Tham dự Diễn đàn có hơn 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Tại Diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các tỉnh, thành đã cùng nhau phân tích chuyên sâu nhằm đưa ra những nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam.
Nội dung của Diễn đàn có các chuyên đề chính bao gồm: Thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Tiềm năng, cơ hội; Thách thức phát triển và động lực mới phát triển kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, để các định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và phát triển kinh tế xã hội toàn vùng nói chung nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả như mong muốn, không thể thiếu sự đóng góp, chung tay trực tiếp của chính quyền các địa phương trong vùng, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Diễn đàn "Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long" là cơ hội tập hợp những phân tích, báo cáo, nhận định chuyên sâu, đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh tình hình phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nêu lên thực trạng, thách thức cũng như cơ hội của khu vực này để góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam.
Các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại Diễn đàn sẽ góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cải thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách hiện có trong thời gian tới.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh, Điều phối Diễn đàn cho biết, các vấn đề các diễn giả cần quan tâm phân tích, làm rõ để giúp phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Đó là: đây sẽ là trung tâm logistics mang tầm quốc tế và có khả năng kết nối trong vùng mà kết nối quốc tế. Thứ hai, phát triển hạ tầng ở vùng Đồng bằng song Cửu Long rất đặc thù, đặc biệt, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho hệ sinh thái tốt nhất phát triển nông nghiệp cùng với quá trình công nghiệp hóa. Thứ ba, là đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa gắn với phát triển kết cấu hạ tầng. Thứ tư, là nguồn vốn, nguồn lực để thực hiện chương trình này cần có cơ chế, cách làm rất đặc biệt cho vùng Đồng bằng song Cửu Long và cuối cùng là phải giữ được bản sắc, đặc thù của vùng.
Theo TS. Võ Trí Thành, Diễn đàn này không phải chỉ bàn đến câu chuyện khát vọng phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho toàn bộ vùng Nam Bộ và đất nước, mà ở đây còn là câu chuyện tri ân cho vùng Đồng bằng song Cửu Long bởi vì chúng ta đã trễ và đi chậm trong phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng trong thời gian qua so với nhiều vùng khác trong cả nước.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, hiện nay đất nước đang tích cực "trả nợ" cho Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề còn lại là chúng ta phải làm như thế nào?
PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, trong thời gian tới chúng ta không thể giữ lại và tiếp tục giao nhiệm vụ cho vùng thực hiện chức năng an ninh lương thực hay nông nghiệp như trước đây. Một trong những chức năng quan trọng nhất của vùng này là làm sao phải có nước, phải giữ được nước (nước ngọt) và giữ được đất, phải bảo tồn lãnh thổ, bảo vệ các điều kiện tự nhiên, các nguồn lực phát triển cho đất nước, chứ không phải chỉ cho dân vùng này.
Trên tinh thần đó, chúng ta phải thiết kế chiến lược phát triển theo hướng thuận thiên trong điều kiện thời tiết, khí hậu đang thay đổi đồng thời hướng đến hiện đại. Đồng bằng sông Cửu Long phải phát triển theo hướng du lịch sinh thái trên nền tảng ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho thấy một tư duy mới trong phát triển cho vùng. Do đó cần phải bố trí lại ngành nghề và mùa vụ sản xuất phù hợp để phát huy thế mạnh… Sự đầu tư của nhà nước tăng lên sẽ tạo ra điều kiện cho Đồng bằng sông Cửu Long nền tảng tốt và mới để phát triển, đồng thời cũng cần tư duy khác để tận dụng nguồn lực này được tốt hơn.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12,8% diện tích cả nước, chiếm 18% dân số cả nước, sản lượng lúa chiếm trên 50% cả nước, GDP chiếm khoảng 12% cả nước. Tuy nhiên, GRDP bình quân đầu người của vùng thấp hơn mức bình quân chung cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng như: chưa có cảng đầu mối; chưa có trung tâm logistics lớn cấp vùng; hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp thiếu và lạc hậu; một số địa phương trong khu vực còn là vùng trũng về y tế, giáo dục của cả nước.
Để góp phần phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn thành phố Cần Thơ thực hiện rốt ráo thủ tục thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực, kết hợp xây dựng thêm Cảng Cargo Logistics phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố làm cơ sở quy hoạch thành sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000 ha; Cho phép xây dựng Dự án Kết nối đường sắt To. Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao.
Cùng với đó là đầu tư các tuyến giao thông kết nối liên vùng giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương lân cận như: Cần Thơ với thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ) với huyện huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.