Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo cụ thể về quy trình, cách làm danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng kí thành công trên hệ thống.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, báo cáo về việc liên quan xuất khẩu gạo gây ồn ào vài ngày qua.

Văn bản nêu rõ, vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc triển khai đăng kí mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan, và việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính báo cáo vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính báo cáo vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm. (Ảnh: TTO).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lí, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó cần nêu cụ thể về quy trình, cách làm danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng kí thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

Bộ Tài chính phải báo cáo lên Chính phủ tình hình mua dự trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai các nhiệm vụ đã được giao, trong đó có việc điều hành xuất khẩu gạo và công tác phối hợp với Bộ Tài chính. 

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu hai Bộ Tài chính, Công Thương phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 18/4.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn.

Quyết định có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4/2020. Trong đó, có quy định thương nhân đăng kí tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng kí xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn, tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, họ đã cử nhân viên túc trực mở tờ khai hải quan cả ngày 11/4, tuy nhiên, cổng đăng kí tờ khai hải quan chưa mở.

Đến 0h ngày 12/4, tức Chủ nhật, hải quan bất ngờ mở tờ khai cho hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo mà không hề có thông báo trước với các doanh nghiệp và chỉ 3 tiếng sau đó, họ lập tức đóng rồi thông báo đủ hạn ngạch xuất khẩu khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

Vụ việc khiến các doanh nghiệp vẫn còn tắc hàng trăm container đang nằm chờ ở cảng chưa được thông quan. Các doanh nghiệp cho rằng việc mở tờ khai hải quan như vậy là không minh bạch và công bằng.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan khẳng định kể từ 24h ngày 11/4, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng kí trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. 

Tổng cục Hải quan khẳng định người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, và không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Hôm qua, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng văn bản đề nghị hủy toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.

Các hội viên của VFA phản ánh việc đăng kí tờ khai đã bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày Chủ nhật (12/4), mà không có một thông tin chính thức nào trước đó từ các bên có trách nhiệm liên quan, về thời gian mở hệ thống cũng như không có một nhân sự nào của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu tiếp nhận hay trực hệ thống ngay thời điểm nhạy cảm này, các thương nhân hoàn toàn bị động.

Báo cáo của VFA cho biết hàng hóa với số lượng lớn tại bãi chờ xuất của các cảng đã khá lâu, mỗi ngày các thương nhân phải chịu phí lưu bãi, lưu container, chi phí vận chuyển container hàng hóa từ kho lên cảng; chi phí nâng hạ, đảo chuyển, sản xuất, bao bì, giám định, khử trùng, kiểm dịch; rồi lãi suất ngân hàng, bị phạt bồi thường hợp đồng, chi phí nhân công tại các cảng ngày càng đắt đỏ…nhưng lại không đăng kí được tờ khai xuất khẩu. Trong khi nhiều thương nhận chưa tập kết hàng ở cảng lại đăng kí được tờ khai.

Do đó, nếu các lô hàng trên không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề lên đến hàng tỉ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về hạn ngạch 400.000 tấn, VFA đề nghị các cơ quan chức năng ngay lập tức áp dụng biện pháp chế tài đối với các thương nhân đã truyền tờ khai nhưng không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa, số container và số seal của container hàng đã đóng xong, như đã khai báo. Hủy toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.

Ngoài ra, VFA cho rằng Tổng cục Hải quan phải công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể, để Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu và thương nhân biết để thực hiện.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.