ hội sự kiện giữa các nhà đầu tư và các startup.
"Tác động sẽ nhìn thấy rõ trong quý II, khi các hạn chế đi lại sẽ cản trở việc nhà đầu tư mạo hiểm rót tiền, nếu không có các cuộc tiếp xúc trực tiếp. Nhà đầu tư cũng đang có xu hướng giữ tiền để giúp các công ty danh mục đầu tư hiện tại của họ", Martin Tang, đồng sáng lập và đối tác của Genesis Alternative Ventures tại Singapore, nói.
Nhiều công ty khởi nghiệp đã bắt đầu giảm chi phí lao động và tiếp thị, để sống sót sau đại dịch. Ngay cả các công ty khởi nghiệp lớn cũng gặp không ít khó khăn.
"Sẽ có những quyết định khó khăn và phải đánh đổi. Chúng tôi đang điều chỉnh chi phí hợp lí hơn, quản lí vốn hiệu quả và thực hiện các điều chỉnh hoạt động cần thiết để vượt qua bão corona, tìm ra con đường dẫn đến lợi nhuận", Anthony Tan CEO Grab chia sẻ.
Kinh doanh 22:41 | 22/12/2020
Kinh doanh 11:17 | 20/11/2020
Kinh doanh 09:50 | 20/11/2020
Kinh doanh 14:30 | 12/11/2020
Tiêu dùng 14:53 | 28/10/2020
Kinh doanh 16:51 | 23/10/2020
Kinh doanh 10:04 | 22/10/2020
Kinh doanh 09:12 | 22/10/2020