Thay tên để đổi vận, tại sao WeFit vẫn phá sản?

Từng được kì vọng sẽ trở thành kì lân của Việt Nam, nhưng WeWow (tên cũ là WeFit) ngày hôm qua (11/5) đã phải nộp đơn xin phá sản sau hơn 4 năm thành lập.

Ra đời giữa năm 2016 với Founder là Khôi Nguyễn – người từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017 và danh sách "30 under 30 Việt Nam" do Forbes bình chọn, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng.

WeFit cho phép người dùng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào và tập không giới hạn trong hệ thống, với hơn 20 bộ môn như: Gym, Yoga, Boxing, Zumba,… bằng việc chỉ cần thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống.

Đây được xem như ứng dụng tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình. 

Thực tế, mô hình này đã thành công ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.

Con đường rộng mở

Trước khi nộp đơn xin phá sản vào ngày 11/5, WeFit từng được hi vọng sẽ trở thành kì lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam, với một thị trường phát triển đầy tiềm năng.

Theo thống kê của Mintel và Statisca, thị trường fitness và beauty truyền thống ở Việt Nam ước tính khoảng hơn 2,5 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng khoảng 25-30%/năm.

Đây là mảnh đất tiềm năng để những startup như WeFit phát triển, đặc biệt trong bối cảnh chỉ có 15,3% dân số Việt Nam tập thể dục nhiều hơn 30 phút một ngày, và 0,46% dân số từng tham gia hội viên của một câu lạc bộ thể thao.

Thay tên để đổi vận, tại sao WeFit vẫn 'bay màu'? - Ảnh 1.

Được sáng lập bởi Khôi Nguyễn - từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017 và có tên trong danh sách "30 under 30 Việt Nam" do Forbes bình chọn, hoạt động trong lĩnh vực giàu tiềm năng, WeFit được hi vọng sẽ trở thành kì lân công nghệ tại Việt Nam. (Ảnh: WeFit).

Ý tưởng tạo nên WeFit xuất phát từ việc đội ngũ sáng lập nhận thấy rằng nhiều nguời khi muốn bắt đầu tập luyện ở các trung tâm fitness, họ sẽ gặp phải nhiều rào cản như: tài chính, địa điểm hay thời gian tập không phù hợp với thời gian biểu của công việc. Trong khi các phòng tập chỉ có khách trong một số thời điểm nhất định, nhưng vẫn phải trả chi phí cho nhân viên, địa điểm, máy móc…

Do đó, nhiệm vụ của WeFit là kết nối để đưa khách hàng tới lấp đầy khoảng thời gian trống, tối ưu doanh thu cho phòng tập. Khách hàng sử dụng WeFit có quyền sử dụng tất cả các phòng tập trong hệ thống đối tác.

Lựa chọn con đường đúng đắn, ngay sau một năm thành lập, WeFit sở hữu 3.000 tài khoản trả tiền sử dụng hàng tháng, hơn 5.000 lịch luyện tập mỗi ngày, kết nối với 600 phòng tập ở Hà Nội và TP HCM, tức khoảng 30-35% lượng phòng tập ở Việt Nam được kết nối qua hệ thống của WeFit.

Cũng trong năm 2017, WeFit được quỹ ESP Capital đầu tư 155.000 USD. Cùng năm đó, WeFit đạt doanh thu 700.000 USD.

Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Tháng 7/2019, vốn đăng kí của Onaclover (đơn vị chủ quản của WeFit) tăng từ 1,66 tỉ đồng lên 27,7 tỉ đồng. Trong đó, hơn 26 tỉ đồng là vốn đầu tư nước ngoài từ WeLife Holding PTE.LTD của Singapore, chiếm 94% cổ phần.

Nhận được dòng vốn triệu USD, thừa thắng, WeFit tung thêm sản phẩm spa để đánh vào mảng Beauty, ra mắt thương hiệu WeJoy, và đổi tên thành WeWow.

