Chuẩn bị đấu thầu lại gạo dự trữ quốc gia, vì doanh nghiệp 'xù' hơn 170.000 tấn

Có 178.000 tấn gạo trúng thầu dự trữ quốc gia nhưng chỉ có 7.700 tấn là có người đến kí hợp đồng. Do đó, sắp tới sẽ phải tổ chức đấu thầu lại.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã báo cáo Bộ Tài chính cho tổ chức đấu thầu lại đối với số lượng 182.300 tấn gạo, để bảo đảm đủ chỉ tiêu 190.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Doanh nghiệp 'xù' hơn 170.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, chuẩn bị đấu thầu lại - Ảnh 1.

Doanh nghiệp 'xù' hơn 170.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, Bộ tài chính chuẩn bị đấu thầu lại. (Ảnh: TTO).

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết căn cứ vào thời gian thu hoạch vụ Đông Xuân tại Nam Bộ, đơn vị đã tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Luật Dự trữ quốc gia. Gạo mua nhập kho dự trữ quốc gia là loại gạo 15% tấm được xay xát từ thóc thu hoạch vụ lúa này.

Kết quả, đến hết ngày 8/4/2020, có 178.000 tấn gạo có nhà thầu trúng thầu. Tuy nhiên, chỉ kí được hợp đồng 7.700 tấn gạo, số lượng gạo các nhà thầu đã trúng nhưng từ chối kí hợp đồng là 170.300 tấn.

Để mua đủ số lượng gạo theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã báo cáo Bộ Tài chính cho tổ chức đấu thầu lại đối với số lượng 182.300 tấn gạo, để bảo đảm đủ chỉ tiêu 190.000 tấn nhập kho dự trữ quốc gia.

Cơ quan này cũng cho biết đang khẩn trương triển khai tiếp các thủ tục để tổ chức đấu thầu mua số lượng gạo còn lại. Việc tổ chức đấu thầu bảo đảm tuân thủ theo đúng thời gian, quy trình, trình tự, thủ tục theo quy định.

Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng giao nhiệm vụ cho các cục khu vực theo thẩm quyền phân cấp, để xử lí các nhà thầu đã trúng thầu nhưng từ chối kí hợp đồng theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.

Vì sao doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhưng xù không kí hợp đồng?

Theo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các doanh nghiệp, nguyên nhân một loạt nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối kí hợp đồng, là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực của các doanh nghiệp, người dân trong nước tăng cao.

Mặt khác, trong những tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đi các nước Philippines, Malaysia, Trung Quốc... tăng mạnh, dẫn đến thị trường giao dịch gạo trong thời gian qua rất sôi động. Giá gạo liên tục tăng kể từ thời điểm các nhà thầu tham dự thầu, nên họ từ chối kí hợp đồng.

Cục trưởng Cục Giám sát quản lí về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết thêm sau khi rà soát số lượng doanh nghiệp đăng kí các tờ khai xuất khẩu gạo cho hạn ngạch 400 tấn xuất đi trong tháng 4, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường. 

Đó là, trong danh sách đăng kí tờ khai xuất khẩu, có những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo, nhưng không đến kí hợp đồng hoặc từ chối kí hợp đồng. Nhưng khi hệ thống hải quan cho đăng kí tờ khai xuất khẩu thì các doanh nghiệp này lại đăng kí tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn gạo. 

Sau khi nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cho rằng có sự không minh bạch trong việc hải quan mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0h Chủ nhật 12/4, và nhanh chóng đóng cổng chỉ sau 3 giờ đồng hồ do đủ hạn ngạch quy định 400.000 tấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu hai Bộ Tài chính, Công Thương báo cáo về trách nhiệm quản lí trước ngày 18/4.

Bộ Tài chính phải nêu cụ thể về quy trình, cách làm danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng kí thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

Bộ Tài chính phải báo cáo lên Chính phủ tình hình mua dự trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai các nhiệm vụ đã được giao, trong đó có việc điều hành xuất khẩu gạo và công tác phối hợp với Bộ Tài chính. 

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.