Giao thông kết nối tạo động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ - Bài cuối: Động lực phát triển kinh tế

Với việc triển khai các dự án trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng, khu vực phía Nam sẽ có mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải.

Với việc thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng, khu vực phía Nam sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải. Một loạt dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành và một số tuyến quốc lộ khác được hoàn thành sẽ là động lực, đặt niềm tin vào sức bật mới của vùng Đông Nam Bộ.

* Tạo sức bật mới cho đầu tàu kinh tế

TS. Nguyễn Văn Hiến, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, liên kết về giao thông sẽ là cú hích thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Đông Nam Bộ. Liên kết phát triển giao thông không phải chỉ là phát triển mạng lưới giao thông đường bộ mà là phát triển đồng bộ toàn bộ hệ thống giao thông, bao gồm: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không, cảng biển, đặc biệt là phát triển mạng lưới đường cao tốc và đường sắt kết nối các địa phương với nhau.

Với tiến độ hiện tại, năm 2025 sẽ là thời điểm đánh dấu một loạt dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành và một số tuyến quốc lộ khác sẽ được hoàn thành. Khi đó, đô thị vệ tinh sẽ phát triển, mở rộng không gian công nghiệp, tạo thêm cơ hội kinh doanh và đặt niềm tin vào sức bật mới của vùng Đông Nam Bộ.

Theo ông Phạm Văn Cảnh, chuyên gia Hội đồng cố vấn Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - Tp. Hồ Chí Minh, tuyến đường được quy hoạch nằm trong mạng lưới đường bộ cao tốc, mang tầm quan trọng quốc gia và được ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh hai bên đường, giảm ách tắc giao thông ở TP HCM.

Dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho các địa phương dự án đi qua. Đồng thời, mở ra không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất, tăng hiệu quả đầu tư đối với các địa phương lân cận. Đặc biệt, Vành đai 3 không chỉ tăng liên kết nội vùng mà thông qua cửa ngõ tỉnh Long An sẽ tăng kết nối giữa vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp bổ trợ, khai thác tốt tiềm năng của hai vùng này. Dự báo, năng lực lưu thông liên vùng được cải thiện mạnh mẽ sẽ giúp tăng sức bật cho nền kinh tế cũng như quy mô GRDP trong giai đoạn tới năm 2030.

Tại tỉnh Bình Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng đi qua địa bàn tỉnh sẽ hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics. Từ đó, từng bước tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa công nghiệp và dịch vụ. Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 trên 10%. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15 nghìn USD, tiếp tục duy trì trong nhóm các địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.

Đối với tỉnh Đồng Nai, các tuyến đường cao tốc được khai thác sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Minh Đức cho biết, trong năm 2023, Đồng Nai đã và sẽ triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Các dự án hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp kết nối Đồng Nai với các địa phương khu vực phía Nam và cả nước.

Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự kiến hoàn thành năm 2026 sẽ giúp tứ giác kinh tế của vùng Đông Nam Bộ có thêm điều kiện để tăng tốc phát triển. Bởi trong tương lai, bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống cảng biển TP HCM, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu mà quan trọng nhất là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tứ giác kinh tế này sẽ được bổ sung một "cửa ngõ" mới để tạo thêm động lực phát triển.

* Nâng cao hiệu quả hoạt động logistics

Theo Bộ Giao thông Vận tải, về đường bộ, việc hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc nối TP HCM với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng, các đường vành đai thuộc khu vực TP HCM và hai trục dọc, ba trục ngang tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với 52 tuyến quốc lộ dài khoảng 6.406 km sẽ đảm nhận vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng. Về đường thủy nội địa, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cảng thủy nội địa, phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam, đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa chính, hiện đại hóa thiết bị bốc dỡ tại cảng sông.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, bên cạnh sân bay Long Thành, năm 2024, Đồng Nai sẽ có thêm cảng biển Phước An. Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo lập và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong việc xuất - nhập khẩu hàng hóa, ngân sách tỉnh cũng có thêm những nguồn thu lớn.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây, cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải có bước tiến nhảy vọt về sản lượng hàng hóa. Riêng CMIT, giai đoạn 2017 - 2020, tăng trưởng sản lượng hàng hóa luôn đạt ngưỡng hai con số.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong dài hạn, việc triển khai xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp gỡ nút thắt phát triển cho khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, logistics từ các khu công nghiệp trong vùng đến cụm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam này, đặc biệt là khi kết hợp cùng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong hai ngày 17 - 18/6/2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công dự án nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 994 (vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng), dự án cầu Phước An (4.900 tỷ đồng). Cả hai dự án đều có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động logistics không chỉ của địa phương mà cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Cầu Phước An là cây cầu quan trọng để kết nối đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với các đường cao tốc liên vùng phía Nam và đường cao tốc Bắc - Nam. Từ đây, mới có thể khai thác hết ưu thế nước sâu của cảng Cái Mép - Thị Vải cũng như phát triển dịch vụ logistics và các khu công nghiệp, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng hơn. Thuận lợi về giao thông kết nối còn giúp Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn để thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, qua đó phát huy thế mạnh từ kinh tế cảng biển.

Bên cạnh đó, dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 994 có bề rộng 42 m và dài gần 100 km nối liền 5 địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên một trục. Tỉnh lộ 994 kéo dài từ xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu đến các huyện Long Điền, Đất Đỏ và kết thúc tại điểm giáp với Quốc lộ 55 ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Tỉnh lộ 994 cũng sẽ nối vào đường Long Sơn - Cái Mép để thành một trục động lực nối các khu công nghiệp, cảng container cửa ngõ Cái Mép - Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ với các khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

chọn
Nhiều dự án ở tỉnh lẻ bung hàng
Những tháng cuối năm, thị trường bất động ở các tỉnh lẻ như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Ninh... bắt đầu đón nguồn cung từ các dự án mới.