Sai lầm đến từ mô hình hoạt động

Những tưởng con đường hoạt động của WeFit đã đúng hướng và bắt đầu mang về trái ngọt cho doanh nghiệp. Nhưng, WeFit càng làm càng lỗ, thậm chí trong thông báo phá sản phát đi hôm 11/5, startup này phải cay đắng thừa nhận: "Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn".

Sai lầm chủ yếu của WeFit được các chuyên gia nhận định là đến từ mô hình hoạt động. Mô hình hoạt động của WeFit dựa theo nguyên lí khách hàng được sử dụng thoải mái, không giới hạn lượt tập trong gói đã mua. Trong khi đó, WeFit sẽ trả tiền theo lượt tập cho các đối tác phòng tập.

Như vậy, người dùng càng đi tập nhiệt tình thì WeFit càng lời ít, thậm chí phải bù lỗ, để thanh toán tiền cho phòng tập.

Thay tên để đổi vận, tại sao WeFit vẫn 'bay màu'? - Ảnh 2.

Người dùng càng đi tập nhiệt tình thì WeFit càng lời ít, thậm chí phải bù lỗ để thanh toán tiền cho phòng tập. (Ảnh: WeFit).

Chẳng hạn, với một gói khoảng 79 USD/tháng, WeFit trả cho phòng tập 30 USD/tháng nếu người dùng đi tập 1 lần/tuần. Nếu họ tập 3 lần/tuần thì doanh nghiệp sẽ phải bù lỗ để thanh toán 90 USD/tháng,…

Theo cấp số nhân, khách hàng đi tập càng nhiều, chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra càng lớn, bởi giá tiền các gói luyện tập đã mua không thể thay đổi theo số lượt tập.

Đặc biệt hơn nữa, thay vì bán gói sản phẩm cho khách hàng từng tháng, WeFit bán gói sản phẩm chia theo tháng như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng… thậm chí lên tới gần 2 năm, và đánh vào giá thành rẻ để thu hút khách hàng. Càng mua thời hạn dài, giá thành/buổi tập càng giảm. Quảng cáo thường xuyên nhất của WeFit là đi tập chỉ với 19.000 đồng/ngày với gói thời hạn 2 năm.

Điều này đã khiến startup bị cuốn vào cuộc chơi "đốt tiền" để chiếm lĩnh thị trường, cũng giống những gì từng xảy ra với startup gọi xe công nghệ ở Việt Nam. Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất vẫn là khách hàng và đối tác phòng tập.

Thay tên để đổi vận, tại sao WeFit vẫn 'bay màu'? - Ảnh 3.

WiFit bị cuốn vào cuộc chơi đốt tiền không hồi kết. (Ảnh: WiFit).

"Thực tế đã có rất nhiều tháng mà chi phí chúng tôi trả cho phòng tập đối tác lớn hơn cả doanh thu. Bên cạnh đó còn nhiều khoản chi phí đến từ việc chúng tôi không kiểm soát được những lỗ hổng của mô hình tập luyện không giới hạn, như: booking ảo, nhiều người dùng chung một tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng - đỉnh điểm là 202 lần/tháng…", CEO WeFit thừa nhận sai lầm.

Cái gì đến cũng đến, từ cuối năm 2019, WeFit đã bị nhiều spa, phòng tập tố nợ đọng hàng trăm triệu đồng. Cùng trong năm 2029, startup này liên tiếp mở rộng sang các lĩnh vực khác như kết nối bể bơi, spa, ra mắt thương hiệu Wejoy,…

Câu chuyện mất cân đối về dòng tiền do mô hình sản phẩm và việc mở rộng tốn nhiều chi phí cứ tích luỹ theo thời gian, khiến WeFit thời điểm đó rơi vào bế tắc. 

CEO Khôi Nguyễn của WeFit khi ấy thừa nhận: "Startup cũng có một chút khó khăn về dòng tiền cuối năm, lấy thu này bù chi kia và vừa phải đầu tư thêm, nên có nợ nhưng không phải là tất cả các đối tác".

Gắng gượng thay đổi vẫn 'chết' 

Khó khăn trong việc quản trị dòng tiền, sai lầm từ mô hình hoạt động, chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng Covid - 19, ngày 11/5, WeFit chính thức ra thông báo về việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, bởi không còn đủ khả năng trả nợ đến hạn.

