Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ: Xây dựng Quảng Trị thành một trong những trung tâm năng lượng

Một trong những mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” mà UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành là xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm năng lượng của vùng.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là dự án năng lượng sạch mà địa phương có tiềm năng gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí. Vùng miền núi phía Tây của Quảng Trị có tiềm năng điện gió lớn. Khi gió phơn Tây Nam khô nóng (người dân thường gọi là gió Lào) có tốc độ trung bình đạt hơn 7m/s. Điện mặt trời cũng có tiềm năng để phát triển, khi tổng giờ nắng bình quân cao với hơn 1.910 giờ nắng/năm, thời gian nắng kéo dài, đặc biệt là từ tháng 4 - 10 hàng năm.

Cùng đó, hai mỏ khí lớn ngoài khơi gồm Kèn Bầu, Báo Vàng cũng là lợi thế để tỉnh thu hút đầu tư xây dựng nhà máy điện khí ở vùng ven biển. Từ nay đến năm 2030, tỉnh tích cực chuẩn bị điều kiện để tiếp nhận và thúc đẩy khai thác hai mỏ khí ngoài khơi này.

Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 công suất phát điện thương mại đạt khoảng 2.500 MW và khoảng 9.360 MW vào năm 2030. Đến giữa tháng 5/2023, tỉnh đã có gần 1.000 MW điện thương mại từ những dự án đã hoàn thành gồm: 19 nhà máy điện gió có tổng công suất 671 MW và 3 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 127 MW cùng 11 nhà máy thủy điện với tổng công suất trên 167 MW. Ngoài ra tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW và 1 dự án điện khí công suất 1.500 MW cùng một số dự án thủy điện.

Thời gian tới, nhiều nhà máy sản xuất điện dự kiến sẽ được triển khai khi tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII nhiều dự án về năng lượng gồm: 60 dự án điện gió trên bờ có tổng công suất 4.600 MW và 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600 MW cùng 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400 MW, thủy điện 2.000 MW, điện khí 4.500 MW.

Việc phát triển hệ thống các dự án năng lượng này phù hợp với chủ trương mà Nghị quyết 26-NQ/TW đã đưa ra là “Hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen. Triển khai công tác thẩm lượng, thẩm định, phê duyệt trữ lượng đối với mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu”.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, tiềm năng để sản xuất điện từ nắng, gió và khí khai thác ngoài khơi cho phép tỉnh cung cấp đủ nguyên liệu đầu vào cho các dự án điện hiện nay và tương lai.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.