Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, logicstics, công nghiệp,... nên cần hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế, gắn kết với liên kết vùng miền. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới và trong nước biến động khó lường, cùng với các yếu tố đặc thù về khí hậu, địa chất, việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi các địa phương trong vùng phải có sự chuẩn bị về phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, tạo sự đồng bộ để quá trình phát triển được hài hòa và bền vững.
* Nhiều nhược điểm cần khắc phục
Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030 của khu vực này là mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 phải đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đây là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới để khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển bền vững toàn vùng và của các địa phương trong vùng thời gian tới.
Thực tế, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về xây dựng mạng lưới đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thep đó, dân số đô thị toàn vùng khoảng 17,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa trung bình toàn vùng năm 2022 là 31,8%, thấp hơn so với trung bình 41,7% của cả nước. Tính đến tháng 5/2023, toàn vùng có 211 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương là Cần Thơ và 2 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang).
Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và 5 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp nước, quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn; quy hoạch thoát nước; các định hướng chiến lược, chương trình phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng còn đạt được nhiều thành tích lớn về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Theo báo cáo của các địa phương, tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị và khu công nghiệp trong vùng đạt khoảng 1,7 triệu m3/ngày đêm, công suất khai thác 1,485 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch bình quân toàn vùng đạt khoảng 96,1%, cao hơn tỷ lệ cấp nước sạch đô thị bình quân của cả nước khoảng 94%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với nhiều bất lợi như: nguồn nước phù sa đang suy giảm, hạ tầng kết nối không đồng bộ, điều kiện phát triển công nghiệp - đô thị ít thuận lợi, nền đất yếu, khoáng sản ít, khó làm thủy điện,… Để phát triển bền vững, vùng cần những năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới.
Ông Phan Hoàng Phương, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) nêu một số các trục giao thông dọc kết nối và các cầu lớn nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa đầu tư hoàn chỉnh như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An và Mỹ An - Cao Lãnh, đường N1, cầu Rạch Miễu 2 và cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60.
Bên cạnh đó, cảng lớn nhất trong vùng là cảng Cái Cui (TP Cần Thơ) tiếp nhận được tàu tải trọng 20.000 DWT, tuy nhiên, bị hạn chế của luồng sông Hậu nên chưa khai thác hết công suất. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hiệu quả khai thác còn thấp so với công suất thiết kế. Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa hình thành được các trung tâm logistics, chưa có các doanh nghiệp có quy mô lớn, giữ vai trò chủ đạo trong vùng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các dịch vụ logistics...
* Nhiều giải pháp phát triển bền vững
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xây dựng hạ tầng cần tính đến bảo tồn để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, xứng tầm. Cần tầm nhìn dựa trên hai giải pháp chiến lược chính: Quản lý thách thức và tạo giá trị. Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, hình thành các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực. Qua đó, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn tài nguyên, hệ sinh thái...
UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn Cần Thơ thủ tục thành lập Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ. Ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng, cấp khu vực; đề xuất xây dựng Dự án "Kết nối đường sắt TP HCM - Cần Thơ và đầu tư xây dựng Đường cao tốc trên cao"…
Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng 16 đề xuất dự án với tổng mức đầu tư trên 94 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng trên 28 nghìn tỷ đồng, vốn vay nước ngoài 2,817 tỷ USD (khoảng 66 nghìn tỷ đồng). Hầu hết các dự án này là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).
Ông Tạ Quang Vinh đề xuất, để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả hơn, trước hết, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông hệ quốc tế.
Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của vùng; trong đó có giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Theo các chuyên gia, cần tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài trong dự án tài trợ của 6 ngân hàng phát triển thuộc chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.
Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA, bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững chống sạt lở, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn quá nhiều, chậm tiến độ quá lâu hay đề xuất mức doanh thu kỳ vọng quá cao; đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, y tế, giáo dục,…