Tuy nhiên, trước khi chết, WeFit cũng đã gắng gượng để thay đổi từ những sai lầm trong quá khứ. 

Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn

CEO WeFit Nguyễn Hải Đăng

Vào trung tuần tháng 2/2020, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hải Đăng thay nhà sáng lập Khôi Nguyễn đảm nhận vị trí CEO.

Ngay sau đó, từ ngày 17/3, WeFit tiến hành thay đổi điều khoản chính sách, để "khắc phục các lỗ hổng hệ thống và hướng đến một mô hình bền vững".

"Chúng tôi thừa nhận đã mắc nhiều sai sót trong việc cấu trúc gói sản phẩm và giám sát vận hành, khiến những khó khăn về dòng tiền gây ra nhiều bất tiện cho khách hàng và đối tác. Chúng tôi còn rất nhiều thứ cần phải hoàn thiện, và sẽ bắt đầu từ việc sửa chữa những sai sót này", thông báo nhấn mạnh.

Thay tên để đổi vận, tại sao WeFit vẫn 'bay màu'? - Ảnh 5.

Thay tên đổi vận, thay cả CEO nhưng cuối cùng WeFit cũng không sống được. (Ảnh: WeFit).

Theo đó, khách hàng sẽ không còn được luyện tập không giới hạn trong gói đã mua nữa. Mỗi lịch tập trên hệ thống sẽ tương ứng với một số điểm nhất định trong tài khoản. Khách hàng cần nạp điểm trước vào tài khoản theo các gói WeFit để đặt lịch. Sau mỗi lần đặt lịch thành công, tài khoản của khách hàng sẽ tự động trừ số điểm tương ứng.

Như vậy, với chính sách mới, khách hàng chỉ có thể đặt lịch tập luyện theo hạn mức số điểm gói sản phẩm đã mua.

Thay đổi trên đã vấp phải phản ứng từ phía khách hàng. Một số khách hàng VIP cho biết với cách sử dụng mới khiến thời gian tập 2 năm của họ chỉ còn 4 tháng. Trong trường hợp khách hàng chọn phòng tập cụ thể Fit24, 60 buổi tập sẽ chỉ còn 6 buổi.

Rất nhiều khách hàng đã yêu cầu WeFit cho phép huỷ dịch vụ và hoàn trả lại số tiền đã đóng tương ứng với số buổi luyện tập còn lại.

Trước làn sóng phản ứng của khách hàng, CEO Nguyễn Hải Đăng đã gửi tâm thư, công khai xin lỗi các khách hàng vì chính sách "đánh mất niềm tin" này. Đồng thời công bố chính sách sử dụng mới, trung dung giữa quyền lợi của khách hàng và khả năng sinh tồn của WeFit.

Theo đó, WeFit quyết định dời thời gian chuyển đổi từ gói tập không giới hạn sang gói tập tính điểm đến ngày 1/4.

Nhưng từ 1/4, theo Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống lây nhiễm Covid - 19, tất cả các phòng tập phải dừng hoạt động. WeFit chính thức rơi vào trạng thái "chết lâm sàng". Ngày 4/5, WeFit hoạt động trở lại nhưng khách hàng không thể book được lịch tập với phòng tập.

Ngày 11/5, startup gửi thư xin lỗi tới khách hàng và tuyên bố phá sản.

Trước sự "ra đi" đột ngột của một startup từng được kì vọng sẽ trở thành kì lân, nhiều người không khỏi tỏ ra tiếc nuối.

Tuy nhiên, với một số người, đây lại là cái chết được báo trước. 

"Thịnh suy là chuyện bình thường. Giờ chỉ là kẻ "ăn mày dĩ vãng" tiếc nuối về một thời hoành tráng và tung tăng cùng WeFit suốt từ đầu 2017 đến gần đây. Suốt mấy năm "ăn chơi" ấy, tôi cũng thấy bất ngờ với sự hào phóng và dễ dãi đến thái quá của các bạn", người dùng Nguyễn Tiến Trung bình luận.